Nhà văn Hoàng Anh Sướng: Không nên mất thời gian xem "sợi tóc xá lợi" ở chùa Ba Vàng

Nhà văn Hoàng Anh Sướng: Không nên mất thời gian xem "sợi tóc xá lợi" ở chùa Ba Vàng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trước sự việc tại chùa Ba Vàng giới thiệu có xá lợi là sợi tóc của Đức Phật khiến nhiều người đên chiêm bái, Nhà văn Hoàng Anh Sướng đã có những chia sẻ về sự kiện này.

Mấy ngày nay, dư luận đang bàn tán xôn xao về chuyện hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước kéo về chùa Ba Vàng để chiêm bái xá lợi tóc của Đức Phật. Đặc biệt, khi trang fanpage và website của chùa đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh xá lợi tóc nói trên có thể chuyển động, kèm thông tin: “Xá lợi được trưng bày là một trong 8 sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương buôn người Myanmar từ 2.600 năm trước. Trải qua 2.600 năm, sợi tóc vẫn còn nguyên vẹn. Hàng vạn nhân dân, Phật tử đã tận mắt chứng kiến sợi tóc quay liên tục với nhiều hình dáng khác nhau, dù xung quanh không có gì để căng kéo hay điều khiển, khác hoàn toàn so với tóc của người bình thường”.

Hơn thế, chùa còn bình luận: Tóc là vô cùng linh thiêng, cao quý cho nên những ai dù chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường cũng được vô lượng phúc báu cho hiện đời và nhiều đời về sau. Bởi năng lực của Đức Phật vẫn còn đang hiện diện trên thế gian này thông qua xá lợi tóc chuyển động, cho nên khi chúng ta bạch Phật thì Ngài vẫn gia hộ.

Rất nhiều người đã điện thoại, nhắn tin, hỏi tôi rất nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề này.

Những ai quan tâm đến tôi đều biết, cả năm nay, tôi dành gần như toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu đạo Phật và thực hành. Vì thế, tôi thực sự không muốn quan tâm đến câu chuyện xá lợi tóc ở chùa Ba Vàng. Nhưng vì có quá nhiều người hỏi, trong đó, nhiều người đề nghị tôi lên tiếng nên tôi xin có đôi lời như sau:

Tựu trung, có 2 vấn đề quan trọng nhất mà mọi người quan tâm, cần làm sáng tỏ:

1. Đó có thực sự là xá lợi tóc của Đức Phật cách đây 2.600 năm?

2. Nếu đúng, có nên đến chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường để được vô lượng phước báu cho hiện đời và nhiều đời về sau không?

Về vấn đề thứ nhất: Đó có phải là xá lợi tóc của Đức Phật cách đây 2.600 năm không? Tôi xin phép không kết luận. Bởi tôi không (và sẽ không bao giờ mất thời gian) đi điều tra xem nguồn gốc của sợi tóc ấy: thỉnh ở đâu? Thỉnh bằng cách nào? Có giấy tờ gì xác nhận về chuyện thỉnh ấy?

Song, cũng cần nói thêm: Rất nhiều người đã nghi ngờ về nguồn gốc của xá lợi tóc này. Một số người đã gửi cho tôi thông tin (kèm ảnh, video) để chứng minh: Đây là cỏ Pili, tên khoa học học là Heteropogon contortus. Cỏ này có đặc biệt là khi bị ướt sẽ tự chuyển động. Tôi đã xem đi xem lại video này nhiều lần. Quả thực, nhìn rất giống với sợi tóc mà chùa Ba Vàng đang trưng bày.

Điều khá bất ngờ là loại cỏ này có thể tìm thấy ở nhiều địa phương tại Việt Nam. Và càng bất ngờ hơn khi nó được r.ao b.án trên sàn giao dịch thương mại với cái tên rất “Phật”: “Bảo tháp xá lợi, Xá lợi tóc Phật tự chuyển động” với giá chỉ từ năm trăm ngàn đến chín trăm ngàn/1 sợi.

Về vấn đề thứ 2: Nếu đúng đó là xá lợi tóc của Đức Phật thì có nên đến chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường để được vô lượng phước báu cho hiện đời và nhiều đời về sau không?

Cá nhân tôi, và tôi cũng khuyên tất cả những người thân của mình: không nên mất thời gian làm việc đó. Những ai học đạo Phật, hiểu chánh pháp đều biết rằng: Phật KHÔNG PHẢI LÀ VỊ THẦN LINH có phép thuật muôn màu để ban phúc, trừ họa. Thời tại thế, Ngài luôn chỉ dạy rằng: tất cả HỌA và PHÚC đều là do NHÂN QUẢ mà thành. Gieo nhân nào thì gặt quả đó. Thành công hay thất bại không do ai ban phát mà do chính chúng ta tạo nên. Tất cả đều bắt nguồn từ thân, khẩu và ý. Nhân duyên xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ ra quả xấu. Nhân duyên lành sẽ trổ quả tốt.

Theo tôi, một trong những lý do căn bản nhất đẩy nhiều người Việt Nam vào cõi u mê, cuồng tín là một số nhà sư đã biến Phật thành vị thần linh và biến chùa thành nơi buôn thần, bán thành. Để rồi, ngày ngày, biết bao nhiêu con người hễ đến chùa là dâng lên Phật chút lễ bạc, dúi vào tay Phật chút tiền mọn rồi quỳ rạp dưới mấy cây hương mà cầu nguyện đức Phật ban cho đủ thứ: nào danh, lợi, tiền, tình…, những thứ mà đức Phật đã buông bỏ từ lâu, những thứ mà theo Đức Phật, đó là nguồn gốc của khổ đau, bất hạnh.

Ai học đạo Phật đều biết: Đức Phật vốn là một thái tử, đã từng có vợ đẹp, con khôn, cung vàng, điện ngọc. Tương lai, sẽ là một vị vua thống trị cả một đất nước. Nhưng vì thấy cuộc đời vốn dĩ có nhiều khổ đau nên Ngài đã rũ bỏ tất cả danh, lợi tột đỉnh ấy để đi tìm con đường thoát khổ. Và Ngài đã thành công.

Bởi thế, thật là thiếu hiểu biết nếu chúng ta cứ cầu xin Phật ban cho địa vị, công danh, bạc tiền, tình ái – thứ mà Ngài đã buông bỏ từ lâu.

Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài thường nhắc nhở các đệ tử: muốn thực chứng được chân lý phải biết quay vào bên trong tâm mình. Có một vị đệ tử say mê vẻ đẹp hình tướng bên ngoài của Ngài. (Vì Đức Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp). Mỗi khi Phật thuyết pháp, vị đệ tử này luôn tìm cách ngồi gần để được nhìn ngắm những tướng tốt trang nghiêm của Ngài. Thấy vậy, Phật ôn tồn bảo: Con dẫu nhìn ngắm chân dung của ta một trăm năm vẫn không thể nào “thấy” được Phật. Ai thấy được giáo pháp sẽ thấy được Như Lai”.

Bởi cái thân tứ đại của Đức Phật dẫu có đẹp đến đâu cũng chỉ là giả tướng và tan hoại theo thời gian. Yêu Phật, kính Phật phải thấy được Đức Phật nằm ở bên trong tâm ta. Nó có nghĩa là kinh nghiệm được chân lý. Nó có nghĩa là chúng ta phải tu tập làm sao để có được sự tỉnh thức, vững chãi, an lạc, thảnh thơi, từ bi, vô ngã, vị tha… Những phẩm chất tốt đẹp của Phật.

Lục tổ Huệ Năng dạy rằng: “Phật do trong tánh khởi lên, đừng cầu tìm ở bên ngoài. Kẻ nào không biết gì về tự tánh của mình là chúng sinh. Còn ai thấy được tự tánh, người đó là Phật”.

Cầu mong ai trong chúng ta cũng có một vị Phật vững chãi, an lạc, giàu trí tuệ và lòng từ bi trong tâm mình để khỏi mất thời gian, công sức, tiền của đi chen lấn, xô đẩy, chiêm bái những thứ ngoại thân dễ khiến tâm mình náo động, u mê, cuồng tín.

* Tiêu đề bài viết do Ngày Nay tựa đặt

Tin cùng chuyên mục