Ta tìm gì trong cuộc sống?

Ta tìm gì trong cuộc sống?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ta quên rằng sau khi tranh giành mọi thứ liệu rằng cuộc đời có bình an hay như là những của cải đó mang theo đến mộ phần cùng với họ. Khi chợp mắt khép mi rồi thì tất cả danh vọng, tiền tài, lụa là gấm vóc đều để lại...

Câu hỏi xem chừng chả có gì hay và cũng có thể gọi là câu hỏi vô duyên!

Tìm gì ư? Tìm cơm áo gạo tiền. Thế mà cũng hỏi.

Thật vậy ! Trừ những đứa trẻ hay những học sinh - sinh viên, còn người lớn hay gọi là người trưởng thành ai mà chẳng phải lao đầu đi kiếm tiền. Đơn giản có tiền mới trang trải cho cuộc sống cũng như đáp ứng nhu cầu cho cá nhân, cho gia đình.

Và rồi trong cuộc sống, người nghèo thì tìm sao cho đủ ăn đủ mặc. Người quá nghèo thì chắc có lẽ chỉ cần có cái ăn còn cái mặc thì ai cho gì mặc đó. Nhưng ở người giàu có thì lại muốn tìm thêm để sắm cái này, mua cái kia sao cho bằng chị bằng em.

Người giàu xem chừng ít ai biết “đủ” khi họ đã lao vào "cuộc chơi". Có khi bất chấp sức khỏe, có khi không dành cho thời gian nghỉ mà lao đầu vào tìm tiền. Có những người tìm tiền bất cứ giá nào và bất chấp mọi thủ đoạn.

Trong cuộc sống, như định mệnh: người giàu kẻ nghèo! Người giàu ở nhà cao cửa rộng, có xe và những thứ đắt tiền.

Người nghèo thì chắc chỉ cần 4 bức vách và mái nhà để che thân.

Tất cả cùng lớn lên, cùng sống, cùng phát triển. Kèm theo sự tăng trưởng trong cuộc sống thì thời gian như cuốn lại, tuổi tác như già ra và cái chết như cận kề vì bệnh tật hay tuổi cao sức kém.

Cuối cùng, tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, địa vị, sắc đẹp, giàu sang phú quý hay nghèo hèn...tất cả đều phải chết.

Nhìn những nấm mộ ở nghĩa trang, nhìn những chiếc hũ tro cốt tại Hiếu Nghĩa Đường ở những ngôi chùa ta thấy được điều gì? Xin thưa ta thấy được nhúm tro tàn hay bộ xương khô của những người nằm đó. Và thử hỏi, cuối đời họ mang theo gì được

Trước mộ phần, người thân ta đó chứ! Trước mộ phần, người quen ta đó chứ! Trước mộ phần, bè bạn ta đó chứ! Trong những người đó, khi sinh thời có khi là một tu sỹ, những vị chức sắc các tôn giáo, một doanh nhân giàu có, một đại gia thành đạt...nhưng giờ còn nữa đâu. Phần ta, ngày sau ta cũng như họ không hơn không kém. Ta cũng được vùi sâu trong lòng đất hay được thiêu đốt thành dúm tro tàn.

Cuộc đời là vậy đó để rồi ta tìm gì nữa?

Vẫn là con người, lệ thuộc trong định luật của con người để rồi con người tìm kế sinh nhai. Thế nhưng rồi chả lẽ con người cũng như con chim con chiện đi tìm kế sinh nhai xong rồi chết hay sao? Con người đâu như con vật kia rằng thì là chết là hết. Với những người có đạo, với những người có tín ngưỡng vào xác loài người sẽ sống lại e rằng không dừng lại ở cái chuyện tìm kế sinh nhai nhưng lại là đi tìm cái cửa đàng sau cửa chết.

Kinh nghiệm còn đó và có đó nhưng dường như ít ai thuộc cho lắm để rồi con người ta lao đầu vào tìm đủ mọi cách sao cho mình được giàu sang phú quý và có những người không ngần ngại tranh giành với cha, với mẹ và với anh chị em mình để thừa hưởng vài đồng bạc lẻ hay mảnh đất hay cùng lắm là căn nhà. Và rồi họ quên rằng sau khi họ tranh giành như vậy liệu rằng cuộc đời của họ có bình an hay như là những của cải đó mang theo đến mộ phần cùng với họ. Khi chợp mắt khép mi rồi thì tất cả danh vọng, tiền tài, lụa là gấm vóc đều để lại.

Ta vẫn hình dung tương lai ở phía trước trong phần mộ hay trong nhà hài cốt. Bon chen cho lắm, cày cho thật sâu và thật lâu nhưng cuối cùng chỉ là dúm tro tàn mà thôi.

Ý thức như vậy cùng với suy nghĩ có thể ngày hôm nay là ngày cuối cùng cho sự sống để lòng được thanh thản hơn. Kèm theo đó là câu mà mình tự hỏi rằng cả cuộc đời mình đã “đi tìm cái gì” để cho dễ sống.

Nếu như ai nào đó nghĩ và tin rằng cuộc đời này là mãi mãi, trần gian này là vinh phúc thì cứ mãi đi tìm theo tự do của họ.

Còn nếu ai xác tín và nhận chân rằng cuộc đời này chỉ là cõi tạm hay là kiếp phù du thì ta sẽ có con đường sống thanh tao nhàn nhã với những vật lộn kiếp sống.

Cứ mỗi lần đi vào thăm làng đồng bào thiểu số là mỗi một lần ta tự hỏi cũng như trả lời cho thái độ sống của ta. Người trong buôn họ nghèo lắm, họ khó khăn lắm nhưng sao lòng của họ thật bình an. Đơn giản vì rằng họ không có nhu cầu cao trong cuộc sống cũng như họ luôn thấy đủ nên lòng cứ mãi bình an.

Nói như thế không phải ta thụ động hay buông xuôi. Nghĩ như thế không phải là ta để cho đời trôi như cánh bèo nhưng là để ta ý thức về cái cùng đích của đời ta cũng như ta mang theo gì được đến với mộ phần.

Ngày mỗi ngày, ta hãy biết tạ ơn bình an trong cuộc sống. Ngày lại ngày ta nên nguyện cầu cho ta luôn ý thức rằng ta “đã đủ” trong mọi hoàn cảnh để tâm hồn được bình an trong quán trọ trần gian vốn dĩ rất vô thường...

Tin cùng chuyên mục