Lớn lên, thái tử thông minh xuất chúng, văn võ toàn tài, không ai sánh kịp. Vua Tịnh Phạn không thể giữ Ngài lại với cuộc sống nhung lụa, với ngôi báu quyền uy tột đỉnh. Công chúa Gia Du Đà La cũng không ngăn được bước chân Ngài hướng về con đường giải thoát.
Trải qua 5 năm tìm đạo, 6 năm khổ hạnh ở chốn rừng sâu, không giúp Ngài tìm thấy chân lý. Ngài từ bỏ tất cả pháp tu sai lầm của ngoại đạo. Ngài tham thiền dưới cội bồ-đề liên tục trong 49 ngày và đắc quả Vô thượng Bồ-đề, trở thành bậc Toàn trí Toàn giác.
Từ đó suốt 49 năm hoằng hóa độ sanh, hơn 300 hội thuyết pháp từ Lộc Uyển đến Linh Thứu sơn, Đức Phật đã dẫn dắt mọi tầng lớp người thăng hoa trên con đường Hiền Thánh. Thân thế và sự nghiệp hoằng hóa độ sanh của Đức Phật như một bậc Thánh nhân hiện hữu trên cuộc đời này cách đây hơn 25 thế kỷ đã được lịch sử ghi nhận rõ ràng.
Tuy nhiên, nếu mở rộng tầm nhìn xa hơn, chúng ta không thể giới hạn sự hiểu biết về cuộc đời của Đức Phật một cách đơn giản, như Ngài ra đời, lớn lên, tìm đạo và ngồi ở gốc cây bồ-đề rồi thành Phật, độ sanh.
Thật vậy, trong kinh Pháp hoa, phẩm Như Lai thọ lượng, thứ 16, Đức Phật xác định: “Trời, người, A-tu-la đều cho rằng nay Đức Thích Ca Mâu Ni vừa rời cung họ Thích, cách thành Già Da chẳng bao xa, ngồi nơi đạo tràng thành Vô thượng Đẳng giác. Nhưng thiệt Ta thành Phật đã từ lâu xa, cách đây vô lượng vô biên trăm ngàn muôn ức na do tha kiếp…”.
Theo kiến giải của kinh Pháp hoa, ai cũng có khả năng thành Phật, nhưng không thể đạt mục tiêu này, nếu không gia công thực hiện Bồ-tát hạnh. Bất cứ ai cũng phải trải qua quá trình vô số a tăng kỳ kiếp tu hành đạo Bồ-tát, viên mãn đạo hạnh mới có thể đạt quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác.
Ngay chính Đức Thích Ca Mâu Ni cũng vậy. Ngài khẳng định đã từng tiến tu đạo hạnh Bồ-tát vô số kiếp từ xa xưa. Trước khi đạt đến bậc Toàn giác, tiền thân Phật đã tu tạo công đức như thế nào, được ghi lại rất nhiều trong các kinh điển. Chúng tôi chỉ nêu ra hai tiền kiếp của Đức Thích Ca được nhắc đến trong kinh Pháp hoa, tiêu biểu cho hai hạnh đức quan trọng trong vô số các hạnh Bồ-tát mà Ngài đã thành tựu.
Vào thuở quá khứ xa xưa, tiền thân Phật là một vị đế vương phát tâm cầu Vô thượng Bồ-đề với Tiên nhân Trường Thọ. Vị này ra điều kiện buộc vua phải tuân theo ông, không được trái ý, ông mới truyền dạy Diệu pháp Liên hoa. Vì lòng khát ngưỡng pháp Vô thượng đến cao độ, vua hết lòng tu học với Tiên nhân, làm tất cả mọi việc nặng nhọc cực khổ mà thân tâm không hề mỏi mệt, buồn chán.
Hình ảnh Ngài theo học với Tiên nhân, siêng năng hành đạo, chịu đựng gian khổ trải qua 1.000 năm, gợi cho chúng ta bài học về đức tính nhẫn nại. Thật vậy, đang ở địa vị quốc vương chỉ biết ra lệnh mà nay gặp được minh sư, vua sẵn sàng từ bỏ uy quyền, đóng vai người học trò cầu đạo, phải nghe lời thầy tuyệt đối, phải làm những việc thấp nhất, nặng nhọc, mà kinh ghi là bửa củi, gánh nước, hầu hạ Tiên nhân.
Theo tôi, điều này nhằm diễn tả sự quyết tâm kiên nhẫn, chịu đựng gian khổ của người học đạo, để lãnh hội cho được những gì siêu tuyệt của thầy. Ngoài ra, cũng nói lên phương pháp dạy đạo của minh sư, thấy rõ cần phải dùng pháp gì thích hợp để dạy cho đệ tử không muốn làm vua. Tất cả những điều này không đơn giản. Vua không dễ gì bỏ ngai vàng đi tu để nghe lời, hầu hạ bất cứ ông thầy nào. Lợi danh và quyền uy mà vua từ bỏ, ắt hẳn phải đánh đổi được tài sản gì cao quý hơn nhiều, nên ông mới hết lòng chịu đựng khổ luyện.
Mặt khác, đối với đệ tử, Tiên nhân sử dụng phương pháp dạy dỗ không cần nuông chiều. Trái lại, ông còn khó khăn nghiêm khắc; nhưng tại sao vua vẫn vui vẻ, tình nguyện tuân theo tu học đến 1.000 năm. Phải chăng nhờ nương theo sự uốn nắn nghiêm khắc của thầy mà đệ tử xóa bỏ được tâm tánh kiêu mạn, ích kỷ của bậc đế vương.
Thiết nghĩ với quá trình khổ công tu luyện trải qua hàng ngàn năm trong tiền kiếp với Tiên nhân Trường Thọ hay chính là Đề Bà Đạt Đa, đã giúp cho Ngài rèn luyện được sức chịu đựng. Nhờ đó, thân trở thành khỏe mạnh, tâm hồn trong sáng, xóa sạch phiền não, trí tuệ sáng suốt. Đức Phật cũng từng xác định Đề Bà Đạt Đa là ân nhân của Ngài, giúp Ngài mau thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ-đề.
Qua lời dạy đó, chúng ta rút ra bài học nếu không gặp đối tượng ác xấu, không nỗ lực gia công tu tập vượt qua khổ nhục, phá trừ phiền não, rèn luyện tinh thần sáng suốt, chúng ta không thể nào tiến bước, trưởng thành trên con đường thánh hạnh.
Ngoài ra, trên lộ trình tu Bồ-tát đạo, công hạnh của Đức Phật còn sáng chói với hạnh nguyện cao tột thể hiện qua hình ảnh tiền thân Ngài là Thường Bất Khinh Bồ-tát. Ngài hành đạo vào kiếp quá khứ lâu xa ở thời Tượng pháp của Phật Oai Âm Vương.
Trong thời Tượng pháp, cách xa Chánh pháp, không gần được Đạo sư, không sống với chánh đạo nên thường bị tà pháp xen vào, chỉ còn giữ màu sắc đạo trên hình thức. Bấy giờ thực chất của người tu không đắc đạo, không tiêu biểu cho những gì cao quý theo như Phật dạy; phần lớn chỉ sinh hoạt theo tham sân phiền não, lo phát triển vật chất, xa rời tinh ba của đạo là tâm linh.
Thường Bất Khinh Bồ-tát xuất hiện trong cảnh sống như vậy. Ngài nhận thấy sự sai trái hoàn toàn của các người tu bấy giờ. Họ sống xa rời chân tâm, chạy theo huyễn vọng, lấy vật chất làm thước đo giá trị cuộc sống.
Thường Bất Khinh phát nguyện hiện hữu đúng nghĩa một hành giả từ bỏ vật chất, sống cuộc đời một du tăng, hành đạo nay đây mai đó. Ngài sống với nội tâm, an trụ trong pháp và thuyết giảng khuyên người tu không nên kiến tạo vật chất, hãy trở về đời sống tâm linh. Vì giảng như vậy mà Ngài bị người khinh ghét, nguyền rủa, ném đá.
Mặc dù gặp nghịch cảnh của thời Tượng pháp, Thường Bất Khinh không nản lòng. Ngài vẫn tiếp tục lập hạnh an trú trong Chánh pháp, nên tiến lần đến cùng tột chân tâm. Lúc ấy kết quả hành đạo của Ngài hoàn toàn thay đổi. Trong kinh ghi là khi Bồ-tát sắp mạng chung, nghe được 20.000 muôn ức bài kệ kinh Pháp hoa của Đức Phật Oai Âm Vương. Nghe xong, sáu căn của Bồ-tát liền trở thành thanh tịnh và Ngài sống thêm 200 muôn ức na-do-tha tuổi.
Điều này có nghĩa là Bồ-tát không lấy tứ đại ngũ uẩn làm thân mạng, nhưng Ngài lấy giới làm thân, lấy huệ làm mạng sống. Bồ-tát bỏ mạng thế tục, đồng nghĩa với không còn bị tứ đại ngũ uẩn tác động chi phối hay không bị nóng, lạnh, đói khát và vui buồn vinh nhục của cuộc đời làm khổ thân tâm.
Bồ-tát phá bỏ mọi sự chi phối về vật chất và tinh thần của tứ đại ngũ uẩn xong, trở về sống với tâm linh. Trụ ở chân tâm thì đời sống trí tuệ vô lậu phát sinh, hạnh đức tăng trưởng. Đó chính là thân mạng vĩnh hằng bất tử, mà kinh diễn tả là Ngài sống thêm 200 muôn ức na-do-tha tuổi. Như vậy, tứ đại ngũ uẩn thân hay giới thân huệ mạng cũng đều là thân của Thường Bất Khinh Bồ-tát. Tuy nhiên, khi chưa đắc đạo thì bị người khinh chê, ném đá. Trái lại, phước đức và trí tuệ sanh do đắc đạo, thì người kính trọng, xin theo học.
Tôi rất tâm đắc bài học này. Trên bước đường tu, chúng ta dấn thân hành đạo xem người đối xử với chúng ta như thế nào, sẽ biết được thực chất của ta như vậy. Nếu người còn xem thường là biết ta còn dở, còn nghiệp xấu. Được người cung kính, thì biết ta đã sanh phước đức. Cứ xem thái độ của người đối với ta để quan sát bản thân mình mà tự mài giũa thân tâm cho trong sạch, hiểu biết cho chính xác.
Gương sáng của Thường Bất Khinh, hay tiền thân Phật lập chí dấn thân hành Bồ-tát đạo ở thời cực ác khó khăn mà vẫn an trụ pháp chân thật, không biết sợ hãi sờn lòng. Khi Ngài phát triển đầy đủ giới thân huệ mạng, dùng giới đức và trí tuệ vô lậu để giáo hóa chúng sanh, những người tăng thượng mạn chống đối cũng phải quy phục Ngài.
Điều này cũng nhằm nhắc nhở chúng ta không nên giáo hóa bằng cách nói suông, không thể lấy một số giáo điều đọc được trong sách vở rồi đem dạy người, buộc họ phải tuân thủ. Chỉ có đạo đức và trí tuệ vô lậu của chính ta do tu hành đạo Bồ-tát thành tựu, mới có công năng điều phục chúng sanh nhẹ nhàng, không gây chướng ngại cho người và không chuốc phiền não cho mình.
Ý này được kinh ghi là sáu căn thanh tịnh và thấy được Phật Vân Tự Tại. Thấy Phật Vân Tự Tại cũng có nghĩa là hành đạo tự tại, nhẹ nhàng như mây bay. Mây bay qua núi nhưng không làm chướng ngại núi và núi cũng không ngăn trở được mây. Phật cũng thường ví hình ảnh người tu giáo hóa nhẹ nhàng như con ong lấy mật hoa, không làm tổn hại hương sắc hoa. Người tu độ chúng sanh cũng vậy, hành xử thế nào để người và ta đều không bị buồn phiền, bực bội.
Tóm lại, Đức Phật cũng khởi đầu tu hành với sanh thân. Trải qua vô số kiếp, Ngài xả thân hành Bồ-tát đạo, tu tạo phước đức trí tuệ hoàn toàn đầy đủ, kết thành Báo thân viên mãn. Từ Báo thân viên mãn, Đức Phật dùng vốn quý giá này để chi phối toàn bộ các pháp, điều động chuyển vật theo ý muốn, nên tạo thành thân thứ ba gọi là Pháp thân. Thành tựu Pháp thân và Báo thân viên mãn, Ngài là Phật, là bậc Giác ngộ hoàn toàn từ vô lượng kiếp quá khứ.
Khi quán sát thời tiết nhân duyên độ sanh ở Ta-bà đến, Ngài phát tâm đại bi tái sanh ở nước Ấn Độ, vào cung vua Tịnh Phạn làm Thái tử Tất Đạt Đa.
Hiện thân trong thế giới loài người nên Ngài cũng có thân tứ đại như mọi người. Tuy nhiên, bên trong sanh thân Thích Ca Mâu Ni đã hàm chứa Pháp thân và Báo thân viên mãn. Vì vậy, Ngài hiện hữu ở Ta-bà trong hiện kiếp với tư cách một người có đầy đủ điều kiện cần thiết để tiến đến Vô thượng Bồ-đề, đó là sức khỏe phi thường, ngoại hình đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, trí tuệ siêu tuyệt, tâm hồn luôn hướng thượng, chẳng màng lợi danh, phú quý thế gian.