Sau khi quy y Tam bảo, trở thành Phật tử rồi thì kính lễ, cúng dường Phật-Pháp-Tăng mỗi ngày, mỗi lúc là một trong những hạnh tu căn bản của người con Phật. Kính lễ Phật là đương nhiên vì Ngài là bậc Giác ngộ, phước trí vẹn toàn. Kính lễ Pháp là tất nhiên vì đó là những lời dạy vàng ngọc của Phật. Nhưng kính lễ Tăng một cách như nhiên thì không phải ai cũng làm được bởi nhiều lẽ khác nhau.
Vấn đề ở chỗ cần phân biệt giữa Tăng (Sangha, Tăng-già) và cá nhân một vị Tỳ-kheo. Tăng hay chúng Tăng là một đoàn thể gồm ít nhất bốn vị Tỳ-kheo trở lên, sống chung hòa hợp và thanh tịnh. Một hay hai hoặc ba vị Tỳ-kheo dù giới đức, phạm hạnh đến mấy thì không phải chúng Tăng. Đông nhiều các vị Tỳ-kheo mà không hòa hợp và thanh tịnh thì cũng không phải là chúng Tăng.
Cho nên, chúng Tăng thì luôn luôn thanh tịnh, tốt đẹp nhưng vị Tỳ-kheo thì có thể thế này hay thế khác. Do vậy, khi đảnh lễ chúng ta luôn quán niệm là lễ lạy chúng Tăng, mà chúng Tăng thì luôn thanh tịnh trang nghiêm nên thành tựu vô lượng phước đức. Đức Thế Tôn đã dạy, “nên suy nghĩ mười một pháp, sau mới lễ chúng Tăng” như sau:
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn tu hành lễ chúng Tăng, nên suy nghĩ mười một pháp, sau mới lễ chúng Tăng. Thế nào là mười một? Chúng của Như Lai thành tựu Chánh pháp; Thánh chúng của Như Lai trên dưới hòa hợp; Thánh chúng của Như Lai thành tựu các pháp; Thánh chúng của Như Lai thành tựu giới; Thánh chúng của Như Lai thành tựu chánh định; Thánh chúng của Như Lai thành tựu trí tuệ; Thánh chúng của Như Lai thành tựu tuệ giải thoát; Thánh chúng của Như Lai thành tựu giải thoát tri kiến; Thánh chúng của Như Lai hay hộ trì Tam bảo; Thánh chúng của Như Lai hay hàng phục ngoại đạo dị học; Thánh chúng của Như Lai là bạn tốt, ruộng phước cho tất cả chúng sanh.
- Thiện nam tử, thiện nữ nhơn muốn lễ chúng Tăng, nên tư duy về mười một pháp này, được phước lâu dài vô lượng. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này!
Bấy giờ các hàng Tỳ-kheo, Trời, Rồng, Quỷ thần, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lầu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Trời Ma-hưu-lặc và Người nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Lễ Tam bảo,VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.478)
Lời bàn:
Một người Phật tử bình thường, có cảm tình tốt đẹp với các vị Tỳ-kheo, Phật dạy “muốn lễ chúng Tăng, nên tư duy về mười một pháp này”. Trong trường hợp một số ít Phật tử, chưa có hoặc không có cảm tình tốt đẹp với các vị Tỳ-kheo, thiết nghĩ “nên tư duy về mười một pháp này” sâu sắc và bền bỉ hơn. Phật cũng không “bênh” các đệ tử xuất gia và cũng không “ép” các đệ tử tại gia của Ngài trong việc kính lễ này. Các pháp vốn như vậy! Chúng Tăng thì hòa hợp và thanh tịnh nên kính lễ Tăng-già thì phước đức vô lượng.
Thế nên, luôn tư duy và nuôi dưỡng ý niệm kính lễ Tăng bảo chứ không hẳn là lạy lục cá nhân một vị Tỳ-kheo. Nhờ quán niệm như vậy nên mình luôn kính lễ chúng Tăng một cách nhiệt thành mà lòng không một mảy may phân biệt, xét đoán.
Và cho dù, trên con đường học đạo, chúng ta có nghe hoặc từng gặp một vài vị Tỳ-kheo chưa xứng danh, mình vẫn vẹn nguyên lòng tin tưởng và kính trọng với Tăng bảo.
Nhờ “tư duy về mười một pháp này” mà hàng Phật tử, cũng như Tăng Ni luôn tin tưởng vào chúng Tăng, một lòng hướng về Tăng-già để trọn đời quy mạng. Nhờ đó, công đức và phước báo của mình ngày một đong đầy. Đó là chánh tư duy.
Dẫu cho có những vị Tỳ-kheo danh chưa xứng với thực, dẫu cho có những người giả làm Tỳ-kheo để trà trộn vào Tăng đoàn với ý đồ riêng thì niềm tin thanh tịnh của chúng ta vào Tăng-già vẫn bất hoại, kiên cố như kim cương, không bao giờ thay đổi.