Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ngày 17/12 ra phán quyết rằng các công ty sản xuất ôtô đã vi phạm pháp luật khi lắp đặt các thiết bị gian lận khí thải và khiến các chủ xe hiểu nhầm về mức độ ô nhiễm của loại xe chạy bằng dầu diesel.
ECJ khẳng định các nhà sản xuất ôtô không được lắp đặt thiết bị gian lận nhằm thay đổi hệ thống kiểm soát khí thải của xe trong quá trình kiểm định để xe vượt qua các bài kiểm tra. Tuy phán quyết chỉ nhắc đến công ty bị kiện là "Công ty X", nhưng vụ kiện này liên quan đến vụ bê bối được gọi là "Dieselgate" nhằm vào tập đoàn ô tô Volkswagen của Đức.
Hồi tháng 9/2015, tập đoàn chủ quản của hàng loạt thương hiệu nổi tiếng ở châu Âu như Porsche, Audi, Skoda và Seat đã thừa nhận việc lắp đặt phần mềm gian lận khí thải đối với 11 triệu xe chạy bằng động cơ diesel trên khắp thế giới. Thiết bị gian lận này làm cho chiếc xe khi được kiểm tra trong chạy thử nghiệm thải ít khí ô nhiễm hơn so với thực tế chạy trên đường thường.
Vụ bê bối này đã bị phanh phui cách đây 5 năm, khi Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ (EPA) phát hiện rằng Volkswagen đã lắp đặt phần mềm đặc biệt nhằm gian lận trong các đợt kiểm tra mức thải khí ở Mỹ cho dòng xe được quảng cáo là "diesel sạch" mới nhất của họ.
Hai nhân viên của Volkswagen đã bị kết án tù giam tại Mỹ và các vụ kiện liên quan đến bê bối này đã lan ra toàn thế giới. 4 cựu lãnh đạo và kỹ thuật viên của tập đoàn hiện đang được xét xử tại Đức.
Trong vụ kiện mới nhất, cơ quan công tố Pháp đã tiến hành điều tra và trình các kết quả lên ECJ với yêu cầu làm rõ quy định của luật pháp. Tòa án ECJ cho rằng Volkswagen lắp đặt phầm mềm chỉ ghi lại mức thải khí của xe khi xe được chạy trong các điều kiện tương tự như khi được chạy thử và để được phê chuẩn.
Tòa cũng bác lập luận cho rằng thiết bị này có thể giúp bảo vệ động cơ khỏi bị bào mòn và hỏng hóc, vì mục đích chính của thiết bị là làm sai lệch kết quả thải khí.