Phương pháp định hướng tư tưởng trong lời dạy của Đức Phật

Phương pháp định hướng tư tưởng trong lời dạy của Đức Phật

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Định hướng tư tưởng là một vấn đề vô cùng quan trọng trong đời sống sinh hoạt của con người. Tư tưởng không những chi phối hành vi và lời nói mà còn ảnh hưởng đến nếp sống, phong thái, văn hóa của con người trong đời sống hàng ngày.

Mỗi tôn giáo hay một triết thuyết nào cũng đều có một hệ thống tư tưởng chủ đạo. Dựa trên nền tảng tư tưởng chủ đạo này, các tôn giáo, thể chế hay tổ chức bắt đầu triển khai mọi việc xoay quanh trục tư tưởng đó để ổn định lòng người, tạo sức mạnh niềm tin và củng cố khối đại đoàn kết nhằm phát triển bền vững.

Có hai loại tư tưởng chủ đạo, đó là thiện và bất thiện. Tư tưởng thiện là tia sáng đầu nguồn dẫn đường đưa chúng ta đi đến mục tiêu cao đẹp. Ngược lại, tư tưởng bất thiện nhấn chìm chúng ta đi vào bóng tối của khổ đau và đọa lạc. Việc định hướng tư tưởng giúp ích con người mở ra hướng đi mới, vươn tới tương lai tươi sáng, huy hoàng.

Theo Mahatma Gandhi: “Có hai loại tư tưởng khác nhau, đó là: Loại hình thành từ cái đầu và loại xuất phát từ trái tim”. Loại tư tưởng hình thành từ cái đầu hàm chứa những nội dung xuất phát từ lý trí; và loại tư tưởng xuất phát từ trái tim hàm chứa nội dung xuất phát từ tình thương. Lời nói này của Mahatma Gandhi có sự tiếp thu, ảnh hưởng tư tưởng cốt lõi của đạo Phật, đó là từ bi và trí tuệ.

Trí tuệ là sự hiểu biết và từ bi là tình thương yêu. Hiểu và thương luôn bổ sung cho nhau để hoàn thiện một nhân cách viên mãn. Nếu thiếu một trong hai khía cạnh thì vấn đề sẽ trở nên khập khiễng, không vững bền và dễ đổ gãy. Tư tưởng chủ đạo của Phật giáo là dạy con người hướng thiện, có tri thức để xây dựng cuộc sống tốt đẹp, yên vui trong hiện tại. Thực hành lối sống đạo đức chính là cốt lõi và điểm chính yếu của đạo Phật (1).

Trong rất nhiều phương pháp giảng dạy thì phương pháp định hướng tư tưởng được Đức Phật chú trọng sử dụng trong giáo huấn của Ngài. Có thể nói, Đức Phật là nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại. Ngay sau khi thành đạo, Ngài đã đi khắp mọi miền của đất nước Ấn Độ cổ đại để truyền bá tư tưởng từ bi, giác ngộ và giải thoát cho mọi người.

Sự kiện ấy đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của dòng chuyển biến về quan niệm nhân sinh và thế giới, là cuộc cách mạng hoàn toàn về nhận thức, tư duy cũng như hành động của con người thời bấy giờ. Lời dạy của Đức Phật đã thổi một luồng gió mới vào thành trì kiên cố của tư tưởng Vệ-đà, đã rọi tia nắng ấm áp cho màn đêm tâm thức của con người. Bình minh tuệ giác tiếp tục rạng soi trên khung trời triết học phương Đông và toàn thể nhân loại.

Trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh, Đức Phật luôn định hướng cho con người hai vấn đề cốt lõi, đó là khổ đau và con đường đưa đến đoạn diệt khổ đau. Hàm chứa trong tất cả lời dạy của Đức Phật đều định hướng tư tưởng cho người nghe một cách rõ ràng. Trong kinh Nên hành trì, không nên hành trì (Sevibba-asevibbasutta) thuộc Trung bộ kinh, Đức Phật đã đề cập đến sự phát sinh tư tưởng với hai thể loại, một là nên hành trì và không nên hành trì.

Bình luận về tuyên bố này, Tôn giả Xá-lợi-phất giải thích thêm rằng, con người nên tuân theo loại tư tưởng nào phát sinh mà không liên quan đến sự tham muốn, ác tâm, làm hại, và ngược lại. Nói cách khác, để áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, hành giả nên phát triển tư tưởng không tham muốn, không ác tâm, không gây tổn hại và nên dừng những suy nghĩ liên quan đến tham muốn, ác độc, làm hại (2).

Trong hai câu mở đầu của kinh Pháp cú, Đức Phật đã dạy: “1. Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo/ Nếu với ý ô nhiễm/ Nói lên hay hành động/ Khổ não bước theo sau/ Như xe, chân vật kéo. 2. Ý dẫn đầu các pháp/ Ý làm chủ, ý tạo/ Nếu với ý thanh tịnh/ Nói lên hay hành động/ An lạc bước theo sau/ Như bóng, không rời hình”. Lời dạy này chỉ ra rõ ràng rằng, bất kỳ kết quả nào mà một người đang nhận được, dù là tốt hay xấu, đều bắt nguồn từ suy nghĩ của họ. Từ quan điểm này, Đức Phật xem việc định hướng tư tưởng là hoàn toàn cần thiết cho hoạt động của con người.

Trong kinh Đoạn giảm (Sallekhasutta) thuộc Trung bộ kinh, Đức Phật đã chỉ dạy Tỷ-kheo Cunda về các loại tư tưởng nào nên phát triển và tư tưởng nào nên loại bỏ. Trong bản kinh này có 44 đối tượng được liệt kê để thực hành, cụ thể là: “(1) Làm hại, không làm hại. (2) sát sanh, từ bỏ sát sanh, (3) lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho. (4) không phạm hạnh, sống phạm hạnh, (5) nói láo, từ bỏ nói láo, (6) nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi, (7) nói lời độc ác, từ bỏ nói lời độc ác, (8) nói lời phù phiếm, từ bỏ nói lời phù phiếm, (9) tham dục, không tham dục, (10) sân tâm, không có sân tâm, (11) tà kiến, chánh kiến,

(12) tà tư duy, chánh tư duy, (13) tà ngữ, chánh ngữ, (14) tà nghiệp, chánh nghiệp, (15) tà mạng, chánh mạng, (16) tà tinh tấn, chánh tinh tấn, (17) tà niệm, chánh niệm, (18) tà định, chánh định, (19) tà trí, chánh trí, (20) tà giải thoát, chánh giải thoát, (21) hôn trầm thụy miên, không có hôn trầm thụy miên,

(22) trạo hối, không có trạo hối, (23) nghi hoặc, trừ diệt nghi hoặc, (24) phẫn nộ, không có phẫn nộ, (25) oán hận, không có oán hận, (26) hư ngụy, không hư ngụy, (27) não hại, không não hại, (28) tật đố, không tật đố, 29) xan tham, không xan tham, 30) man trá, không man trá, (31) khi cuống, không khi cuống,

(32) ngoan cố, không ngoan cố, (33) cấp tháo, không cấp tháo, (34) khó nói, dễ nói, (35) ác hữu, thiện hữu, (36) phóng dật, không phóng dật, (37) bất tín, tín tâm, (38) không xấu hổ, có xấu hổ, (39) không sợ hãi, có sợ hãi, (40) nghe ít, nghe nhiều, (41) biếng nhác, siêng năng, (42) thất niệm, an trú niệm, (43) liệt tuệ, thành tựu tuệ, (44) nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả/ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả”, như vậy đoạn giảm được thực hiện (3).

Bốn mươi bốn phạm trù tư tưởng được Đức Phật liệt kê ở trên nhằm định hướng cụ thể cho hành giả áp dụng thực hành. Một người bắt đầu thực hiện bài thực tập này bằng cách đưa ra quyết định trong tâm trí của mình là không chấp nhận những gì sai trái, có hại, mà tuân theo những gì đúng đắn và hữu ích.

Theo Đức Phật, khi một người suy nghĩ và phản ánh nhiều về bất cứ điều gì trong tâm trí của mình, thì kết quả sẽ hành động theo cách đó. Trong thực tế khi tư tưởng hướng theo chiều hướng tốt, đúng đắn thì mọi hoạt động của con người sẽ được thực hiện một cách đúng đắn và kết quả là hạnh phúc và bình yên sẽ đến. Đó là lý do tại sao Đức Phật đã tuyên bố trong Tương ưng bộ kinh rằng: “Nếu tâm trí của một người được hướng dẫn, điều phục tốt, nó sẽ đoạn trừ được vô minh, đạt đến trí tuệ và thành tựu Niết-bàn (4)”.

Heidegger (1889-1976) một triết gia người Đức, chuyên tìm hiểu về ý nghĩa của khái niệm tồn tại và cấu trúc bản thể của tồn tại con người, ông nhận chân được giá trị của tư tưởng thiền định trong Phật giáo có thể cứu vãn được các vấn đề của thời cuộc. “Trước sự sụp đổ của con người và thời đại, Heidegger kêu gọi chúng ta hãy trở về với tư tưởng thiền định (meditation) và từ bỏ tư tưởng tính toán của tổ chức, kinh doanh, kỹ thuật, kỹ nghệ, cơ khí, chính trị, xã hội, thần học, khoa học. Heidegger đã bước đi về trên con đường Phật giáo và chính Heidegger cũng không ngờ được. Đối với Heidegger, con người chỉ có thể tự giải thoát khi trở về thiền tưởng qua tư thái song hành: tâm hồn thản nhiên trước sự vật và tâm trí mở ra trước huyền diệu bí mật (5).”

Ngày nay, trong thời đại văn minh công nghệ hiện đại, thông tin đa chiều và nhiễu loạn, thì việc định hướng tư tưởng là vô cùng cần thiết. Thầy định hướng tư tưởng cho học trò, cha mẹ định hướng tư tưởng cho con cái. Nếu có định hướng tư tưởng đúng đắn thì sẽ giúp ích cho học trò, con cái có hướng đi vào đời vững vàng và sẽ gặt hái được thành công. Nếu không, giới trẻ sẻ hoang mang vô định dẫn đến những sai lầm không đáng có.

Tóm lại, phương pháp định hướng tư tưởng trong lời dạy của Đức Phật là vô cùng thiết thực và ý nghĩa. Thông qua phương pháp này, hành giả dễ dàng tiếp nhận và thực hành theo. Tư tưởng Phật giáo có mặt trên hai ngàn năm qua đã giúp nhân loại vượt thắng bản thân và vượt qua bao cơn khủng hoảng, chiến tranh và hận thù. Phật giáo cung cấp một hệ thống tư tưởng, một con đường để tự mình hoàn thiện bản thân, thiết lập một nền tảng giá trị đạo đức chân chính, mở ra cánh cửa an lạc và giải thoát cho con người.

Tin cùng chuyên mục