Ảnh minh hoạ.

Đức Phật dạy về phẩm chất không thể thiếu để trở thành người thành công

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ở đời chúng ta thành công sớm hay muộn, hay không thành công, cái đó đều là do chúng ta, không đổ lỗi tại ai, cũng không đổ lỗi tại hoàn cảnh. Tất cả điều đó đều do chúng ta.

Đệ tử Phật phải biết điều này, để xoay về chính mình, để sửa mình, để bù đắp những khiếm khuyết của bản thân. Đấy mới là những người biết đạo lý”. - Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Thành công - là một đích đến mà bất cứ ai trên cuộc đời này cũng đều mong muốn đạt được. Nhiều bạn trẻ sau khi ra trường luôn nỗ lực tìm cho mình những phương pháp, cơ hội để trở thành người xuất chúng, được nhiều người yêu mến, kính trọng. Nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được một phương pháp đúng đắn để thỏa mãn những mong ước của mình. Trong một buổi giao lưu với những bạn trẻ, Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã chia sẻ những bí quyết quyết định thành công. Hãy cùng khám phá ba điều cơ bản mà ai cũng cần phải có để trở thành người thành công nhé!

Đam mê, nhiệt huyết là một yếu tố quan trọng bậc nhất dẫn đến thành công

Đam mê là một phẩm chất cần thiết làm nên thành công. Ai cũng nên tìm kiếm cho mình niềm đam mê để làm động lực phấn đấu, làm kim chỉ nam trên con đường của mình. Khi mình hướng đến đam mê, lao động hết mình, cống hiến trí lực của mình để thực hiện ước mơ khát khao cháy bỏng ấy, thì cơ hội sẽ luôn gõ cửa, thành công sẽ tìm đến. Đại đức từng nói: “Muốn thành đạt trong trong lĩnh vực nào thì chúng ta phải say mê, hứng thú, nhiệt huyết với công việc đó”.

Bất cứ một việc nào mình làm đều cần có niềm đam mê, hứng thú thì mới có kiên trì và nhẫn nại. Sống với đam mê con người sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngược lại, nếu không có đam mê con người sẽ trở nên mông lung, mất phương hướng, không biết đi đâu về đâu. Trong công việc không thể tránh khỏi những lúc gặp khó khăn thử thách, do đó cần không ngừng giữ lửa tạo cho mình những đam mê để trở thành một trong những tấm gương thành công.

Sống chân thành, tận tâm với mọi thứ xung quanh sẽ giúp bạn thành công

Những người sống tận tâm là những người đáng tin cậy, kiên định, chấp nhận hy sinh thời gian, tiền bạc, công sức giúp đỡ mọi người xung quanh. Người sống tận tâm sẽ luôn được mọi người yêu quý, giúp đỡ. Sự chân thành, tận tâm được biểu hiện qua lời nói, tính cách, hành động, tác phong, cử chỉ của người đó, khiến ai tiếp xúc cũng tin tưởng, muốn gần gũi với họ. Đặc biệt trong thời đại toàn cầu hóa, các doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt với nhau.

Do đó, để mở rộng quy mô doanh nghiệp và giữ chân khách hàng cần tạo những ấn tượng tốt đẹp, đem lại sự hài lòng cho họ. Một doanh nghiệp biết vì lợi ích của khách hàng, cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tốt thì sẽ được khách hàng ủng hộ. Đại đức từng chia sẻ: “Tài, lộc không phải cái gì lạ. Tiền của từ tay người khác về tới mình nó phải từ tâm đức của mình. Của phi nghĩa, lừa đảo sẽ không ở với mình lâu mà cái tâm của mình mới sinh ra cái phúc cho mình, cái lộc cho mình”. Từ lời giảng của Đại đức Thái Minh chúng ta hiểu rằng, thành tựu còn phụ thuộc vào cái phúc của mình, người có tâm, có đức ắt sẽ thành công.

Không sợ thất bại, không bỏ cuộc là đức tính quyết định thành công

Nhiều người khi gặp khó khăn thất bại thường than trách đổ lỗi cho số phận hoặc hoàn cảnh bên ngoài; họ nghĩ rằng mình không thể vượt qua được và lựa chọn từ bỏ; chứ ít khi họ suy xét xem vấn đề có ở bản thân mình không, mình đã cố gắng hết sức chưa. Đôi khi, phát hiện được vấn đề nhưng lại không nỗ lực giải quyết dứt điểm vấn đề thì cũng là một thất bại. Chúng ta có thể kể đến tấm gương của Nick Vujicic. Nick sinh ra tay không có, chân cũng gần như không. Nhưng bằng ý chí nghị lực của mình, hiện nay Nick đã trở thành một người truyền cảm hứng cho rất nhiều người trên thế giới và còn là người điều hành của Life Without Limbs - một tổ chức phi lợi nhuận hướng về những người khuyết chi.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh đã từng chia sẻ: “Ở đời chúng ta thành công sớm hay muộn, hay không thành công, cái đó đều là do chúng ta, không đổ lỗi tại ai, cũng không đổ lỗi tại hoàn cảnh. Tất cả điều đó đều do chúng ta. Đệ tử Phật phải biết điều này, để xoay về chính mình, để sửa mình, để bù đắp những khiếm khuyết của bản thân. Đấy mới là những người biết đạo lý”. Qua đây có thể thấy được, thất bại không phải dấu chấm hết, biết chấp nhận thất bại, rút ra bài học sau mỗi chặng đường, hoàn thiện đạo đức, nhân cách của mình thì chúng ta mới có thể thành công.

Trên đây là ba phẩm chất cơ bản một người cần có để dẫn đến thành công theo lời Phật dạy qua bài giảng của Đại đức. Mong rằng mỗi người chúng ta đều nỗ lực rèn luyện, hội tụ cho mình những phẩm chất tốt đẹp, luôn đam mê nhiệt huyết, sống tận tâm và không bao giờ bỏ cuộc. Có câu: “Thất bại là mẹ thành công”, ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần, do đó, thất bại sẽ là lực đòn bẩy cho những ai có ý chí, khát khao đến thành công. Quan trọng là mỗi người phải biết tu dưỡng đạo đức cho mình, biết khiêm tốn phấn đấu học hỏi, nỗ lực trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì sẽ thành công, sẽ tiến xa hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục