Tình yêu thường không mang đến hạnh phúc thật sự, do con người khó tránh được nguyên tắc tâm lý: Khi yêu thì ta ích kỷ, ta hư, mà người được yêu bản ngã cũng tăng trưởng, họ cũng hư luôn.
Cũng vì vậy mà có một câu kết luận “xanh rờn”: “Yêu là khổ”. Bản chất của tình yêu là ích kỷ là như vậy, khác với tình thương yêu mà cha mẹ dành cho con cái, tình cảm này độ lượng hơn, mà càng đông con thì càng độ lượng vì tình thương chan rải ra nhiều đứa con hơn.
Hoặc người thầy thương được nhiều học trò của mình, tình thương của ông cứ chan rải ra, không ích kỷ. Hay người lãnh tụ với nhân dân cũng vậy. Một người lãnh tụ chân chính yêu thương đất nước, yêu thương nhân dân mình, tình thương trong lòng người đó cứ lớn mênh mông ra. Hoặc một bậc đạo sư yêu thương được tất cả tín đồ của mình thì tình cảm đó cũng chan rải ra, không có bản chất ích kỷ.
Còn bình thường bản chất tình yêu là ích kỷ, hơn nữa còn có thêm tham lam. Vì yêu theo bản năng nên người ta chỉ yêu những ai mang lại hạnh phúc cho mình, hễ ai đem đến hạnh phúc cho mình thì cứ yêu rồi tính sau. Đó gọi là tham lam. Mà khi đã tham lam rồi, sự không chung thủy rất dễ xảy ra.
Trong bức thư pháp 14 điều Phật dạy có một điều: “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm” Tại sao vậy?
Thật ra câu này chỉ dành cho người có đạo đức, tức là khi đã gieo tình cảm với ai rồi thì tự nguyện nhận cái trách nhiệm với người đó cả đời, chứ không nói đùa cho vui. Ví dụ có người nói: “Anh thương em”. Khi đã mở miệng nói câu đó rồi thì phải có trách nhiệm với cô kia suốt đời.
Vì vậy câu nói “Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm” là nói cho người có đạo đức, còn người không có đạo đức thì cứ nói lời thương yêu thoải mái nhưng không có trách nhiệm, thì tình cảm của họ chắc chắn không chân thật. Nên người có đạo đức khi đã gieo tình cảm rồi thì có trách nhiệm, cái trách nhiệm này tuy làm họ mệt mỏi, cực khổ nhưng rồi sẽ có phước phần về sau.