Chính Đức Phật cũng đã đền đáp công ơn sinh thành của cha mẹ bằng một hành động siêu phàm. Ngài đã khai ngộ cho vua cha trở thành một bậc Thánh nhân trước khi lìa đời, và kinh điển có chép rằng trong suốt mùa an cư kiết hạ thứ bảy, Ngài đã dùng hầu hết thì giờ để thuyết pháp cho hoàng hậu Mayà ở trên cung trời Đao-lợi.
Theo đạo Phật, hướng dẫn cha mẹ sống đúng theo chánh đạo là một thái độ hiếu thuận có ý nghĩa nhất trong những bổn phận của người con đối với cha mẹ.
Những bổn phận này được Đức Phật đề cập trong kinh Sīgalavāda (Lễ Sáu Phương) như sau:
1. Phụng dưỡng cha mẹ bằng phương tiện vật chất và hướng dẫn người trên bước đường tinh thần.
2. Làm những công việc nặng nhọc thay cho cha mẹ.
3. Gìn giữ gia phong.
4. Sử dụng, gìn giữ và phát triển gia sản của cha mẹ.
5. Hồi hướng công đức cho cha mẹ khi người đã lìa đời.
Một người con có thể bất hiếu nếu đi ngược lại năm bổn phận chính yếu kể trên, nghĩa là:
1. Không nuôi dưỡng cha mẹ và không hướng dẫn cha mẹ theo chánh đạo khi cha mẹ là người có tà kiến.
2. Không đỡ đần những công việc nặng nhọc cho cha mẹ.
3. Làm ô uế gia phong.
4. Làm tán gia bại sản của cha mẹ.
5. Không màng tới thâm ân của cha mẹ khi các người đã quá vãng.
Khi cha mẹ giải thoát, an vui thì sự báo hiếu của người con mới thành tựu
Làm con phải nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và phải báo đền ân thâm ấy bằng bất cứ giá nào...
Chúng ta có thể so sánh điều này với năm tội bất hiếu mà Mạnh Tử đã dạy:
1. Lười biếng không làm việc để nuôi cha mẹ.
2. Say mê cờ bạc, rượu chè, không nghĩ đến cha mẹ.
3. Ham tiền của, lo vợ con, chẳng đoái hoài đến cha mẹ.
4. Ham chơi bời để cho cha mẹ mang nhục.
5. Ham sức mạnh, thích đánh nhau làm phiền đến cha mẹ.
Người con nào không phạm đến năm tội bất hiếu trên được xem là hiếu tử. So sánh hai lời dạy trên của Đức Phật và của Đức Mạnh Tử, chúng ta thấy hai Ngài đều lưu tâm đến cách phụng dưỡng cha mẹ bằng vật chất. Nhưng điểm nỗi bật là Đức Phật có đề cập đến phương diện tế nhị hơn: hướng dẫn cha mẹ theo chánh đạo. Như trong trường hợp cha mẹ không thông đạo lý, ham thích cờ bậc, rượu chè, tham lam, trộm cắp hay độc ác hại nhân... nhưng người con may mắn có dịp đến chùa nghe kinh thính pháp nên biết sống theo đạo đức, hiểu biết đạo lý, trong trường hợp này người con phải tìm cách khôn khéo hướng dẫn cha mẹ trở lại đường ngay nẻo chánh.
Nhiều Phật tử đã hướng dẫn cha mẹ bằng cách xây chùa, cất tịnh thất cho cha mẹ tu niệm. Họ còn thỉnh chư Tăng đến giảng đạo, thuyết pháp cho cha mẹ nghe. Hoặc chính họ thực hành lời Phật dạy như bố thí, trì giới, tham thiền... cho cha mẹ hành theo. Tất cả những cử chỉ đó đều được ca ngợi trong Phật giáo.
Tóm lại, làm con phải nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và phải báo đền ân thâm ấy bằng bất cứ giá nào, vì đó là nghĩa vụ trước tiên trong tất cả nghĩa vụ làm người, đúng như Đức Khổng Tử đã dạy: "Hiếu giả bách hạnh chi tiên".