Một thời, một Tỷ kheo trú giữa dân chúng Kosala, tại một khu rừng. Lúc bấy giờ, vị Tỷ kheo ấy thường hay ngủ ban ngày.
Rồi một vị Thiên ở trong khu rừng đó, thương xót vị Tỷ kheo ấy, muốn cảnh giác liền đi đến. Sau khi đến, vị Thiên nói lên bài kệ cảnh giác cho Tỷ kheo ấy:
Tỷ kheo, hãy thức dậy/Sao ông hãy còn nằm/Ông được lợi ích gì/Trong giấc ngủ của ông/Kẻ bịnh, kẻ trúng tên/Bị đánh, sao ngủ được/Vì lòng tin xuất gia/Bỏ nhà, sống không nhà/Tín ấy cần phát triển/Chớ để ngủ chinh phục.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 9, phần Săn sóc, hầu hạ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.434)
Lời bàn:
Ngủ nghỉ là một trong những nhu cầu quan trọng của đời sống con người. Giấc ngủ có tác dụng trị liệu, nghỉ ngơi, thư giản, phục hồi sức khỏe cho thân và tâm. Không ngủ, thiếu ngủ hoặc mất ngủ là bệnh hoặc sẽ dẫn đến bệnh. Tuy vậy, ngủ nhiều, ngủ quá thời gian cho phép cũng không phải là điều hay.
Đối với người tu hành, mê đắm ngủ nghỉ là một trong những yếu tố ngăn che, chướng ngại thiền định. Ngủ nhiều sẽ sinh biếng nhác, giải đãi, mê muội và mất thời gian cho công phu tu tập. Vì thế, muốn phát triển thiền định thì ngủ nghỉ cần phải được tiết chế, giảm thiểu trong đời sống hàng ngày.
Khi phiền não còn dẫy đầy, vô minh còn che lấp tâm trí thì người tu được xem như đang “bị bệnh, bị đánh, một kẻ bị trúng tên”, do vậy không nên lãng phí thời gian cho ngủ nghỉ, phải dồn hết thời gian để tu tập. Mặt khác, đời người vô thường, thân mạng mong manh, vì thế không nên hứa hẹn hay chờ đợi mà phải tinh tấn, nỗ lực tu học ở ngay đây và bây giờ.
Tuy hạn chế ngủ nghỉ đến tối đa, ngày đêm sáu thời công phu, thức khuya dậy sớm nhưng người tu vẫn khỏe khoắn, minh mẫn sáng suốt, không dật dờ đói ngủ. Bí quyết đem đến thành tựu này chính là thiền định và giấc ngủ sâu.
Thiền định đã mang lại sự thư giản cho thân thể, sâu lắng và an tịnh cho tâm hồn, nhờ đó các hành giả dễ dàng đạt đến giấc ngủ sâu khi ngủ. Không ác mộng, không chập chờn hay giật mình thức giấc, giấc ngủ sâu tạo ra sự nghỉ ngơi gần như tuyệt đối, nhanh chóng phục hồi sức lực, tạo ra sự sảng khoái, hưng phấn tinh thần, dù thời gian ngủ không nhiều.
Ngủ ít nhưng sâu và an lành là một trong những yếu tố người tu cần điều chỉnh thân tâm để thành tựu. Được như vậy, ngoài việc tiết kiệm được thời gian dành cho tu tập, người tu còn tránh được giải đãi, lười biếng và những chi phối của vọng tưởng do ngủ “nướng” phát sanh. Trừ bệnh tật, người tu không ngủ quá nhiều vào ban ngày, bởi không chỉ bị người chê cười, chư thiên quở trách mà còn đánh mất hạnh tinh tấn, điều cần yếu cho việc phát triển, thành tựu thiền định