Ngạn ngữ nước ngoài có câu: “Người tốt không có giờ xấu, người xấu không có ngày tốt”. Người tốt khéo dụng tâm, gặp xấu cũng hóa tốt, hòn đá ngăn chân cũng có thể được dùng làm hòn đá lót chân, cho nên người tốt không có giờ xấu. Người xấu thì không khéo dụng tâm, người khởi niệm ác thì nhân ác tự có quả ác, sóng điện phát ra không tốt thì hình ảnh đương nhiên không tốt được; cho nên người xấu không có ngày tốt.
Chỉ cần chính tâm, thành ý mà làm điều tốt, không cần phải chọn ngày, giờ, ngày nào cũng là ngày tốt, giờ nào cũng là giờ tốt. Nếu tự buông thả ác tâm mà làm người xấu, thì dù có xem sách lịch, tốn tiền nhờ người chọn, cũng không thể chọn được giờ tốt. Vì “giờ” không phải là cái gì được ấn định, chỉ do người xem dùng như thế nào thôi. Khéo dùng “giờ”, để có thể tích lũy công đức, thì tạo ra giờ tốt; không khéo dùng “giờ”, tức là làm sai, làm xấu, đương nhiên tự tạo “giờ xấu”.
Niệm Phật tức là đang cải biến nguyên nhân, cải biến tâm niệm tức là cải biến ngôn ngữ, thái độ.
Rất nhiều người học Phật không tin “tâm pháp”, cứ theo quan niệm thế tục, cả đến niệm Phật cũng chọn ngày tốt, giờ tốt, mà không biết rằng một niệm lạy Phật tức là đại thiện, đại cát, cho dù gặp việc xấu, khởi tâm lạy Phật, tâm chuyển thì cảnh chuyển, xấu cũng biến thành tốt.