Mức giá của Suzuki XL7 thấp hơn nhiều so với giá Mitsubishi Xpander hiện tại (620 triệu đồng) và gần như chắc chắn sẽ rẻ hơn Xpander Cross, bởi Xpander Cross là bản gầm cao của Xpander với một vài điểm cao cấp hơn. Giá thấp nhưng trang bị trên Suzuki XL7 gần tương đương Xpander. Mẫu SUV/Crossover lai MPV này có những tính năng hiện đại hơn Ertiga như hệ thống cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc và cụm đèn chiếu sáng LED. Các trang bị khác trên XL7 gần như giống hệt Ertiga bản nâng cấp 2020, như màn hình 10 inch hỗ trợ Apple CarPlay, đề nổ bằng nút bấm, điều hoà tự động... Nếu so với Xpander thì XL7 chỉ thiếu ga tự động (Cruise Control). Giá phải chăng, trang bị "miên man" trong tầm giá, Suzuki XL7 thu hút được khá nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng.
Suzuki XL7 (Ảnh Internet) |
Tuy nhiên, việc mua chiếc xe này lại đang trở nên khó khăn. Nguồn cung nhỏ giọt, nhu cầu lớn dẫn đến tình trạng khách hàng tranh nhau mua xe, đặc biệt là những màu được ưa chuộng như màu trắng. Trên mạng xã hội đã có nhiều khách hàng lên tiếng, bực dọc vì việc này. Có vẻ như Suzuki lại đang tiếp tục lặp lại cung cách bán hàng của những năm trước, điển hình là mẫu xe Suzuki Ertiga. Dù ra mắt hoành tráng, trang bị và giá cả hấp dẫn nhưng chính sách bán hàng không hợp lý đã bào mòn kiên nhẫn của khách hàng để rồi hầu hết quay lưng sang mua thương hiệu khác.
Một khách hàng mua hụt xe lên tiếng trên cộng đồng (Ảnh facebook) |
Việc chậm chân mua hàng nóng cũng là bình thường, tuy nhiên cách trả lời khách hàng của nhân viên bán hàng Suzuki mới đáng quan tâm. Họ cho rằng ai nhanh tay đặt cọc nhanh thì có xe, không thì phải chờ. Thậm chí có nhân viên bán hàng còn kể về những khách hàng chấp nhận mất thêm tiền để mua được xe ngay, nên khách hàng đừng nghĩ có tiền mà mua được xe như ý, chưa kể còn đòi cả khuyến mãi thì không mua được là đương nhiên.
Trao đổi của nhân viên bán hàng Suzuki với khách (Ảnh facebook) |
Đại dịch Ncovid-19 vừa mới chuyển sang giai đoạn bình thường mới, nền kinh tế mới chỉ bắt đầu bước chân vào giai đoạn khủng hoảng sau dịch bệnh. Các hãng xe đều cố gắng giảm giá, tìm kiếm khách hàng để có thể duy trì hoạt động. Chính phủ cũng thực hiện các biện pháp kích cầu kinh tế như giảm phí trước bạ, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên chỉ ngay khi tình hình kinh doanh vừa có dấu hiệu tốt lên, Suzuki Việt Nam lại tiếp tục thử thách tình yêu của khách hàng, nhân viên bán hàng thì ngay lập tức phân loại thượng đế. Có lẽ với họ giờ đây chỉ có "đặt cọc trước" và "đặt cọc sau", "bỏ thêm tiền" hoặc "xin khuyến mãi". Và quên luôn những ngày dài năm ngoái ngồi chơi xơi nước vì ế ẩm, xem các hãng khác bán hàng.