“Người tựa vào tâm từ bi để sống sẽ luôn thương tất cả sự sống chung quanh như thương một người thân của mình, kẻ đó luôn có được trong lòng niềm vui bình yên tĩnh lặng”.
Khi trong tâm có từ bi, chúng ta đang được bảo vệ đến hai lần trước những nghịch cảnh nghịch duyên từ cuộc sống.
Từ bi với bản thân là lần bảo vệ thứ nhất, như khoác lên mình một tấm áo giáp; và từ bi với cuộc sống là lần bảo vệ thứ hai, bằng cách triệt tiêu hết sức mạnh của những chướng duyên.
Cũng con người đó, cũng cuộc sống đó, nhưng từ khi biết thương lấy bản thân, cuộc sống không còn dễ dàng gì đánh bại được họ nữa, họ luôn có đủ lí do để đứng lên nhiều hơn một lần so với số lần mà cuộc sống đã xô ngã họ, cuộc sống xô ngã năm lần họ sẽ đứng lên sáu lần. Thương bản thân mình chính là lí do lớn nhất.
Một kẻ thực sự biết thương lấy bản thân sẽ không đuổi theo những thứ làm họ khổ, không dừng lại với những thứ làm họ buồn, và không quay trở lại nơi đã từng làm họ đau.
Khi càng nhìn vào nỗi buồn là đang cung cấp cho nó thêm sức sống, khi càng nghĩ nhiều đến nỗi đau là đang cung cấp cho nó thêm dưỡng chất để lớn thêm lên, khi càng oán hận một người là đang tăng thêm sức sát thương cho từng lời nói của họ đối với mình, một câu nói chẳng đáng gì của họ cũng có thể làm ta đau như một mũi tên tẩm độc; khi nhìn vào nỗi đau rồi quay lại xem thử ta làm đã sai điều gì, đó là cách triệt tiêu sức sát thương của một nỗi đau, như đem tình thương ra để thuần hóa một con sói hoang, để nó trở nên vô hại.
Nỗi đau là lời nhắc nhở của cuộc sống muốn con người nhìn thấy một điều gì đó từ những việc họ đã làm, nhưng con người ít khi chịu nhìn lại.
Một kẻ đã mang trong tim dòng máu từ bi, dù bị cuộc sống làm tổn thương bao nhiêu lần cũng không để lại trong lòng họ bất kì một vết thương nào.