Nói xong với người này rồi lại tiếp tục với người khác, hết chuyện nọ thì đến chuyện kia. Không nói thì người ta sẽ buồn, cũng có thể phát điên, thậm chí có thể chết. Nhưng mà nói nhiều quá, rơi vào vọng ngữ thì ta và người cũng sẽ buồn, có thể phát điên, và thậm chí có thể chết.
Dĩ nhiên lời nói là một công cụ giao tiếp tuyệt vời. Nhờ lời nói mà truyền thông được thiết lập, hiểu và thương cũng nhờ lời ái ngữ được truyền trao. Có điều, mỗi người có ý thức trọn vẹn về lời nói của mình hay không? Tu tập chuyển hóa khẩu nghiệp là cân nhắc nói những điều gì, nói như thế nào, liều lượng ra sao, lúc nào là phù hợp… để mình và người đều vui, cùng lợi ích. Nếu không biết ‘uốn lưỡi bảy lần’, chánh niệm để nói lời ái ngữ thì hầu hết chúng ta đều nói chuyện tạp, là những kẻ buôn chuyện, tạo ra nhiều thị phi, đau khổ.
“Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương-xá. Bấy giờ, có số đông Tỳ-kheo tụ tập nơi nhà ăn, bàn luận như vầy: Vua Ba-tư-nặc và vua Tần-bà-sa-la, vua nào có thế lực lớn, vua nào giàu có hơn?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn đang ở trong thiền định, bằng thiên nhĩ, nghe tiếng bàn luận của các Tỳ-kheo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến nhà ăn, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, rồi hỏi các Tỳ-kheo:
- Các ông đang bàn luận việc gì?
Bấy giờ các Tỳ-kheo đem những việc trên bạch lại đầy đủ với Thế Tôn. Phật nói với các Tỳ-kheo:
- Các ông bàn những việc về thế lực lớn, về sự giàu sang của các vua làm gì? Này các Tỳ-kheo, chớ luận bàn như vậy. Vì sao? Vì việc này không đem lại lợi ích gì cho nghĩa, pháp, phạm hạnh, cũng chẳng phải trí, chẳng phải chánh giác, chẳng đưa đến Niết-bàn. Các ông nên bàn Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế. Vì sao? Vì bốn Thánh đế này đem lại nhiều lợi ích về nghĩa, về pháp, về phạm hạnh, là chánh trí, chánh giác, chánh hướng Niết-bàn. Cho nên, Tỳ-kheo, đối với bốn Thánh đế, nếu chưa được hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn tích cực, tu học hiện quán.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 413)
Không phải người đời ưa thích buôn chuyện mà ngay cả các Phật tử trong những khóa tu cũng vậy, gặp nhau đông vui rồi nói đủ thứ chuyện. Thậm chí, người xuất gia khi hội họp cũng dễ dàng mắc lỗi tạp thoại; ngày xưa thì các Tỳ-kheo nói chuyện ‘vua nào có thế lực lớn, vua nào giàu có hơn’, còn nay thì đề tài có khác nhưng chung quy thì đa phần vẫn là chuyện tạp. Thật ra, chỉ vì ta chưa sống được với mình nên có nhu cầu được nói. Mà nói nhiều thì sai nhiều nên ai nghe nhiều hơn nói thì sẽ an yên hơn.
Ngày xưa Thế Tôn mỗi khi thấy (nghe) các Tỳ-kheo buôn chuyện, liền tập chúng rồi nghiêm trách: ‘Này các Tỳ-kheo, chớ luận bàn như vậy. Vì sao? Vì việc này không đem lại lợi ích gì cho nghĩa, pháp, phạm hạnh, cũng chẳng phải trí, chẳng phải chánh giác, chẳng đưa đến Niết-bàn’. Ngày nay, bốn chúng đệ tử Phật dường như lấy sự tự giác làm chính nên ai có phúc duyên mới gặp những hội chúng bàn về ‘Khổ Thánh đế, Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế’.
Vì thế, học theo lời dạy của Thế Tôn, ai nói nhiều nên chuyển qua nghe nhiều. Đã biết lắng nghe rồi, nếu có mở lời thì nên học nói lời chánh ngữ. Chuyển hóa buôn chuyện, tạp thoại thành pháp thoại, chuyển phiếm đàm thành pháp đàm. Được như vậy sẽ trợ duyên thật nhiều cho chúng ta, bốn chúng đệ tử Phật tiến tu, thành tựu hiện quán.