Thân tứ đại vốn chịu sự chi phối của quy luật vô thường, nên có thân là có bệnh. Người nào dù mạnh khỏe đến đâu rồi cũng đến lúc bệnh hoạn, ốm đau. Những cảm thọ đau đớn về thân, ít nhiều cũng tác động đến tâm. Thân không khỏe, sẽ kéo theo tâm không an ổn. Bệnh khổ là một trong các nội dung của khổ đế.
Đức Phật do hiểu rõ tâm trạng bệnh khổ nên rất quan tâm và thường nhắc nhở tứ chúng đệ tử phát tâm chăm sóc người bệnh. Người đã dạy rằng: săn sóc người bệnh tức là đã săn sóc Ta không khác. Các Thầy sẽ luôn luôn được phước đức lớn. Như vậy, này các Tỳ-kheo, nên học điều này. (Kinh Tăng nhất A-hàm).
Chính Người đã tự tay chăm sóc một vị Tỳ kheo già yếu, bệnh tật. Đó cũng là nhân duyên để Phật khuyến tấn các vị xuất gia rằng:
Sở dĩ Như Lai xuất hiện ở đời là vì những người khổ đau, không ai giúp đỡ này. Cúng dường cho sa-môn, đạo sĩ bệnh hoạn và người già cô độc, nghèo khó thì sẽ được phước vô lượng, sở nguyện như ý. Ví như nước năm sông chảy vào biển cả, phước này cũng nhiều như thế. Nhờ đó, công đức từ từ viên mãn và có thể đắc đạo. (Kinh Tăng nhất A-hàm)
Phật cũng dạy các vị Tỳ kheo:
Các thầy sở dĩ xuất gia đồng một Thầy, hòa hợp như nước sữa, mà không chăm nom lẫn nhau. Từ nay về sau nên lần lượt chăm sóc thăm nom nhau. Nếu Tỳ-kheo bệnh không có đệ tử, trong chúng nên cử người lần lượt làm khán bệnh. Vì sao? Ngoài việc này ra, không thấy có việc gì hơn phước của người chăm sóc bệnh. (Kinh Tăng nhất A-hàm)
Như vậy, theo lời Phật dạy, có thể khẳng định rằng: chăm sóc cho người đau bệnh là công đức không thể nghĩ bàn !
Trên thực tế, xưa cũng như nay, trong các Tăng đoàn, đã xuất hiện các vị xuất gia phát tâm lo lắng, chăm sóc cho huynh đệ những khi đau bệnh, không nệ khó khăn, không quản nhọc nhằn. Quý Ngài đã làm đúng những lời nhắc nhở của đức Thế Tôn khi xưa. Thật đáng trân trọng biết bao!
Việc tiếp theo là nên chăm sóc người bệnh bằng tâm nào, bằng những việc làm nào? Đức Phật đã nói về cách săn sóc bệnh nhân nhằm giúp mình và người đều được phước báo như thế nào ?
Trong chương Năm Pháp, Phẩm Bệnh (IV) thuộc Kinh Tăng chi bộ, kinh số 124, Săn Sóc Bệnh (2), Đức Phật dạy:
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?
1.Có năng lực pha thuốc.
2. Biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng; đưa cái gì thích đáng, không đưa cái gì không thích đáng.
3.Vì lòng từ săn sóc người bệnh, không vì lợi ích vật chất.
4. Không cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đờm.
5.Có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh.
Nuôi bệnh, trước hết cần có cái tâm thương người. Ngoài ra, bên cạnh việc hiểu và thương, người nuôi bệnh cần có những kỹ năng săn sóc thân thể và chăm dưỡng tinh thần, giúp bệnh nhân thân tâm đều thoải mái thì mới mau lành. Đó là những nội dung chính trong đoạn kinh văn trên.
Trong lời thề Hypocrat của sinh viên y khoa, có những điểm tương đồng với những lời dạy ấy của đức Phật, cụ thể ở hai nội dung sau:
- Coi nghề thầy thuốc mà tôi đã tự chọn như một con đường cứu người và giúp đời, chứ không xem như một phương tiện thương mại.
- Vì tôn trọng sinh mạng của người bệnh và tư tưởng cao đẹp của nghề thầy thuốc, tôi sẽ phải học hỏi và nghiên cứu trọn đời.
Như vậy, dễ nhận thấy rằng, nếu quán chiếu sâu sắc những lời Phật dạy, thì đó cũng chính là y đức, là kim chỉ nam cho người thầy thuốc khi thực hiện thiên chức cao quý của một lương y. Giữ tâm trong sáng, hy sinh, phục vụ người bệnh. Không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, để có thể làm tất cả, trong khả năng của mình, giành giật sự sống cho người bệnh.
Trong lịch sử ngành y , đã xuất hiện rất nhiều những y bác sĩ không những giỏi về chuyên môn, mà còn sáng ngời bởi tâm hy sinh, phụng sự.
Trong những ngày mà cơn bão đại dịch Covid-19 hoành hành, đội ngũ y bác sĩ của cả nước đã lao vào cuộc chiến chống dịch với tinh thần của những chiến sĩ quả cảm, thông minh, gan dạ. Nói theo cách nói của nhà Phật, họ đã sống và làm việc bằng tâm- tuệ- đức, bằng tinh thần vô úy thí.
Ở một mức độ nhất định, sự hy sinh của những y bác sĩ cũng là biểu hiện của bố thí nội tài, một pháp thí đòi hỏi sự xả ly thân mạng, chỉ có được ở những người có tâm từ rộng lớn. Trong khi, nhìn từ góc độ thế gian, bản thân người thầy thuốc chính là vốn quí của gia đình và xã hội.
Cũng từ đó, càng thấm thía hơn những lời Phật dạy về tính nhân văn của việc chăm sóc người bệnh, để phần nào xoa dịu nỗi đau của con người bởi bệnh khổ, điều mà ai trong cuộc đời, cũng phải đối mặt.