Ảnh minh hoạ.

Ghi nhớ lời Phật dạy về trách nhiệm của người con Phật

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Đức Phật dạy rằng: giữ vững chánh kiến, sống đời chánh mạng chính là trách nhiệm của người con Phật.

Người xuất gia với tâm nguyện “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, sống đời thanh tịnh, hướng đến giác ngộ, giải thoát. Một trong những ý nghĩa cao quý của Tỷ kheo là khất sĩ. Thực hành hạnh khất thực, xin thức ăn của mọi nhà để nuôi sống sắc thân là chánh mạng thanh tịnh của Tăng sĩ Phật giáo.

Một thời, Tôn giả Sàriputta trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi một nữ du sĩ ngoại đạo tên Sùcimukhi đi đến và nói với Tôn giả Sàriputta:

Này Sa môn, có phải Ông ăn, cúi mặt xuống?

Tôi ăn, không cúi mặt xuống.

Vậy Sa môn, có phải Ông ăn, ngẩng mặt lên?

Tôi ăn, không ngẩng mặt lên.

Vậy Sa môn, có phải Ông ăn, hướng mặt về bốn phương chính?

Tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương chính.

Vậy Sa môn, có phải Ông ăn, hướng mặt về bốn phương phụ?

Tôi ăn, không hướng mặt về bốn phương phụ.

Vậy này Sa môn, Ông ăn, hành động như thế nào?

Những Sa môn hay Bà la môn nào, nuôi sống bằng những tà mạng như địa lý, các vị ấy được gọi là các Sa môn, Bà la môn ăn cúi mặt xuống.

Những Sa môn hay Bà la môn nào, nuôi sống bằng những tà mạng như thiên văn, các vị ấy được gọi là các Sa môn, Bà la môn ăn ngẩng mặt lên.

Những Sa môn hay Bà la môn nào, nuôi sống bằng những tà mạng như đưa tin tức, làm trung gian môi giới, các vị ấy được gọi là các Sa môn, Bà la môn ăn hướng mặt về bốn phương chính.

Những Sa môn hay Bà la môn nào, nuôi sống bằng những tà mạng như bói toán, các vị ấy được gọi là các Sa môn, Bà la môn ăn hướng mặt về bốn phương phụ.

Còn ta, ta không nuôi sống bằng những tà mạng như xem địa lý, thiên văn, đưa tin tức, làm trung gian môi giới, bói toán và các nghề hèn hạ. Ta tìm cầu món ăn một cách hợp pháp. Sau khi ta tìm cầu món ăn một cách hợp pháp, ta dùng các món ăn ấy.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 7, phần Sùcimukhi, Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.387)

Lời bàn:

Người xuất gia với tâm nguyện “xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo”, sống đời thanh tịnh, hướng đến giác ngộ, giải thoát. Một trong những ý nghĩa cao quý của Tỷ kheo là khất sĩ. Thực hành hạnh khất thực, xin thức ăn của mọi nhà để nuôi sống sắc thân là chánh mạng thanh tịnh của Tăng sĩ Phật giáo.

Theo tuệ giác Thế Tôn, khất thực là một pháp tu truyền thống của ba đời, mười phương chư Phật với ý nghĩa: không tham đắm vị ngon, vì phá trừ ngã mạn và từ bi bình đẳng. Một Tỷ kheo thực hành khất thực, về phương diện tự lợi là dứt bỏ mọi việc thế tục, làm phương tiện tu đạo; ở phương diện lợi tha là tạo phước điền cho chúng sanh. Tỷ kheo tự tạo sinh kế để nuôi thân, đó là tà mạng.

Ngày nay, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau nên đa phần các Tỷ kheo không duy trì hạnh khất thực nhưng chủ yếu vẫn sống nhờ vào tịnh thí. Mặt khác, một vài Tỷ kheo vận dụng phương tiện “tà mạng” để giáo hóa, dẫn dắt người sơ cơ vào đạo, ít nhiều vẫn có những thành công nhất định. Vì chúng sanh căn cơ đa dạng nên phương tiện giáo hoá phải linh động song phương tiện chỉ có tính chất đối cơ, vì tâm từ bi mà hành hóa. Do vậy, nếu không thiện xảo trong khi sử dụng phương tiện thì chỉ lợi bất cập hại, tạo nên tà kiến bởi tà mạng của chính mình.

Vì vậy, giữ vững chánh kiến, sống đời chánh mạng, tu tập theo Bát Thánh đạo để tự lợi và lợi tha là phương châm, trách nhiệm của mỗi người con Phật, nhất là những người con Phật xuất gia.

Tin cùng chuyên mục