Đức Phật đã và đang đem lòng che chở cho tất cả các thầy trong giáo đoàn khất sĩ, và người rất kiên nhẫn trong việc giảng dạy và hóa độ. Có thầy tu không thành công, ra đời tới sáu lần mà đến khi hồi đầu, đức Phật cũng cho phép trở lại giáo đoàn một lần nữa. Có những vị thiếu thông minh đến nỗi học hoài mà cũng không thuộc được mười sáu phép thở, vậy mà người vẫn tiếp tục vỗ về và khuyến khích.
Bốn sự từ bỏ cao thượng của Đức Phật
Hồi đó, tại tu viện Jetavana, có một thầy tên Bhaddali. Thầy Bhaddali có những khuyết điểm mà đức Phật biết, nhưng người cố tình làm lơ để tạo cho thầy một cơ hội để chuyển hóa. Thầy không theo kịp đại chúng trong việc chấp tri những quy luật của tu viện. Phép tắc của tu viện có điều khoản là khi thọ trai, vị khất sĩ chỉ ngồi một lần cho đến khi ăn xong bữa cơm mà không được đứng dậy để lấy thêm thức ăn hoặc làm những việc khác. Đó gọi là phép nhất tọa thực. Tuy nhiên, thầy Bhaddali không làm như vậy được, và sống trong đại chúng, thầy thường gây ra những phiền nhiễu cho người khác.
Phật có gọi thầy lên nhiều lần và dạy thầy phép tự hỏi câu hỏi: “Tôi phải làm gì để cho đại chúng hoan hỷ?” mỗi sáng mai. Vậy mà mấy tháng sau, thầy vẫn chưa thành công. Trong đại chúng có những thầy không đủ kiên nhẫn và có khi nói nặng thầy. Biết vậy, có hôm đức Phật dạy đại chúng:
– Các vị khất sĩ, mọi cá nhân trong tăng đoàn dù có những khuyết điểm trầm trọng, nhưng thế nào trong con người ấy vẫn còn lại một ít hạt giống của niềm tin và tình thương. Chúng ta phải cư xử với vị ấy như thế nào để những hạt giống của niềm tin và tình thương còn lại trong người ấy không bị hoàn toàn tiêu diệt. Ví dụ có một người kia vì bất hạnh mà mù một con mắt, và chỉ còn một con mắt. Bà con và những người thân thuộc của người này cố nhiên sẽ tìm cách giúp đỡ và bảo vệ con mắt còn lại kia, vì biết rằng con mắt kia mà mù nữa thì không còn gì là tương lai nữa. Vậy thì các vị khất sĩ, các vị hãy giúp bảo vệ những hạt giống đức tin và tình thương còn lại nơi người đồng đạo bằng cách đối xử dễ thương với người ấy.
Hôm ấy, thầy Svastika có mặt. Thầy rất cảm động vì thái độ và tình thương của Đức Phật. Thầy ngửng lên thì thấy thầy Ananda đưa tay lau nước mắt, thì ra thầy Ananda cũng cảm động như thầy. Đức Phật tuy là một người rất ngọt ngào, nhưng có khi người cũng rất nghiêm khắc và cũng từng sử dụng những lời quở trách rất thẳng thắn và rất quyết liệt.
Người nào mà đức Phật không độ được hoặc chưa độ được quả thật là người không có tương lai.
Ngày xưa, thầy Svastika đã có dịp thấy và nghe đức Phật quở trách và dạy dỗ thầy Rahula, và thầy cũng đã từng thấy đức
Phật trách dạy một vài thầy khác. Bây giờ thầy thấy được sau hành động quở trách và la dạy ấy cả một tình thương đằm thắm. Thầy Svastika biết đức Phật rất thương thầy dù đức Phật chưa nói ra điều đó thành lời, nhưng chỉ cần nhìn vào mắt người là thầy thấy rõ điều đó.