Ảnh minh hoạ.

Người tu hành quan trọng cần phải vững tâm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tiếp tục độc hành trên con đường thiền định hay dừng lại và vui với bả lợi danh; đây là câu hỏi lớn và thật sự đấu tranh với ma chướng của nội tâm của người tu chân chính. Cho nên tu hành trước phải thấy đạo, sau đó mới vững tâm tiến đạo.

Con đường tu hành vốn dĩ không bằng phẳng, nhiều chông gai nếu không bền tâm vững chí thì lắm lúc cũng bị lung lay, chuyển hướng. Để đi đến đạo quả hay chí ít là giữ vững chí hướng xuất trần thì Giới, Định, Tuệ là ba chân vạc kiên cố để trụ vững giữa bão giông nghiệp lực và tám ngọn gió đời.

Nhất là khi người tu đang chơi vơi giữa một bên là rũ bỏ ngủ dục và một bên kia là chưa nếm được đạo vị, hạnh phúc của đời cũng không mà hỷ lạc của đạo cũng không. Ngay đây nếu giới không chắc, tâm không định, tuệ không sáng thì chí nguyện tu hành cũng dễ bề ngả nghiêng, thối thất.

“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà tọa thiền.

Khi ấy ma Ba-tuần nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ, ở trong tinh xá chúng Tỳ-kheo-ni, tại vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà tọa thiền. Nay ta nên đến đó làm trở ngại’. Liền biến thành thiếu niên tướng mạo đoan chánh, đến chỗ Tỳ-kheo-ni ấy nói với Tỳ-kheo-ni rằng:

- A-di muốn đi đâu? Tỳ-kheo-ni đáp:

- Hiền giả, tôi muốn đi đến chỗ thật xa.

Lúc ấy, ma Ba-tuần liền nói kệ:

Đời không thể ra khỏi

Viễn ly để làm gì?

Trở về hưởng ngũ dục

Chớ về sau hối hận.

Khi ấy Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ tự nghĩ: ‘Người này là ai mà muốn khủng bố ta? Là người hay phi nhân? Hay là người gian giảo?’. Cô liền nghĩ đây ắt là ác ma muốn não loạn ta. Biết rõ rồi, liền nói kệ:

Đời có thể ra khỏi

Ta tự biết sở đắc

Này ác ma hèn hạ

Ngươi không biết đạo kia

Như dao bén tác hại

Ngũ dục cũng như vậy

Như thân bị xẻo thịt

Khổ thủ uẩn cũng vậy

Như điều ngươi vừa nói

Người vui hưởng ngũ dục

Người đó không thể vui

Nơi đó đáng sợ hãi

Lìa tất cả hỷ lạc

Vất bỏ mọi tối tăm

Vì diệt tận tác chứng

An trụ lìa các lậu

Biết rõ ngươi ác ma

Hãy mau chóng tự diệt.

Bấy giờ ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ này đã biết rõ tâm ta’. Rồi buồn bã không vui, liền biến mất”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1198)

Pháp thoại này ghi nhận sự kiện ma Ba-tuần muốn nhiễu loạn Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ bằng luận điệu làm gì có sự giải thoát mà miệt mài dấn thân thiền định, hãy nhanh chóng quay về hưởng dục kẻo về sau tiếc nuối, hối hận trong muộn màng.

Hẳn chúng ta chưa đủ phước để ma Ba-tuần chiếu cố (thường các vị gần đắc quả giải thoát thì Ba-tuần mới ra tay), và chúng ta cũng không biết chuyện ấy hư thực thế nào nhưng tiếng nói của nội ma từ trong vọng tâm thôi thúc thì ai cũng thấy biết được.

Hãy tiếp tục độc hành trên con đường thiền định hay dừng lại và vui với bả lợi danh. Đây là câu hỏi lớn và thật sự đấu tranh với ma chướng của nội tâm của người tu chân chính. Cho nên tu hành trước phải thấy đạo, sau đó mới vững tâm tiến đạo.

Tỳ-kheo-ni A-lạp-tỳ đã thấy đạo, biết rõ ngũ dục chỉ tạm vui nên kiên định, quyết chí vượt ra ngoài sinh tử. Những ai chiến thắng từ trong nội ma thì ngoại chướng sẽ tiêu trừ, sẽ thẳng tiến đến đạo quả giải thoát.

Tin cùng chuyên mục