Nguy hại của sự dính mắc và sự cần thiết của việc phải buông xả

Nguy hại của sự dính mắc và sự cần thiết của việc phải buông xả

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tuệ giác của đức Phật nhìn thấy tất cả mọi thứ đều là vô thường, bất toại nguyện (khổ) và vô ngã. Ngài dạy chúng ta nắm vững lẽ thật này, sự hiểu biết của chúng ta phải hiểu đúng lẽ thật này. Khi trí tuệ, chúng ta biết rõ sự sướng hay sự khổ, thì bản thân nó vẫn không động vọng.

Ở đó, chúng ta sẽ thấy rõ mọi cảm xúc hay sự động vọng theo sự sướng là một dạng sinh, các khuynh hướng theo buồn phiền là một dạng diệt. Khi nào còn có diệt là còn có sinh, và cái gì được sinh ra rồi cũng diệt, tức là có sinh thì có diệt, có diệt thì có sinh. Những thứ sinh và diệt này còn, thì chúng ta còn dính mắc trong vòng luân hồi bất tận.

Khi chúng ta thẩm thấu mọi hiện tượng hữu vi và buông bỏ tất cả, thì sự biết của chúng ta giống như một người quan sát khách quan về cái tiến trình sinh diệt của sự sống đang diễn ra. Suy cho cùng, thì sự tu tập của chúng ta thật chất chỉ là quan sát những sự đến đi sanh diệt diễn ra. Dù sanh hay diệt, thì chúng ta cũng không buồn hay vui, chúng ta chỉ quan sát, bình tâm và buông xả.

Mặt khác, là người tu tập theo chánh pháp, khi trải nghiệm điều gì tích cực, chúng ta cũng không cần phải trở nên tích cực theo điều đó, mà đơn thuần là chúng ta chỉ quan sát nhận biết điều đó. Khi trải nghiệm điều gì tiêu cực, chúng ta cũng không để bị cuốn theo tiêu cực đó, vì tu tập theo chánh pháp bằng sự quan sát nhận biết, tâm chúng ta lúc này đã và đang cắt lìa khỏi những nguyên nhân và điều kiện, để nó không còn dính nhân duyên. Không còn tùy nhân duyên nữa, thực hành như vậy tức là chúng ta đã thấu suốt sự thật vạn pháp.

Được như vậy, những điều kiện dẫn đến tái sinh cũng sẽ không còn. Đây là một sự biết chắc chắn và đáng tin cậy. Ở đó không còn tùy thuộc vào nhân và quả, cũng không còn phụ thuộc vào tiến trình nhân duyên mà khởi sinh.

Lý thuyết mô tả về tâm và sự hoạt động của tâm là chính xác, nhưng trên thực tế, sự hiểu biết dựa trên lý thuyết không có ý nghĩa thực so với thực chất của nó. Chúng ta hiểu biết điều gì đó và tin nó, nhưng điều này không hề mang lợi ích bình an của tâm, mà sự hiểu biết trí tuệ thật sự chính là sự từ bỏ, buông xả. Nói chính xác, thì đó là kết quả từ việc buông xả.

Bởi, nếu chúng ta không dính mắc vào những điều đúng hoặc điều sai, tức không dính mắc vòng thị phi lẩn quẩn, thì sự bình an của tâm hiện hữu.

Khi nói về thiền định (samatha) và thiền tuệ minh sát (vipassanā), điều quan trọng là chúng ta phải phát triển những trạng thái định và tuệ này trong tâm chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta tự mình tu tập những trạng thái đó, thì mới thực chứng chúng là gì. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ thuần lý thuyết suông, thì không thể nào nhổ bỏ tận gốc rễ những ích kỷ, tham, sân, si, mạn, nghi, vốn là gông cùm trong tâm thức mỗi chúng ta. Chẳng hạn, khi chúng ta trải nghiệm thứ gì khó chịu, chúng ta có phản ứng và dính mắc vào một trạng thái khó chịu đó hay không, chúng ta có thể buông bỏ nó không.

Nếu có sân khởi sinh và chúng ta nhận ra nó, chúng ta có mắc kẹt vào nó không, hoặc khi đã nhìn thấy nó, chúng ta có buông bỏ nó được hay không. Và khi việc tu tập đạt đến mức hoàn thiện, thì sự buông xả sẽ tự nhiên thuần thục. Chính vì vậy, mà việc thực hành đúng giáo pháp là điều cực kỳ quan trọng. Đức Phật gọi mấu chốt này là sự biết, cũng gọi là trí tuệ. Khi sự biết về đường lối vận hành sanh diệt của mọi thứ một cách chính xác, đúng như lẽ thực của vạn pháp, thì chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của cái tâm.

Thật ra cốt lõi vấn đề tu hành giác ngộ giải thoát là ở chỗ hành giả cần phải không sanh tâm động niệm. Nếu sanh tâm, thì ngay đó phải buông xả và nhất là đừng để bị dính mắc vào bất cứ thứ gì, kể cả những trạng thái thiền định thâm sâu đi chăng nữa. Về điều này, đức Phật đã dạy rất rõ trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện như sau: “…Những chúng sanh mà chưa được giải thoát, tánh thức của nó không định, hễ quen làm dữ thời kết thành nghiệp báo dữ, còn quen làm lành thời kết thành quả báo lành. Làm lành cùng làm dữ tùy theo cảnh duyên mà sanh ra lăn mãi trong năm đường không lúc nào tạm ngừng ngớt, mê lầm chướng nạn trải đến kiếp số nhiều như vi trần”.

Và trong bổn kinh này, ở mục Khuyên Tu Thánh Đạo, ghi rằng: “Lúc đó ngài Địa Tạng Đại Bồ Tát bạch cùng Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù sanh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội”. Hoặc trong Pháp Bảo Đàn kinh có ghi: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái nào là bổn lai diện mục của Thượng tọa Minh”…

Do đó, khi thực tập thiền định, chúng ta cần phải dựa vào sự kiên nhẫn và bằng thiền minh sát tuệ chịu khó quán xét sự diêu động của tâm thức để buông xả. Trong quá trình tu tập, nếu chúng ta trải nghiệm chút tĩnh lặng, thì sẽ có chút thọ dụng và liền đó sanh tâm vọng động về một sự chứng đắc. Nhưng khi ý nghĩ vừa khởi sinh, thì ngay đó sự tĩnh lặng cũng tan biến.

Nguyên nhân là vì chúng ta còn tham muốn thành tựu chứng đắc. Chính vì lẽ này, mà chúng ta phải nên dẹp bỏ mọi tư tưởng, ý nghĩ và mọi phỏng đoán trong khi ngồi thiền. Khi đó chúng ta chỉ cần lấy thân, lời nói và hành động làm chỗ quán xét, tu tập, cần nhất là phải chìm lặn thật sâu vào tĩnh lặng để gia cố công phu tu tập.

Nếu tâm chúng ta đang bình an, thì cứ để cho nó bình an một cách tự nhiên, vì những mức độ thâm sâu của sự bình an, giống như tầng thiền định là hiển nhiên và có thực. Vì thế chúng ta cứ để tự nhiên mà không cần dính mắc vào nó, nhất là đừng nên cố gắng làm điều gì đó để làm cho tâm bình an. Chẳng hạn như tiến trình thở, nếu chúng ta cố o ép hơi thở ngắn hay dài, sâu hay cạn, thì điều đó rất khó thực hiện. Nhưng nếu chúng ta không cần để ý là mình đang thở, thì lúc đó tâm cực kỳ thư thái.

Qua đó, chúng ta có thể suy ra rằng, khi chúng ta không để ý đến hơi thở, thì hơi thở đâu có làm khổ chúng ta, cũng giống như khi chúng ta ngồi thiền suốt nhiều giờ với quyết tâm sẽ thiền sao cho được tâm an, thì ngay đó đã tạo sự dính chấp và ràng buộc một cách miễn cưỡng. Sự dính chấp ràng buộc này, hoàn toàn ngược lại với thiền, bởi thiền là vắng lặng rõ suốt thênh thang tự tại, mọi sự đều buông bỏ không dính mắc.

Tin cùng chuyên mục