Thời Phật tại thế, trưởng giả Na-câu-la đã thỉnh vấn Thế Tôn về vấn đề này. Cần phải thấy thật sâu, biết thật đúng để xuyên thủng vô minh mới có thể vượt qua nỗi khổ tâm khi phải đối mặt với già bệnh.
“Một thời, Phật ở trong rừng sâu Lộc dã, tại núi Thiết-thủ-bà-la, thuộc nước Bà-kỳ. Bấy giờ có trưởng giả Na-câu-la đã một trăm hai mươi tuổi, già nua, các căn suy nhược, yếu đuối bệnh khổ mà vẫn muốn diện kiến Đức Thế Tôn, cùng các Tỳkheo thân quen đáng kính trước đây.
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi gia chủ:
- Vừa rồi sao ông không hỏi lại Đức Thế Tôn, thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ?
Gia chủ đáp:
- Vì lý do này nên con đến gặp Tôn giả, xin vì con nói tóm lược pháp yếu.
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo gia chủ:
- Thế nào là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ? Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về xuất ly của sắc. Khi đã biết như thật rồi thì không sanh ra ái lạc, thấy sắc là ngã, hay ngã sở. Sắc này nếu biến dịch hay đổi khác đi nữa, thì tâm cũng không thay đổi theo mà sinh ra khổ não. Khi tâm đã không biến chuyển theo mà sinh ra khổ não rồi, thì được sự không sợ hãi, chướng ngại, tiếc nuối, lo nghĩ, buồn khổ, tham luyến. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là thân bị bệnh khổ mà tâm không bị bệnh khổ.
Khi Tôn giả Xá-lợi-phất nói pháp này, gia chủ Na-câu-la đạt được mắt pháp trong sạch”.
(Kinh Tạp A-hàm, quyển 5, kinh 107. Trưởng giả [trích, lược])
Lời bàn:
Pháp thoại này, Tôn giả Xá-lợi-phất đã thay mặt Thế Tôn chỉ dạy cho trưởng giả Na-câu-la nhìn thẳng vào thân tâm này; thấy một cách sâu sắc về năm uẩn: sắc (thân thể), thọ (cảm giác), tưởng (tri giác), hành (tâm tư), thức (nhận thức). Nhìn kỹ từng phần một để thấy chúng do duyên sinh, sinh diệt vô thường, chúng thực sự không phải là tôi, của tôi và tự ngã của tôi.
Khổ đau bắt nguồn từ đây. Chúng ta cứ nghĩ năm uẩn là mình, mong muốn nó vận hành theo ý mình. Kỳ thực chúng vô chủ, ta không điều khiển được chúng. Nhờ các duyên mà chúng hình thành, theo duyên mà chúng hoại diệt. Đây là một tuệ giác lớn mà không phải ai cũng nhận ra về chính bản thân mình. Khi đã thấy ra sự thật rồi thì tùy duyên và thuận pháp. Có sinh nên có diệt, có thành nên có hoại, việc gì phải lo buồn và sợ hãi.