Chùa Bút Tháp: Nét văn hóa kiến trúc độc đáo của vùng Kinh Bắc

Chùa Bút Tháp: Nét văn hóa kiến trúc độc đáo của vùng Kinh Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, chùa Bút Tháp nằm kề bên bờ nam Sông Đuống, thuộc thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự, được biết đến là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, vẫn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Chùa Bút Tháp: Nét văn hóa kiến trúc độc đáo của vùng Kinh Bắc ảnh 1

Tháp Báo Nghiêm - điểm đặc trưng của chùa Bút Tháp.

Phát tích ngôi chùa có từ TK- XIII, được khởi dựng vào Thời vua Trần Thánh Tông, Do sư Huyền Quang sau khi đỗ trạng nguyên rồi từ quan đã về tu ở đây (Sách Chùa Bút Tháp - Bùi Văn Tiến, cũng nói đến vị trụ trì chùa thời Trần là Thiền sư Huyền Quang, Trúc Lâm đệ tam tổ).

Trải qua thời gian, chùa đã nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Nhưng lần trung tu lớn nhất là vào đầu TK XVII, thời Lê - Trịnh. Khi ấy trụ trì chùa là vị sư Chuyết Chuyết (Từ 1633-1644), cùng đệ tử của ông là thiền sư Minh Hạnh (Từ 1633-1659) đã trùng tu lại toàn bộ ngôi chùa với quy mô lớn, kiến trúc theo kiểu “Nội công, ngoại quốc” và có sự đóng góp công đức to lớn về tiền của, ruộng lộc của hoàng thái hậu - Diệu Viên, Trịnh Thị Ngọc Trúc (Con gái của Thanh vương Trịnh Tráng) cùng Công chúa Lê Thị Ngọc Duyên pháp danh Diệu Tuệ và Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Cơ (Những vị này về sau cũng đã được lập phủ thờ, tạc tượng đặt trong khám, thờ tại chùa Bút Tháp cho đến ngày nay). Đợt trùng tu này kéo dài từ 1644 đến 1647 chùa mới hoàn thành và có tên chữ là “Ninh Phúc thiền tự”.

Chùa Bút Tháp: Nét văn hóa kiến trúc độc đáo của vùng Kinh Bắc ảnh 2

Một góc chùa Bút Tháp.

Quần thể kiến trúc chùa Bút Tháp, nổi bật giữa đồng lúa mênh mông. Chùa quay theo hướng Nam là hướng của trí tuệ, bát nhã trong triết lý nhà Phật. Ngoài cùng là tam quan, tiếp đó là gác chuông 2 tầng 8 mái. Khu trung tâm bao gồm 7 nếp nhà đều nằm ngang, chạy song hành được bố trí trên một trục dọc - Đường thần đạo.

Bên trong nội tự, nằm giữa hai dãy hành lang (mỗi dãy gồm 26 gian) là 7 tòa nhà nối tiếp nhau từ ngoài vào, gồm: Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng điện, vắt nối giữa Thượng Điện và Tích Thiện Am là chiếc cầu đá bắc ngang hồ nhỏ thả sen hoặc súng. Cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo.

Tòa Tích Thiện Am, như tên gọi có nghĩa là chứa điều lành. Trong Tích Thiện Am, có tòa cửu phẩm liên hoa - tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt, 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Rồi tiếp đến nhà Trung, phủ thờ và cuối cùng là hậu đường, tổng chiều dài hơn 100m.

Chùa Bút Tháp: Nét văn hóa kiến trúc độc đáo của vùng Kinh Bắc ảnh 3

Phía sau nhà Hậu Đường là hàng tháp đá, trong đó có tháp đá Tôn Đức 5 tầng, cao 11m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Bên trái chùa có nhà thờ vị tổ thứ nhất Chuyết Chuyết và ngôi tháp đá Báo Nghiêm tám mặt, 5 tầng cao 13m là nơi táng xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết. Hai bên phía đầu ngoài, dọc theo tòa Tiền đường là hai nhà bia.

Mỗi một công trình kiến trúc của ngôi chùa này là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng như đá, gỗ, gạch. Nó thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên. Nhìn tổng thể ngôi chùa được bố trí cân xứng, chặt chẽ ở khu vực trung tâm, nhưng lại rất tự nhiên thoáng mở ở khu vực xung quanh, nên chùa Bút Tháp có nét riêng có và vô cùng độc đáo.

Chùa Bút Tháp: Nét văn hóa kiến trúc độc đáo của vùng Kinh Bắc ảnh 4

Cầu đá với phù điêu được chạm khắc tinh xảo.

Đặc biệt, trong hệ thống các pho tượng cổ của chùa Bút Tháp phải kể đến một báu vật cổ, được xem là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Đó chính là tượng Phật “Thiên thủ thiên nhỡn - nghìn mắt, nghìn tay”. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau, nở khối vươn cao như ánh hào quang. Đây được coi là một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng đương thời. Tượng được đặt trên tòa sen rồng đội, với dáng hành đạo, thư thái.

Điều đặc biệt, độc đáo của ngôi chùa mà không đâu trên đất nước ta có được, đó chính là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm, vươn lên trời xanh, có tên là tháp Báo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ, vươn thẳng tới trời cao thanh vắng. Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29m. Tầng dưới cùng của tháp này có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú.

Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa. Lùi về phía sau có tháp Tôn Đức cao 11m, nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Tháp được xây dựng từ giữa thế kỷ 17, 4 mặt tháp đều bít kín bằng đá, mới đây trong lòng tháp người ta vừa tìm thấy được 2 cuốn sách đồng cổ, viết/ khắc kinh Phật.

Chùa Bút Tháp: Nét văn hóa kiến trúc độc đáo của vùng Kinh Bắc ảnh 5

Mấy thế kỷ đã trôi qua, song những gì còn lại ở chùa Bút Tháp cho thấy đây là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng Kinh Bắc xưa, là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ của nước ta.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa Bút Tháp luôn được bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo ngày càng đẹp hơn trở thành một trong những điểm tham quan - du lịch tâm linh nổi tiếng ở vùng Bắc Ninh - Kinh Bắc. Hằng năm, mọi người dân trong vùng và du khách gần xa luôn nhớ và trở về dự lễ hội chùa, được tổ chức vào ngày 24/3 (âm lịch).

Tin cùng chuyên mục