Nếu tin vào quảng cáo thì đừng trách hãng xe lúc phải dừng giữa đường

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khoảng cách di chuyển thực tế của những chiếc xe ô tô điện luôn là điều được người dùng quan tâm đầu tiên mỗi khi nghĩ tới việc sử dụng loại phương tiện giao thông này. Tuy nhiên, con số do nhà sản xuất công bố và sự thật dương như chưa bao giờ giống nhau.

Nếu tin vào quảng cáo thì đừng trách hãng xe lúc phải dừng giữa đường

Để xác định khoảng cách di chuyển cho xe điện, hiện nay trên thế giới có những tiêu chuẩn tương ứng với từng khu vực, cụ thể như sau:

Tiêu chuẩn NEDC (New European Driving Cycle): Được sử dụng ở thị trường Châu Âu

Tiêu chuẩn WLTP (Worldwide Harmonised Light Vehicle Test Procedure): Xuất hiện từ năm 2017 và đang dần thay thế cho tiêu chuẩn NEDC

Tiêu chuẩn EPA: Được sử dụng ở thị trường Mỹ

Tiêu chuẩn CLTC: Được áp dụng ở thị trường Trung Quốc

Các tiêu chuẩn nêu trên đều có sự chênh lệch đáng kể về thông số do được lập ra với những tiêu chí đánh giá khác nhau dựa trên thói quen sử dụng xe ở từng thị trường. Ở Châu Âu và nhiều nơi trên thế giới, tiêu chuẩn WLTP được sử dụng do nhu cầu sử dụng của khách hàng chủ yếu trong khu vực đô thị, khoảng cách đường cao tốc nối các thành phố không quá dài. Tiêu chuẩn EPA lại được xây dựng dựa trên thói quen sử dụng của người Mỹ, phần lớn di chuyển ở tốc độ cao và khoảng cách đường cao tốc nối các thành phố khá xa. Riêng tiêu chuẩn CLTC thì chỉ người Trung Quốc mới hiểu vì nó chỉ được dùng ở Trung Quốc.

Xe ô tô điện cũng giống như xe ô tô động cơ đốt trong, mức tiêu hao nhiên liệu phụ thuộc vào tốc độ lái xe, điều kiện thời tiết, tình trạng mặt đường, tải trọng của xe và cách sử dụng những trang bị trên xe. Điều này tạo nên sử khác biệt giữa các tiêu chuẩn đánh giá xe. Một chiếc xe với khoảng cách di chuyển được nhà sản xuất công bố theo thuẩn NEDC là 500 km, nhưng nếu người dùng sử dụng theo cách kiểm thử của tiêu chuẩn EPA (đa số thời gian chạy tốc độ cao) thì rất có thể chỉ chạy được 250km là phải sạc pin để đi tiếp.

Với xe động cơ đốt trong, hết nhiên liệu thì việc tiếp tục di chuyển là quá dễ dàng. Với xe điện, nếu bạn không đến được trạm sạc tiếp theo trên hành trình, chỉ có cách gọi xe cứu hộ hoặc để xe lại đó và tìm xe khác để di chuyển. Vì vậy, việc công bố chính xác khả năng di chuyển của xe điện là việc các nhà sản xuất phải hết sức “thật thà” để tránh cho khách hàng của họ gặp khó khi sử dụng xe điện. Mới đây, cơ quan quản lý Hàn Quốc đã phạt hãng xe điện số 1 thế giới Tesla số tiền 2,2 triệu Đô La do công bố sai về quãng đường di chuyển của xe trong điều kiện thời tiết giá lạnh. Các mẫu xe Tesla chỉ có thể di chuyển được quãng đường tương đương 50% quãng đường công bố trong mùa đông ở Hàn Quốc.

Nếu tin vào quảng cáo thì đừng trách hãng xe lúc phải dừng giữa đường ảnh 1

Vừa qua, Mercedes Việt Nam đã công bố một kỷ lục mới của chiếc xe điện hạng sang EQS450+ đạt được tại Việt Nam. Chiếc EQS450+ đã di chuyển được quãng đường 850km, từ Hà Nội vào tới Quảng Nam chỉ với 1 lần sạc pin. Tuy nhiên, làm cách nào để thực hiện được kỷ lục này thì hãng xe lại hết sức kiệm lời trước công chúng. Cũng giống như mọi quảng cáo bán hàng khác, những lưu ý chú thích quan trọng thường sẽ được ghi rất nhỏ hoặc gần như không nhắc đến bên cạnh con số mà nhãn hàng muốn nhấn mạnh tới người tiêu dùng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để đạt được kỷ lục nêu trên. Chiếc EQS450+ đã được chuyên gia vận hành theo một phương thức đặc biệt:

- Xe sử dụng chế độ lái tiết kiệm năng lượng tối đa

- Chỉ chở duy nhất lái xe, không mang theo hành lý để tối ưu trọng lượng

- Hạn chế bật đèn, sử dụng quạt gió điều hoà ở mức nhẹ, nghe nhạc với âm lượng thấp

- Di chuyển với vận tốc trong khoảng từ 50-90km/h

Nếu tin vào quảng cáo thì đừng trách hãng xe lúc phải dừng giữa đường ảnh 2

Không tăng tốc bất ngờ, không vượt xe khác trên đường quốc lộ. Luôn đi phía sau xe khác trên đường để tận dụng cản gió.

Để hoàn thành quãng đường 850km xác lập kỷ lục, chiếc EQS450+ mất 02 ngày di chuyển từ Hà Nội vào tới huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, sau đó mất 1 ngày dành cho việc sạc đầy pin với bộ sạc theo xe, và có thế sẽ mất 2 ngày nữa để quay trở về điểm xuất phát ở Hà Nội.

Mercedes EQS450+ có mức giá công bố lên tới gần 5 tỷ đồng tại Việt Nam, với mức giá này, rõ ràng đây là mẫu xe dành cho “đại gia” và đại đa số người dùng khó có khả năng sở hữu. Chúng ta hãy hình dung, vị “đại gia” nào đó mua EQS450+ sống ở Hà Nội và muốn đi du lịch ở Quảng Nam, anh này sẽ đi một mình, kiên nhẫn “bò” trên đường theo với tốc độ thấp bằng 1 nửa tốc độ tối đa cho phép để ngắm cảnh. Sau 2 ngày ngắm cảnh, anh này sẽ đến 1 Resort nào đó ven biển Quảng Nam – nơi có nguồn điện 3 pha để có thể sạc pin đầy sau 1 đêm. Ngay khi xe đủ pin, “đại gia” lại lặn lội “bò” về nơi xuất phát, kết thúc 1 chuyến nghỉ dưỡng 5 ngày tuyệt vời một mình ngắm kỹ những cảnh đẹp tuyệt vời của quê hương Việt Nam.

Nếu tin vào quảng cáo thì đừng trách hãng xe lúc phải dừng giữa đường ảnh 3

Tất nhiên đó chỉ là câu chuyện vui khi nói đến kỷ lục này của Mercedes Việt Nam. Người sở hữu EQS450+ chắc chắn sẽ đồng sở hữu thêm nhiều mẫu xe khác, tuỳ tình huống di chuyển để dùng xe. Để đi quãng đường xa như vậy thì họ dùng xe khác, chứ không ai mang 1 chiếc xe điện không có hạ tầng trạm sạc như EQS450+ đi xa như vậy. Thậm chí những người sử dụng chiếc xe Vinfast Vfe34 (có giá bằng 1/10 EQS) ở Việt Nam còn có thể mạnh dạn rủ chủ xe EQS chạy thi từ Hà Nội vào Quảng Nam xem xe nào đến trước vì kể cả vừa đi vừa sạc 5 lần, thời gian di chuyển trên đường của Vfe34 cũng ngắn hơn EQS450+ khá nhiều với khoảng cách 850km nêu trên.

Nếu tin vào quảng cáo thì đừng trách hãng xe lúc phải dừng giữa đường ảnh 4

Dù sao, với mức di chuyển lên tới hơn 700km cho 1 lần sạc pin (theo tiêu chuẩn WLTP), Mercedes EQS 450+ cũng vẫn là chiếc xe có khả năng di chuyển tốt nhất với 1 lần sạc pin tại Việt Nam hiện tại. Chủ sở hữu chiếc xe này có thể thoải mái đi lại trong thành phố hàng ngày, đêm về sạc pin với bộ sạc theo xe rồi hôm sau đi tiếp. Nhưng nếu chỉ đọc mỗi con số kỷ lục 850km/lần sạc rồi đưa cả gia đình đi nghỉ mát thì nên lưu thêm số điện thoại của dịch vụ cứu hộ trên đường, nếu không muốn cả gia đình phải ngủ lại dọc đường trong một chiếc xe cực kỳ hiện đại nhưng không còn điện.

Thêm một thông tin đáng chú ý. Mercedes vừa mới chấp nhận đền bù cho người tiêu dùng Mỹ số tiền lên tới 6 triệu Đô La vì quảng cáo sai sự thật về động cơ Diesel tại thị trường này. Hồi năm 2020, hãng xe Đức cũng đã phải chi ra số tiền 2,2 tỷ Đô La vì những sai phạm liên quan đến khí thải của động cơ. Nhưng đó là ở Mỹ, còn ở Việt Nam, nếu muốn sử dụng xe một cách bình thường, an toàn, hiệu quả, tốt nhất đừng nên quá tin vào quảng cáo.