Tìm hiểu về Tam thân của Đức Phật

Tìm hiểu về Tam thân của Đức Phật

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Theo lý giải của ngài Trí Giả, Đức Thích Ca mang thân người hữu hạn trên cuộc đời thì sanh thân đó là một trong những phương tiện của Ngài và Pháp thân của Phật Thích Ca ở thế giới Thường Tịch Quang mới là chân thật, tức chân thân. Và điều quan trọng là phải có chân thật mới đưa ra phương tiện được.

Sanh thân hay thân phương tiện của Đức Phật

Ý này được Phật nói rõ trong phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16. Đức Phật khẳng định rằng Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước, không phải mới thành Phật trong hiện đời này. Nhưng trời, người, a-tu-la đều cho là Phật mới rời cung dòng họ Thích, xuất gia, đến cội bồ-đề gần thành Già Da mà thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Người đời chưa đắc đạo, chỉ thấy bằng mắt thịt, mới tưởng như vậy.

Trong khi chư Phật mười phương với huệ nhãn thấy được Phật Thích Ca đã thành Phật từ lâu xa, vì lòng đại bi mà Ngài hiện thân lại cuộc đời này để cứu khổ độ sanh. Đức Phật xác định rằng trời, người, a-tu-la chỉ thấy thân tứ đại giả tạm của Phật, còn thân chân thật của Phật là Pháp thân thì chỉ có chư Phật và Bồ-tát nhận thấy mà thôi.

Đối với Đức Phật, thân người là phương tiện và chỉ riêng Đức Phật mới có đầy đủ đạo lực làm chủ muôn pháp trong vũ trụ mới có thể coi sanh thân là phương tiện. Còn đối với chúng ta, thân này không phải phương tiện, mà là nghiệp thân; vì chúng ta không muốn mang thân đau khổ, thân xấu xí, thân bệnh hoạn, thân ngu dốt… mà vẫn phải gánh chịu nó. Nói chung là mọi người phải chấp nhận một thân thể bất toàn, dù không muốn chút nào, cho nên tất cả mọi người chỉ có nghiệp thân.

Vì sử dụng thân tứ đại như một phương tiện, nên Đức Phật tùy lúc, tùy chỗ, tùy người mà Ngài ứng hiện nhiều thân khác nhau. Trong phẩm Như Lai thọ lượng, Đức Phật cũng cho biết Ngài thành Phật ở nơi này thì có tên này, ở chỗ khác thì có tên khác, gọi đó là thiên bá ức Hóa thân Phật. Với mục đích hiện thân cứu độ, Đức Phật mang sanh thân để độ loài người, hiện Hóa thân để độ trời, a-tu-la.

Nhận thức như vậy, chúng ta thấy Đức Phật Thích Ca sanh trong loài người, vì nguyện của Ngài như vậy, không phải bị nghiệp dẫn vô thế giới này mà phải đau khổ. Thí dụ các giảng sư ở thành phố Hồ Chí Minh phát nguyện đến các lán trại xa xôi để an ủi, giúp đỡ những người cai nghiện, hay người phạm pháp. Quý vị không bị bắt buộc đến đó, chỉ vì nguyện mà đi, vì muốn giải khổ và mang vui cho người. Trong khi những người cai nghiện, hay phạm pháp bị bắt tập trung đến đó. Chính hành động nghiện ngập, hay phạm pháp đã tạo thành hậu quả khổ đau cho họ mà nghĩ lại, họ cũng không muốn. Nhưng dù không muốn cũng không thể khác, gọi là nghiệp dẫn.

Nói chung, tất cả chúng sanh trong sáu đường sinh tử mang nghiệp của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, trời, người, nên đều phải hiện hữu và sinh hoạt trong thế giới tương ưng với nghiệp của họ, không có quyền lựa chọn khác, đó là nghiệp thọ sanh thân.

Tất cả Như Lai và Bồ-tát từ đệ Bát địa trở lên thọ sanh trong các loài đều do nguyện. Bồ-tát từ đệ Thất địa trở xuống còn bị nghiệp dẫn, nghĩa là còn những việc xảy đến bất như ý. Đối với Bồ-tát đệ Bát địa, không có việc gì bất như ý cả, các ngài hoàn toàn tự tại, chủ động trong mọi tình huống. Thậm chí chúng ta thấy các ngài bị móc mắt, chặt đầu, nhưng thực sự các ngài muốn như vậy để tạo thắng duyên làm đạo. Điển hình như Đức Phật Thích Ca cho biết Ngài nguyện gánh chịu những sự hành hạ thân xác để độ vua Ca Lợi phát tâm.

Vì vậy, Bồ-tát đệ Bát địa trở lên làm bất cứ việc gì, dù phải hy sinh thân mạng cũng nhằm mục tiêu giáo hóa người, đó là phương tiện của Bồ-tát; không phải các ngài bị động, bị chúng sanh hành hạ, vì thực sự mà nói chúng sanh chẳng có một chút khả năng nào làm hại Bồ-tát được.

Báo thân Phật, hay thân phước đức và trí tuệ viên mãn

Đức Phật mang thân người và nói pháp phương tiện để mọi người hình dung ra Phật thật và nhận chân được pháp thật. Thật vậy, ứng dụng được tinh ba của pháp Phật và thấy được việc làm siêu tuyệt của Phật, chúng ta nhận ra Phật là người cao quý vô cùng. Và thấy được sự cao quý của Phật là thấy Báo thân Phật và nghe được pháp của Báo thân, tức phước đức, trí tuệ của Phật. Việc nào cũng được Đức Phật giải quyết tốt đẹp, tiêu biểu cho trí tuệ viên mãn và Phật dung hóa được mọi người, thể hiện phước đức vẹn toàn.

Bồ-tát mười phương thấy được Báo thân Phật, vì các ngài hành Bồ-tát đạo, tu sáu pháp Ba-la-mật, bốn pháp nhiếp của Phật dạy. Tuy nhiên, họ thấy rõ bốn pháp nhiếp và sáu pháp Ba-la-mật của họ so với Đức Phật còn kém xa. Đức Phật hành Bồ-tát đạo hơn họ một trời một vực.

Chính những thành quả siêu tuyệt của Đức Phật về Bồ-tát hạnh đã thúc đẩy Bồ-tát mười phương tìm tới Ngài để cầu học. Bồ-tát đã đến với thân phước đức trí tuệ của Đức Phật, đến vì Phật đồng hạnh, đồng nguyện và siêu tuyệt hơn họ, không phải đến với sanh thân Phật.

Còn hàng Nhị thừa đến với Đức Phật là đến với pháp phương tiện Tứ đế và đến với sanh thân Phật.

Tìm hiểu về Tam thân của Đức Phật ảnh 1

Pháp thân Phật hay chân thân Phật

Ngoài sanh thân và Báo thân, Đức Phật còn có Pháp thân và chỉ Đức Phật mới có Pháp thân.

Khi Đức Phật chưa đắc đạo, chưa chuyển hóa hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn, năm anh em Kiều Trần Như cũng không hoan hỷ với Ngài, vì bấy giờ, tất cả đều chấp ngã chấp pháp. Nhưng Đức Phật đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề, thành tựu Pháp thân, trừ sạch chấp ngã chấp pháp thì vừa trông thấy Phật trở về, năm anh em Kiều Trần Như đã quỳ xuống đảnh lễ Ngài.

Sau đó Pháp thân của Đức Phật đã tác động cho Kiều Trần Như xa rời tâm chấp trước, nên ông cũng đắc quả A-la-hán. Và bốn vị Tỳ-kheo còn lại cũng lần lượt đắc Thánh quả nhờ tiếp nhận được đạo lực thanh tịnh của Đức Phật và Kiều Trần Như. Từ đó, giáo đoàn đầu tiên gồm Đức Phật và năm vị Tỳ-kheo là biểu tượng của vô lậu ngũ uẩn, tức Pháp thân tỏa sáng khiến người người thấy an lành và phát tâm tu theo.

Như vậy, Pháp thân Phật rất quan trọng, là tác nhân chính yếu để cảm hóa chúng sanh. Pháp thân Phật được kết cấu bằng năm phần là giới, định, huệ, giải thoát và giải thoát tri kiến. Và Pháp thân Phật chính là thân chân thật của Ngài tồn tại vĩnh hằng bất tử.

Báo thân và pháp thân Phật hiện hữu trong sanh thân Phật

Pháp thân và Báo thân Phật không phải là cái gì mơ hồ, xa xăm. Pháp thân và Báo thân Phật đều hiện hữu ngay trong sanh thân của Phật. Ngài Huyền Giác diễn tả ý này là “Huyễn hóa sanh thân tức Pháp thân”.

Thật vậy, thân vật chất của Đức Phật là sanh thân và Ngài tu hành, đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề, thành tựu phước đức trí tuệ đến mức toàn hảo, kết thành Báo thân. Và với lực tác động tốt đẹp của Báo thân Phật vào tâm trí, vào nếp sống của mọi người, mọi loài, Đức Phật đã thành tựu Pháp thân.

Pháp thân và Báo thân Phật hiện hữu trong chính sanh thân tứ đại của Ngài, nhưng Phật đã Niết-bàn, sanh thân không còn. Như vậy, Báo thân và Pháp thân Phật có còn tồn tại hay không và đang ngự trị ở đâu.

Phật Niết-bàn, báo thân và pháp thân của Phật hiện hữu trong giáo pháp và trong Tăng đoàn

Ngày nay, nhân loại ở khắp năm châu kính trọng Đức Phật là kính trọng phước đức trí tuệ của Ngài và tu theo Đức Phật để thăng hoa phước đức trí tuệ của chính họ. Điều đó có nghĩa Báo thân Phật, tức trí tuệ và phước đức của Phật vẫn hiện hữu, vẫn còn tác động vào tâm trí con người, vẫn hiện hữu trong sinh hoạt của con người. Đồng thời, giáo pháp của Đức Phật vẫn đang được người người ứng dụng trong cuộc sống. Như vậy, Pháp thân Phật còn hiện hữu dưới dạng thức gọi là giáo pháp Pháp thân.

Lúc Phật tại thế, giáo pháp Phật thể hiện ở mọi suy nghĩ, hành động, lời nói, việc làm của Ngài. Phật là Đấng Toàn giác, thân khẩu ý của Ngài đều hàm chứa Pháp thân và Báo thân và tất cả những việc mà Đức Phật làm, những lời Phật dạy đều phát xuất từ tình thương và trí tuệ, kết tinh thành đạo Phật là đạo từ bi, trí tuệ.

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, hàng xuất gia và hàng cư sĩ lãnh hội giáo pháp Phật và tu hành trong Chánh pháp, nên giáo pháp Pháp thân Phật được chuyển đổi thành cái mà kinh Pháp hoa gọi là thế gian tướng thường trụ. Nghĩa là Pháp thân Phật không phải để trong tủ thờ, nhưng hiện hữu trong niềm tin sâu sắc của mọi người.

Từ niềm tin hướng về Đức Phật, Phật được đem đặt trong trái tim chúng ta, thể hiện thành hành động và việc làm lợi ích cho chúng hữu tình; đó là thế gian tướng thường trụ hay thường trụ Pháp thân Phật.

Có thể khẳng định rằng Pháp thân Phật thường trụ trong nếp sống của các Tỳ-kheo, hay Tăng đoàn chính là Pháp thân Phật. Thật vậy, không có Tăng đoàn thanh tịnh, hòa hợp truyền bá Chánh pháp, giáo hóa người, thì Phật pháp không tồn tại. Dù có chùa, nhưng thiếu người tu đắc đạo, đạo Phật coi như vắng bóng.

Pháp thân Phật hiện hữu trong tâm trí, trong lời nói và trong việc làm của các Tỳ-kheo đắc đạo. Tỳ-kheo không đắc đạo không thể hiện được Pháp thân Phật.

Kết luận

Đức Phật từ vô lượng kiếp trước tu hành đắc đạo, thành tựu viên mãn phước đức trí tuệ, tạo nên Báo thân và Ngài dùng trí tuệ của Đấng Toàn giác chi phối, điều động các pháp, chuyển các pháp thành Pháp thân.

Pháp thân Phật hiện hữu trong thế giới Thường Tịch Quang, tức bản thể thanh tịnh hoàn toàn.

Từ Phật gốc là “Thể sáng suốt tuyệt đối” mới hiện ra “Diệu dụng”; đó là Phật hiện thân trên cuộc đời với những đức tánh trọn lành do tu hành từ vô lượng kiếp trước, gọi là yếu tố thành Phật đã đầy đủ. Từ đó mới cấu thành một sanh thân Phật với tướng toàn hảo, bốn tâm vô lượng, trí siêu xuất thế gian, tình thương đối với chúng sanh bao la vô bờ bến, sức khỏe không ai sánh bằng...

Những điều kiện thành Phật như vậy được ngài Trí Giả diễn tả là “Tùng bổn thùy tích”, nghĩa là Phật thật từ “Bổn” là gốc ở Tịch Quang chơn cảnh, hiện ra “Tích” là Phật sanh thân ở trên cuộc đời.

Và “Khai tích hiển bổn” là Đức Phật mượn sanh thân tu hành thành Phật để chỉ cho mọi người nhận ra Phật thật đã thành Phật từ lâu xa.

Trí Giả kết luận “Phế tích tồn bổn” là Phật sanh thân nhập diệt để Pháp thân Phật vĩnh hằng tồn tại. Vì nếu Đức Phật Thích Ca sống mãi, chúng ta chỉ biết có một Phật Thích Ca đó thôi.

Nhưng Đức Phật Thích Ca nhập diệt thì hiện ra Pháp thân Phật, nghĩa là ở đâu có tâm thành hướng về Phật thì ở đó liền có Đức Phật hiện hữu giáo hóa. Vì vậy giữ được Pháp thân Phật hằng hữu trong tâm trí chúng ta, thì Đức Phật không bao giờ nhập diệt.

Theo tinh thần vừa nói, ngài Nhật Liên dạy rằng đối với người tu Bổn môn Pháp hoa, Đức Phật không nhập diệt là phước đức và trí tuệ của Phật không nhập diệt, Pháp thân vĩnh hằng không nhập diệt. Nhờ đó, chúng ta nương theo Phật Pháp thân bất sanh bất diệt để tu hành, Ngài gia hộ cho chúng ta. Và được như vậy là người đó có nhân duyên đắc độ với Đức Phật, là người giữ gìn ngọn đèn Chánh pháp mãi mãi hiện hữu sáng ngời để soi đường dẫn lối cho nhân loại ra khỏi đường hiểm sinh tử đến bến bờ giải thoát vĩnh hằng bất tử đồng với Đức Phật vậy.

Theo dấu chân Phật, tất yếu chúng ta phải từng bước nuôi lớn Báo thân và Pháp thân của chính mình. Trên bước đường tu, cần sử dụng những phương tiện của Đức Phật tương ưng với mình để tiến tu, phát huy đầy đủ phước đức trí tuệ, thành tựu được cho mình Báo thân viên mãn, tức trọn vẹn hạnh Bồ-tát. Cuối cùng, chuyển đổi được hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn là có được Pháp thân bất sanh bất diệt, vĩnh hằng giống như Đức Phật, không khác.

Đó là mục đích mà Đức Phật thị hiện sanh thân trong thế giới loài người của chúng ta, kinh gọi là khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến và đó cũng là mục tiêu của tất cả người con Phật muốn đạt được trên lộ trình thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Riêng tôi, nhờ nương pháp phương tiện của Đức Phật tu hành, hoàn cảnh lần đổi khác một cách tốt đẹp vô cùng và tôi được Phật hộ niệm, bổ xứ cho làm một số việc, thành tựu một ít Phật sự. Vì vậy, tôi rất tâm đắc lời tâm sự của Xá Lợi Phất bộc bạch với Đức Phật rằng dù đầu đội và hai vai cõng vác Phật, cũng không bao giờ đền đáp được công ơn vô bờ bến của Đức Thế Tôn.

Tin cùng chuyên mục