Ý nghĩa Phật thành đạo

Ý nghĩa Phật thành đạo

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sinh.

Cách đây hơn 25 thế kỷ, ở tại Bồ-đề Đạo Tràng (Ấn Độ), Bồ Tát Tất-đạt-đa sau sáu năm tu khổ hạnh và 49 ngày đêm ngồi tĩnh tọa dưới cội Bồ-đề để thể nhập chân lý, chứng đắc quả vị tối thượng trở thành Phật Thích-ca-mâu-ni.

Sự kiện Phật thành đạo có ý nghĩa lớn lao đối với Đạo Phật: chính thức xuất hiện vị Giáo chủ Thích-ca-mâu-ni để dắt dẫn chúng sinh hướng về nẻo giác. Kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo chính là để bày tỏ tâm thành tri ân đối với vị Đạo sư đã sáng soi chính đạo, phát sâu chí nguyện đi trọn hành trình này trong kiếp sống nhân sinh. Hiểu rõ ý nghĩa Phật thành đạo là điều kiện tiên quyết để tiếp nối bản nguyện của chư Phật mười phương.

Thái tử Tất-đạt-đa thuộc giai cấp Sát-đế-lị, dòng họ Thích-ca, là con của Vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Maya. Khi trưởng thành, Thái tử tìm cách thoát ra ngoài bốn bức tường bưng bít của ngai vàng điện ngọc để cảm nhận thực tế của cuộc sống đương thời và nỗi khổ lụy chung về sinh, già, bệnh và chết mà mọi người phải gánh chịu.

Trở về thành Ca-tỳ-la-vệ, dù ngày đêm ở bên cạnh người vợ hiền thục và kiều diễm bậc nhất, bao bọc bởi tiếng nhạc du dương cùng sơn hào hải vị của tiệc hội với đám tùy tùng đại diện thần dân túc trực, hầu hạ; Thái tử vẫn không sao quên được những nỗi đau buồn nhân thế và vòng quẩn quanh của kiếp sống. Những quyến rũ của vật dục thường tình không kìm hãm nổi một tâm hồn cao thượng muốn vươn tới những gì có ý nghĩa hơn, cao cả hơn, đưa đến hạnh phúc thật sự và nẻo thoát cho mọi loài. Ngài tâu với Phụ hoàng xin phép rời thành, xuất gia tầm đạo.

Vua Tịnh Phạn ngạc nhiên không hiểu được con mình còn thiếu món gì và đi tìm kiếm những gì? Thái tử trả lời là đi tìm con đường thoát khỏi nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết và mang đến hạnh phúc lâu bền cho chúng sinh. Phụ vương không chấp nhận thỉnh cầu này. Cuối cùng đến năm 29 tuổi, Thái tử lúc đang đêm âm thầm từ giã Phụ vương, Mẫu hậu, vợ con, Hoàng gia và muôn họ, vượt thành để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của giác ngộ và tầm câu chân lý.

Khắc khoải với lý tưởng cứu độ chúng sinh, Đạo sĩ Cù Đàm thấy thất vọng với những mục đích tối hậu của những đạo sĩ trứ danh nhất thời bấy giờ như Alara Kalama, Uddaka Ramaputta sau khi Ngài được những bậc thầy đó thừa nhận là đã chứng đạt được những tầng bậc cao nhất về niềm tin, năng lực, thiền định, trí tuệ và an lạc mà chỉ có họ và Ngài mới từng kinh nghiệm qua vì rốt cuộc nếu thoả mãn và dừng lại tại đây cả họ và Ngài rồi cũng bị trôi lăn trong nẻo luân hồi sinh tử. Nên sau đó, Ngài quyết định tự mình dấn thân trong một cuộc hành trình vô tiền khoáng hậu, tìm tòi chân lý nhiệm mầu.

Theo niềm tin phổ biến thời đó, những vị xuất gia thoát tục cần tu tập khổ hạnh mới chứng đạo quả cao sâu. Hành giả Cồ Đàm trải qua nhiều phương pháp tu khổ hạnh tột bậc được mô tả trong kinh Mahasaccka Sutta như: nghiến răng, đè lưỡi, tập trung cắt đứt tư tưởng, nín thở, nhịn ăn, ... và chịu đựng sự bức bách đau đớn khôn cùng nơi thể xác. Vóc dáng cường tráng, phương phi của Thái tử Tất-đạt-đa, một thời là hiện thân niềm kiêu hãnh của kinh thành Ca-tỳ-la-vệ, sau sáu năm tu khổ hạnh chỉ còn lại tấm thân gầy trơ nắm xương da như ngọn lửa sắp tắt lụi.

Nhận thấy mục tiêu chưa đạt được mà thần chết đã cận kề nên Ngài quyết định thay đổi phương pháp tu hành, duy trì tấm thân mình để còn tiếp tục hành trình. Ngài nhận bát vàng đựng sữa với mật ong dâng cúng của nàng Sujata, con gái của Nadaca, vợ của trưởng giả Senani để phục hồi sức lực cho giai đoạn quyết định. Năm anh em Kiều Trần Như nghĩ rằng Ngài đã thối lui hạnh nguyện nên rời bỏ Ngài đi đến vườn Lộc Uyển tu riêng. Không thối chí, một mình một bóng, Ngài đến tắm nước sông Ni-Liên-Thuyền, thả bát vàng xuống sông để xác tín chí nguyện, rồi nhận bó cỏ kiết tường do một lão nông phu cạnh bờ sông dâng cúng, mang đến Gaya, nơi gốc cây Tất Bát La trải bó cỏ ngồi thiền và tự phát nguyện lớn:

"Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra lẽ huyền vi của vũ trụ vạn pháp thì dù thịt nát, xương tan, ta quyết không rời bỏ chỗ này".

Sau 49 ngày đêm thiền định, quán sát không gián đoạn, vào đêm cuối cùng khi nhìn sao mai mọc, Ngài chiến thắng tất cả ma quân, tượng trưng cho những tầng lớp vô minh của tâm thức từ vô thủy, chứng được Lục thông, Tam minh và thành Phật với danh hiệu Thích-ca-mâu-ni. Năm ấy Ngài 35 tuổi.

Nghiên cứu về lịch sử của Đức Phật, chúng ta thấy Ngài vừa là con người thật, cụ thể mang tính chất lịch sử vừa là con người biểu tượng. Ở nơi Ngài luôn chứa đựng những chân lý sống động, cao sâu. Học Đạo Phật, người Phật tử tiếp cận Thân giáo, Khẩu giáo và Ý giáo từ Đức Bản Sư. Nhất cử, nhất động, nhất niệm, nhất ngôn của Đức Phật đều là những bài học quý giá, thiết thực muôn đời. Sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của Đức Phật, Phật thành đạo, hẳn nhiên để lại cho quần sinh bao ý nghĩa, diệu dụng không thể nghĩ bàn.

Tin cùng chuyên mục