Có thể thu gọn Phật Pháp trong một câu nói không?

Có thể thu gọn Phật Pháp trong một câu nói không?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vị thiền sư lấy một cây que vạch một đường dưới đất, rồi hỏi "Đường vạch này dài hay ngắn?". Ông hành giả nói "Thưa Ngài, nói không được, bởi vì muốn nói dài hay ngắn mình phải so với cái gì đó." Thiền sư mới nói "Đó, Phật pháp là gom trong đó đó."

Có một ông hành giả hỏi vị thiền sư "Có cách nào thu gọn Phật pháp trong một câu nói không?". Vị thiền sư mới lấy một cây que vạch một đường dưới đất, rồi hỏi "Đường vạch này dài hay ngắn?". Ông hành giả nói "Thưa Ngài, nói không được, bởi vì muốn nói dài hay ngắn mình phải so với cái gì đó." Thiền sư mới nói "Đó, Phật pháp là gom trong đó đó."

Tại sao Phật pháp gom trong câu đó? Là vì mình có so sánh nên mình mới ghét cái này thích cái kia. Vì mình có thích ghét mình mới làm các việc thiện ác. Quý vị có phân biệt được cái mịn với cái nhám không? Chính vì có phân biệt mịn nhám nên mình mới thích mịn, không thích nhám, đúng không? Chứ nếu từ nhỏ đến lớn quý vị chỉ có xài một thứ thôi thì quý vị đâu có phân biệt. Tôi biết có nhiều người họ xài áo ấm, poliester nó khác, đồ ấm bằng len nó khác, bằng cashmere nó khác, bằng angora nó khác. Mình có xài mình mới biết cashmere nó khác len. Rồi từ đó mình mới khoái cái cashmere. Tại sao mình có thích có ghét? Tại sao tôi ghét cái bà này? Một là bả đã làm những cái chuyện chống lại lợi ích của tôi, cách hành động của bả không giống với cách hành động của những người thương tôi. Tôi phải có "so sánh" trong đó.

Có trường hợp còn vô duyên nữa, tôi ghét cái cô này vì cổ giống người tôi ghét. Rồi có trường hợp vợ chết rồi đi kiếm cái bà khác phải giống vợ mình. Chưa hết có người đi kiếm vợ vì cô đó có nét giống má người đó nữa. Có thằng con trai nói "Ba, con mới có nhỏ bạn gái dễ thương lắm, tính dẫn về cho Ba coi". Ông cha hỏi "Tính tình sao?" "Dạ, từ mặt mũi đến tính tình y như má vậy đó." "Trời ơi, một mình tao ngu đủ rồi, mày đừng có ngu hai thế hệ như vậy!".

Đời sống này nó là một sự so sánh. Tại sao thích ăn cay? Là vì cái cay nó ngon hơn cái không cay. Tại sao sợ cay? Là vì cái không cay nó ngon hơn cái cay. Tại sao có những món mình phải ăn nóng? Là vì ăn nóng nó ngon hơn không nóng. Có nhiều món là mình phải ăn lạnh nó ngon hơn không lạnh. Như trưa hè nóng nực mình ăn chén chè đậu xanh ấm ấm nó không ngon bằng chén chè đậu xanh mà có đá. Cho nên có nhiều lúc lạnh nó ngon hơn không lạnh. Có nhiều lúc nóng nó ngon hơn không nóng. Có nghĩa là ghét và thích nó đều đi ra từ so sánh. Từ có so sánh mới có thích ghét. Từ có thích ghét nên người ta mới có trốn ghét tìm thích. Và có nhiều con đường trốn ghét tìm thích.

Con đường thứ nhất là thiện ác bất chấp. Con đường thứ hai là làm lành lánh dữ. Để chi? Để kiếm được cái thích và né được cái ghét. Như vậy toàn bộ Phật pháp nằm trong đường vạch đó. Đúng không?

Tin cùng chuyên mục