Đức Phật khẳng định “ cái lõi ”
Kinh Thí dụ lõi cây, Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, phạm hạnh này không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, danh vọng, không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này các Tỷ-kheo, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”.
“Phạm hạnh này” chính là hạnh tu mà người con Phật đang sống và thực hành để đạt đến rốt ráo viên mãn.Đức Phật khẳng định: “Tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”.
- Cái gì bất động ?
Chính là tâm tánh chính mình vốn sẵn tự tịnh tự định, muốn động cũng không được. Lục tổ Huệ Năng đã chứng ngộ và thốt lên một cách khẳng khái: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh” là vậy.
- Tâm này có khả năng giải thoát như thế nào ?
Ngộ bản tâm này sẽ có diệu lực cho hành giả tự tại vượt thoát tất cả, tức giải thoát. Tổ Bá Trượng Hoài Hải đã sống thực và dạy chúng ta: “Biết tâm cùng cảnh vốn không đến nhau thì ngay nơi đó là giải thoát”. Cảnh đó, mình đây, sáng biết rõ ràng đến chủ động, linh thông, nhưng vẫn như thị, không động. Toàn tâm sáng ngời, trùm khắp, rành rành tất cả nhưng không khởi phân biệt. Tuy không phân biệt mà sáng biết rành mạch, rõ ràng, hơn cả sự phân biệt của ý thức.
Tâm này không có tướng trạng gì, chỉ là một sức sống rạng ngời, nhưng diệu lực vô biên, tất cả trần lao phiền não không chạm đến được. Do vậy, hành giả ngộ tâm này, liền đó tự tại, tiêu sái. Tổ Bá Trượng khẳng định, ngay tánh sáng biết rõ ràng mà cảnh không chạm đến được; nhưng tất cả không ngoài tâm, bởi đang thấy biết. Nhận thẳng tâm tánh mặc tình sáng biết rạng ngời thênh thang như thế, ngài nói, ngay đó giải thoát.
Đức Phật đã nhấn mạnh, người tu phạm hạnh không phải vì bất cứ lợi ích gì, kể cả “lợi ích thành tựu thiền định”. Chỉ vì duy nhất một việc cốt lõi đó là “tâm giải thoát bất động”; tức là ngộ bản tâm bản tánh nơi chính mình. Đến đây, không cần cầu thiền định mà thiền định tự thành tựu.
Ngài khẳng định, đây “là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh”; tức là chỗ cứu cánh của Phật đạo, cũng là cốt lõi trọng yếu của người tu Phật. Lục tổ Huệ Năng nói: “Chỉ luận kiến tánh, chẳng luận thiền định giải thoát”, là yếu chỉ này. Cho thấy, ngộ tánh, chính là cốt lõi của đạo Phật nói chung và Thiền tông nói riêng.
- “ Cái lõi ” giác ngộ giải thoát
Tâm nguyện của người tu Phật là mong đạt đến giác ngộ, giải thoát, dứt khổ, an vui, cứu giúp người khác cùng đạt được như vậy. Nhắc đến giác ngộ, nhiều người thường nghĩ ngay đến việc mình đã giác ngộ cuộc đời vô thường, mạng sống mong manh, của cải phù du, tất cả đều tạm bợ. Tuy vậy, chúng ta vẫn còn bị buồn khổ chi phối. Giác ngộ nhưng vẫn chưa thoát khỏi tuyệt đối như thế thì chưa đúng giá trị của Phật đạo, chưa đúng như nguyện của hành giả tu hành.
Tuy nhiên, nếu bảo thấy biết như trên vẫn chưa phải giác ngộ cũng không đúng. Bởi trước kia chưa được tu học, chúng ta không có khả năng thấy biết như vậy. Thế thì, cho là đã giác ngộ cũng chưa phải. Nói là chưa giác ngộ cũng không hoàn toàn đúng. Vậy thấy thế nào mới phải? Thử tìm hiểu hai triết lý dưới đây để nhận ra đầy đủ về sự giác ngộ: 1- Trí tuệ -> Giác ngộ -> Giải thoát. 2- Trí tuệ = Giác ngộ = Giải thoát.
- Trí tuệ -> Giác ngộ -> Giải thoát
Nhờ học kinh luận mà có trí tuệ, biết đời là giả tạm, thân này huyễn hóa. Từ đó, không dính chấp, giảm mê lầm, bớt khổ đau... Nhưng chúng ta vẫn chưa làm chủ tuyệt đối, còn bị đau khổ. Lý do là trong tâm còn loạn động, trong khi đó Đức Phật chỉ dạy phải đạt đến “cái lõi” là “tâm giải thoát bất động”, mới được giác ngộ, hết khổ. Đây chưa phải là trí tuệ chính mình ngộ ra, chưa có nội lực đủ lớn cho nên việc làm chủ còn hạn chế. Do vậy, sau khi học hiểu Chánh pháp, tiếp theo hành giả phải ứng dụng để hạ thủ công phu tu tập mới đạt đến giác ngộ đúng nghĩa. Sau đó phải khéo bảo nhậm công phu, được đắc lực, đầy đủ diệu lực mới được giải thoát. Đây là lộ trình phổ thông, là hướng tu hành cho căn cơ tiệm tu.
- Trí tuệ = Giác ngộ = Giải thoát
Đây là hướng đi của hành giả có kinh nghiệm. Ngay đây ngộ thẳng tự tánh (trí tuệ nguồn vô sư); là cốt tủy Phật Tổ muốn chỉ bày. Ngộ được trí tuệ này chính là trở lại cội nguồn của sự giác ngộ. Bởi trong ấy vốn tự không động (tức đã sẵn định); đồng thời đã sẵn trí tuệ vô lậu sáng ngời. Diệu lực của trí tuệ này cho hành giả liền đó tự vượt thoát tất cả, giải thoát.
Đây là lộ trình thẳng tắp. Hành giả ngộ thẳng tự tánh, tức là giác ngộ, liền đó tự vượt thoát tất cả, tức giải thoát. Như thông qua ngón tay, khéo nhận mặt trăng. Khéo tu như vậy là nhận thẳng cốt tủy của Thánh giáo Như Lai, chứ không phải chối bỏ Thánh điển. Nhận chân cốt lõi giác ngộ để được giải thoát như vậy là đã nhận chân được “tâm giải thoát bất động”, chính là “cái lõi” mà Đức Phật đã chỉ dạy. Qua đó, chúng ta có thể nhận ra trọng tâm của giác ngộ có hai phần:
- Cội nguồn giác ngộ
Tức ngộ tự tánh. Tánh ấy vốn sẵn, không sanh diệt, vốn tự không động, nên gọi là định. Tánh này đã sẵn sáng ngời, nên gọi là tuệ. Lục tổ khẳng định: “Tự tâm không loạn là định, tự tâm sáng suốt là tuệ”, chính là điền địa này. Hành giả bừng ngộ tánh này, hay ra định tuệ sẵn vậy lâu rồi, chứ không phải do làm gì để được. Tánh này có diệu lực cho hành giả tự vượt thoát tất cả một cách tự nhiên, như nhiên, không có sự cố gắng, gắng gượng hay giữ gìn gì trong đó, gọi là giải thoát.
- Thấy biết giác ngộ
Từ cội nguồn đã ngộ này, cho hành giả thấy biết đúng chân lý các pháp vốn dĩ như thị. Cụ thể, thấy rõ tường tận các pháp đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, huyễn hóa, tạm bợ... Nhưng vẫn như như không động. Người vẫn đây, cảnh vẫn đó, đời đổi thay... Tất cả rành rẽ rõ ràng, nhưng không hề chút khởi phân biệt, không dính dáng gì đến tự tánh kia. Các pháp không ngăn ngại nhau, mà tất cả lưu thông và trở nên rạng ngời, hiện hữu trong tự tánh chánh định chính mình. Chơn biết là chơn, huyễn rõ là huyễn, thiện ra thiện, ác ra ác... không nhầm lẫn nhau, nhưng không động, không thấy các tướng ngăn ngại lẫn nhau.
Khi mới học đạo, chúng ta đã biết đời là giả tạm, thân người mong manh, vật chất huyễn hóa… Nhưng tâm vẫn còn động, chưa thoát khỏi thức mê cho nên chưa đạt đến tâm giác ngộ với tuệ bất động, chưa có diệu lực cho chúng ta giải thoát. Hành giả chứng ngộ tự tâm, có trí tuệ Bát-nhã thấy biết rõ ràng hơn như vậy, nhưng do không còn tình thức cho nên không động, không khởi phân biệt mà tự thấy biết trùm khắp, đạt đến như huyễn tam-muội. Chính sức sống tự tâm cho hành giả thấy biết các pháp đúng như thật, vẫn bất động, do đó được tự tại giải thoát.
Lúc này, đúng sai, thiện ác, đẹp xấu... hành giả thấy biết rành rành, nhưng vẫn như như. Thấy biết này vượt căn và cảnh, sở và năng; vốn như thị và linh thông vô cùng. Thấy biết này xuất phát từ tự tánh của hành giả đã ngộ. Tự tánh ấy là cội nguồn giác ngộ và cho ta thấy biết như thế là diệu dụng, là thấy biết giác ngộ. Hành giả đạt đến đây rồi, các khổ không chạm đến được, nên tự tại, tiêu sái.
Phải giác ngộ, mới thật sự an vui
Có người cho rằng không cần tu hành ngộ đạo cao siêu, chỉ mong sống tốt, hiền lành, vui vẻ là quý rồi. Muốn là một việc, nhưng khi gặp phải câu chuyện hoặc sự cố quá sức chịu đựng thì muốn an cũng khó, mong khỏe cũng không dễ dàng. Vậy thì cái gì có thể cho chúng ta đạt được nguyện ước trên một cách chắc chắn, an toàn ngay hiện tại, kể cả mãi về sau?
Nếu tu hành giác ngộ, tâm sẽ tự lặng an mà rất sáng. Trong ấy có tuệ thấy ra mọi vấn đề, không mê lầm. Đồng thời có định cho chúng ta tự chủ và sống đúng như những gì mình thấy biết. Có tuệ thấy ra, có định tự chủ, có diệu lực khiến cho không có bất cứ gì chạm đến được, hành giả sẽ được như nguyện. Đạt được vậy, các khổ tự trừ, tự được an lạc. Cho thấy, muốn được sống tốt, hiền lành, vui vẻ một cách chắc chắn, không bị trở ngại, không gì hơn là phải tu hành giác ngộ. Tự tâm giác ngộ này mới đủ trí lực, cho chúng ta sống được như nguyện.
Bằng cách nào để nhận lại “ cái lõi ” ?
Để tánh mình bừng ngộ, nhận lại “cái lõi”, làm chủ cảnh duyên, hành giả phải khéo dụng công. Tất cả phải được đặt nền tảng trên “sức giác sáng của tự tánh”. Trước hết, phải sáng lại tánh mình, không can thiệp trên bất cứ gì thì mọi thứ tự mất giá trị chi phối và tiêu dung. Khéo buông thư, bình thường, không tạo nên một dấu vết gì trong tâm. Ngay khi bặt vết mà không mê thì tánh tự sáng biết, chứ không phải lập nên một cái biết gì cả.
Tâm phải luôn luôn như thế, luôn sẵn một tánh giác sáng rạng ngời, chứ không phải đợi gặp duyên hay có vọng mới giác. Bởi nếu như thế sẽ vô lực, không kịp để làm chủ. Theo thời gian, công phu sẽ thuần thục, được đắc lực, lực này sẽ giúp cho chúng ta làm chủ cuộc sống. Khi thời tiết nhân duyên chín muồi, tánh này bừng ngộ, sẽ hay ra trong ấy đã sẵn một tâm an lạc diệu thường, vô biên, khôn tả xiết.
Chúng sanh mê muội bởi quên tâm tánh này. Do đây, lầm chấp ngã và ngã sở, bao nhiêu đau khổ từ đó có ra. Trở lại tánh mình, tất cả vọng tập phiền não tự vắng bặt, chỉ còn một tánh sáng sạch, lặng trong, lạc an, nơi nơi không ngăn ngại. Mới biết, tu hành chỉ cốt trở lại “cái lõi” thì Phật pháp là tất cả hiện thành.