Kiểu logic tưởng như là lành mạnh đó, lại là cái bẫy khôn khéo nhất của thời đại ngày nay. Chúng ta không cần chiến tranh hay đói nghèo để mất đi “cảm giác sống”. Chỉ cần một xã hội đủ no, đủ tiện nghi, và đủ mạng xã hội - cũng đủ khiến con người không biết mình đã tới đâu. Tưởng là đang đi lên, nhưng thực chất là đang chạy lòng vòng trong mê cung kỳ vọng.
Người ta không bất hạnh vì thiếu thốn, mà vì không biết làm gì với sự đủ đầy. Không biết sống sao trong một ngày không có tin vui, cũng không có tai ương. Họ thèm muốn một cái gì đó lớn lao hơn hồi hôm qua, dù chỉ là một lời khen đơn thuần. Câu hỏi người ta hiện nay tập chú không phải là “mình đã có cái gì”, mà là “mình đã hơn hôm qua bao nhiêu?”.
Nó không cho phép con người mình - nhất là người trẻ được đứng yên. Nó khiến cho những người đang sống tốt cũng luôn bất an, bởi “sống tốt” không còn là điểm đến, mà chỉ là trạm dừng - nơi chúng ta luôn bị hối thúc phải rời đi càng nhanh càng tốt. Người ta hiện nay không đớn đau vì thiếu thốn. Mà quặn thắt vì đã có quá nhiều mà vẫn không biết bao nhiêu là đủ - chúng ta thừa mứa, nhưng cũng quá nghèo nàn!
Nhưng chúng ta không còn nghèo theo kiểu xưa - nghèo vật chất. Chúng ta nghèo kiểu mới - nghèo ngưỡng cảm. Những điều từng khiến người ta thấy vui - như một ngày an, một chiều gió mát, một tiếng chim trên dây điện - bây giờ không đủ kích thích. Hạnh phúc cần được làm mới, như phiên bản điện thoại năm nào cũng cập nhật với giá tiền vang dội hơn bản cũ. Mỗi ngày của chúng ta hiện tại không hơn hôm qua được xem là mỗi ngày thất bại.
Và từ đó, cái buồn nảy sinh không vì một sự kiện cụ thể, mà vì một cảm giác trừu tượng hơn đầy “mẫn cảm” - mình không đủ hơn!
Nhưng nếu hạnh phúc thật sự không nằm ở đằng trước?
Nếu nó không cần so bì với hồi hôm qua?
Nếu nó là một chiều sâu chứ không phải một độ cao?
Thì có lẽ, người hạnh phúc không phải là người tiến lên xa xăm nhất, mà là người đứng lại - một cách đủ thấu đáo - để ngó chung quanh, và nhận ra chính vì hôm nay giống hôm qua mà mình còn sống.
Bởi cớ có những ngày, sống thôi đã là một chuyện phi thường!