Trải qua 7 tuần lễ, ngày đêm ngồi thiền dưới cội Bồ Đề, đến đêm thứ 49 Ngài đã lần lượt chứng đắc Tam minh: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh và trở thành bậc Chính đẳng Chính giác với danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni.
Túc mạng minh - nhớ rõ ràng các đời sống trong quá khứ
Trải qua 6 năm tu khổ hạnh rừng già khiến thân thể kiệt quệ, Thái tử Tất Đạt Đa (tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni sau này) đã nhận ra đây không phải là con đường dẫn đến giác ngộ. Sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh, Ngài ăn uống trở lại, thân thể có sức khỏe. Ngài an trú trong thiền định suốt 49 ngày đêm dưới cội cây Bồ đề và chứng đạt lần lượt sơ thiền, nhị thiền, tam thiền đến tứ thiền. Đến đêm thứ 49 vào canh thứ nhất, Ngài chứng đắc thành tựu đầu tiên: Túc mạng minh.
Trong Trung Bộ kinh, tập 1, Đại kinh Saccaka, Đức Phật nói rằng: “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh. Ta nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp.
Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này”. Như vậy, Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết”.
Túc mạng minh, tức là biết được, nhớ được về tiền kiếp. Để đại chúng hiểu rõ được lời Phật dạy, Đại đức Thích Trúc Thái Minh lý giải: Sau khi đạt được thiền thứ tư, tâm Ngài đạt được định tĩnh, thuần định, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng mà lại rất vững chắc. Cho nên lúc ấy, Ngài tự tâm sáng. Như hồ nước khi yên lặng, không có sóng nổi thì nước lắng trong; cho nên chúng ta có thể nhìn suốt xuống tận đáy, thấy rõ từng con cá lội, từng hòn sỏi ở dưới đáy hồ. Cũng vậy, tâm của Đức Thế Tôn lúc này trong sáng, thuần tịnh. Ngài tự nhiên thấy rất rõ nhiều kiếp sống trước đây của mình, vô số kiếp. Ngài biết rõ mình sinh ra ở đâu, con cái nhà ai, lớn lên thế nào, cuộc sống ra sao, rồi chết đi ở kiếp đấy lại tái sinh đi kiếp sau như thế nào.
Thiên nhãn minh - thấy được sự sống chết của tất cả chúng sinh
Sau khi chứng đắc Túc mạng minh, vào canh giữa, Ngài chứng đắc thành tựu thứ hai là Thiên nhãn minh - Ngài thấy rõ được sự sinh tử luân hồi của tất cả chúng sinh.
Đức Phật biết rõ: “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
Những chúng sanh làm những ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này”.
Thiên nhãn là con mắt có thể nhìn thấy rất xa từ những vật lớn, vật nhỏ xuyên qua tất cả những vật ngăn cản như tường, vách, núi non, nhìn từ hành tinh này đến hành tinh khác.
Từ thành tựu chứng đắc Thiên nhãn minh của Đức Phật, Đại đức chia sẻ: “Cũng với cái tâm trong sạch, thuần tịnh, siêu nhiên, dễ sử dụng ấy Ngài hướng đến cái sự sinh tử của chúng sinh thì Ngài thấy hết tất cả. Thấy hết tất cả chúng ta đấy, muốn biết về người nào, kiếp sống người ấy ra sao biết rõ ràng, người ấy từ đâu sinh đến thế giới này, từ loài nào tái sinh trở lại, chết ở đây rồi sinh đi đâu Ngài biết rõ ràng”. Quả thật trí tuệ từ tâm sáng của Đức Phật là vô cùng đặc biệt!
Lậu tận minh - biết rõ nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ
Sau khi chứng đắc được Túc mạng minh và Thiên nhãn minh, đến canh cuối cùng của đêm thứ 49, khi Sao Mai vừa mọc, Ngài chứng đạt được thành tựu cuối cùng gọi là Lậu tận minh.
Cũng trong kinh Saccaka, Đức Phật nói về quá trình Ngài chứng đắc Lậu tận minh: “Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Lậu tận trí. Ta biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là Nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự Diệt khổ”, biết như thật: “Đây là Con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”.
Nhờ biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát.” Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.
Lậu tận minh - tâm ấy gọi là vô lậu, không còn một chút nhơ bẩn nào, thuần tịnh, trong sạch tuyệt đối. Đại đức giảng giải: “Đức Thế Tôn chứng đạt minh cuối cùng gọi là lậu tận minh, biết rõ nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ. Tại sao chúng sinh khổ và trong tâm Ngài cũng sạch hết tất cả mọi mầm mống của khổ đau. Cho nên mới được gọi là giải thoát, Ngài tự biết ta đã giải thoát. Sanh đã tận tức là dứt hết các sự sinh của mình đến bây giờ là tận rồi là cuối cùng rồi, phạm hạnh đã thành tựu viên mãn, không còn trở lưu lại trạng thái luôn hồi sinh tử nữa đó”.
Sau khi Đức Phật chứng đạt được Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh, Ngài thấu suốt, thấy rõ tất cả mọi căn cội, nguyên nhân, nguồn gốc của vạn sự của tất cả kiếp nhân sinh này, có thể nói là như mặt trời mọc lên, chiếu soi thấy hết được vạn vật.
Đó quả thật là một sự kiện đặc biệt đối với tất cả nhân loại chúng ta, Đại đức Thích Trúc Thái Minh khẳng định: “Đây là ba vấn đề quan trọng nhất của một hành giả tu hành chứng đạt. Đức Thế Tôn đã chứng đạt và từ sự chứng đạt này Ngài tuyên bố Ngài là người giác ngộ thật sự. Ngài thấu suốt tất cả mọi vấn đề của pháp giới vũ trụ vạn hữu. Ngài thấy không có ai là chúa tể của tất cả, không có thượng đế nào toàn năng. Mà tất cả từ vô minh của chúng sinh tạo ra ác nghiệp mà luân chuyển luân hồi”.
Đức Thế Tôn thấy tất cả chúng ta đều sẽ có khả năng giác ngộ như Ngài và bằng Ngài. Không có đấng giáo chủ của tôn giáo nào nói rằng các đồ đệ sau này sẽ ngang bằng với mình. Nhưng duy nhất Đức Phật thì Ngài nói sự thật, Ngài thấy tất cả chúng sinh đều có khả năng giác ngộ và chứng đạt chân lý tối hậu như Ngài. Đấy là sự vĩ đại, sự vi diệu và chúng ta thật sự hạnh phúc vì được làm đệ tử của Đức Thế Tôn.
Sau khi đắc đạo, trở thành vị Phật toàn giác, Ngài đã dành trọn 7 ngày để tri ân cây Bồ Đề đã che chở cho Ngài trong suốt 49 ngày đêm thiền định. Đại đức chia sẻ: “Sau khi Ngài giác ngộ thì các con thấy được tâm biết ân, tri ân của Phật rất là lớn. Ngài đã nhìn cội cây Bồ đề 7 ngày không chớp mắt để tri ân cây Bồ đề. Thế thì chúng ta thấy tâm biết ơn của Phật rất là sâu nặng”.