"Đời người như một giấc mơ,
Trăm năm nào khác cuộc cờ đổi thay."
Quả đúng vậy! So với không gian vô cùng và vũ trụ vô tận, đời người không dài hơn một giấc mơ hay một cuộc cờ. Với bao chìm nổi lênh đênh, với bao tranh đua hơn thiệt, gẫm lại rồi đời người còn nhanh hơn bóng câu qua cửa sổ hay ánh điển chớp trong con vầng vũ…
Thế mà ít ai trong chúng ta chịu chấp nhận những gì mình đang có. Ngược lại, chúng ta cứ mãi đi tìm, lắm khi tìm cái gì mình cũng không biết, lắm khi chưa tìm được cái nầy thì đã mất cái kia. Thật sự chúng ta đang đi tìm cái gì đây hở quý vị? Tiền tài vật chất cũng cần cho cuộc sống, nhưng chúng không phải là cứu cánh của cuộc đời. Gia đình cha mẹ, vợ con, anh chị em… nếu chưa đủ duyên xuất gia tu giải thoát thì người con Phật tại gia vẫn phải lập gia đình và mưu cầu hạnh phúc tại gia.
Tuy nhiên, người biết đạo không bị đắm chìm trong cuộc sống, không chạy đua theo xa hoa, không bước đi bằng những bước trĩu nặng của khổ não ưu phiền. Con người ấy vẫn lo cho gia đình, nhưng không xem bổn phận và trách nhiệm của mình đối với gia đình là gánh nặng. Con người ấy vẫn đi thẳng vào đời, nhưng không quên lời Phật dạy, vẫn có hạnh phúc gia đình, nhưng không quên hạnh phúc tâm linh. Con người ấy vẫn biết thưởng thức ánh nắng ấm của mùa Xuân, nhưng không than vãn về sự oi bức của mùa Hè. Con người ấy luôn trân quý vẻ đẹp của mùa Thu, nhưng không hất hủi và trốn chạy sương Đông lạnh lẻo.
Đức Phật đã giúp cho con người mưu tìm hạnh phúc bằng cách vừa hạn chế bớt sự trôi chảy của dòng tâm thức, vừa không khơi dậy những gì đã được nằm yên trong tiềm thức.
Đức Phật đã giúp cho con người mưu tìm hạnh phúc bằng cách vừa hạn chế bớt sự trôi chảy của dòng tâm thức, vừa không khơi dậy những gì đã được nằm yên trong tiềm thức.
Hạnh phúc đời người theo quan điểm của Đạo Phật thật đơn giản và thực tế, chứ không phức tạp mơ hồ. Hạnh phúc ấy nằm ngay trong tầm tay của mỗi chúng ta chứ không do ai mặc khải hay ban bố. Người con Phật đi vào đời bằng những bước chân của chính mình, bằng cách dẫm đạp lên những chông gai thử thách để tìm hạnh phúc đích thực cho tâm linh. Con đường đi đến chân thiện mỹ của người con Phật phải được xây dựng bằng năng lực và sức phấn đấu của tự thân.
Tuy nhiên, điểm tối quan trọng trong đạo Phật là hạnh phúc phải được xây dựng bằng chất liệu “tình thương” đúng theo tinh thần từ bi hỉ xả của nhà Phật. Ngoài chất liệu ấy ra, không còn một chất liệu nào khác được chấp nhận trong đạo Phật. Vì nếu không khéo, rất có thể chỉ vì hạnh phúc của mình mà mình nỡ nhẫn tâm dẫm đạp lên sự đau khổ và ngay cả sinh mạng của tha nhân. Người con Phật luôn xây dựng hạnh phúc bằng hạnh nguyện độ sanh và luôn cố gắng làm đẹp đạo tốt đời. Thật tình mà nói, Niết Bàn hay Thiên Đàng chỉ là những danh từ trừu tượng rỗng không nếu chúng ta không thực nghiệm được chúng ngay trong đời nầy kiếp nầy.
Với đạo “Phật Sống,” Niết Bàn là đây nếu người con Phật biết xây dựng hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình, cũng như biết góp công góp sức xây dựng một xã hội đạo đức lành mạnh. Lúc Phật còn tại thế, trong một chuyến quá duyên khất thực qua một xóm Bà La Môn, một vị Bà la Môn đã hỏi Phật vì sao mà cuộc sống của Phật và Tăng đoàn đơn giản và đạm bạc, nhưng trông Phật và quý thầy lúc nào cũng tự tại và an lạc thế nầy? Phật đã trả lời vị Bà La Môn rằng: “Sở dĩ chúng tôi luôn an lạc và tự tại là vì chúng tôi chỉ một bề sống tu với những gì chúng tôi đang có trong hiện tại. Chúng tôi không buồn lo hối tiếc cho quá khứ, cũng như không thắc mắc gì đến tương lai.”
Bài pháp ngắn của Phật hàm ý cả một bí quyết sống thành công và hạnh phúc cho những người con Phât hậu bối sau nầy. Tại sao nhiều lần bị vặn hỏi về vũ trụ và nguồn gốc con người thì Phật lại từ chối không trả lời? Tại sao Phật lại không chịu nói hết cho chúng sanh những gì Ngài liễu ngộ? Một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác như Phật, một bậc tinh thông thiên địa như Ngài, không phải Ngài không có câu trả lời.
Tuy nhiên, Ngài biết rằng dù Ngài có nói đi nữa thì cũng bằng thừa, vì chúng sanh căn tánh ám độn mà lại muốn đi tìm biết những chuyện viễn vông. Tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng còn đầy mà đòi nghe đòi biết Niết Bàn, làm gì có lẽ ấy? Chúng ta như người đang bị trúng tên độc, đã u mê không chịu nhổ tên ra, mà còn lải nhải muốn tìm biết coi ai đã bắn mũi tên nầy, tên làm bằng chất gì và chất độc gồm những chất gì, vân vân và vân vân. Thật là tội nghiệp cho chúng ta quá quý vị ơi!
Lúc Phật còn tại thế, Ngài đã từng nhắn nhủ với tứ chúng rằng: “Dù xuất gia hay tại gia, mục đích của người tu Phật phải là chuyển mê khai ngộ và ly khổ đắc lạc.” Vấn đề ở đây là làm sao chuyển mê khai ngộ và ly khổ đắc lạc? Đến chùa tụng kinh niệm Phật chăng? Tọa thiền để minh sát thân tâm chăng? Tìm đọc giáo lý và học thuộc những lời Phật dạy chăng? Tất cả chỉ là một phần của vế đầu trong tiến trình tu tập giải thoát. Phần chính trong tiến trình ấy vẫn chính là tự thân thực nghiệm những lời Phật dạy. Người con Phật nên luôn mang lời Phật dạy mà áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, nên luôn sống đời phạm hạnh. Dù xuất gia hay tại gia, mực thước của cuộc sống hạnh phúc vẫn là đời sống phạm hạnh.
Hãy nhìn vào tấm gương rạng ngời của Đấng Cha Lành thì chúng ta sẽ thấy, Phật có gì ngoài tam y bá nạp, một que cây làm gậy và một bình bát bể, thế nhưng tại sao lúc nào Ngài cũng an lạc và tự tại? Cuộc sống phạm hạnh của Ngài là một câu trả lời sống thực nhứt cho những đứa con hậu bối của Ngài. Trong suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh, đã có mấy lần Phật bàn luận với tứ chúng về Niết Bàn? Vâng mục đích tối hậu của đạo Phật là chứng ngộ Niết Bàn, nhưng Phật biết quá rõ căn tánh của chúng sanh muôn loài nên Ngài luôn dạy mọi người nên “đem vui cứu khổ.”
Mà thật vậy, nếu mọi người đều vâng giữ lời Phật dạy, đem vui cứu khổ thì hiện đời sẽ an lạc và hạnh phúc. Mà hiện đời an lạc và hạnh phúc thì cuộc đời nối tiếp sẽ là gì nếu không là an lạc và hạnh phúc? Đồng ý tiền tài vật chất rất cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, có tiền của mà ích kỷ bỏn xẻn, có ít lại muốn có nhiều, có nhiều lại muốn nhiều thêm… kẻ đó chỉ là những tên nô lệ cho tham lam chứ có ích gì cho sanh chúng?
Người con Phật thà chịu uống nước đồng sôi cho thịt nát thân tan, chứ quyết không làm nô lệ cho tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng. Người con Phật chơn thuần, nếu chưa dứt hẳn được những độc tố nầy thì ít ra chúng ta cũng phải ráng giữ sao cho thân khẩu ý được thanh sạch. Làm được như vậy là cuộc sống nầy cũng an lạc và hạnh phúc, cuộc tu nầy cũng tự tại lắm rồi vậy.
Muốn sống hạnh phúc, người con Phật không có con đường nào khác hơn là làm lành lánh dữ. Muốn không gây oán thù thì đừng giết hại hoặc làm não loạn ai. Muốn không rai rức ân hận thì đừng trộm cướp giựt dọc của ai. Muốn vợ chồng yên ấm tin yêu thì đừng tà hạnh với ai. Muốn được mọi người tin cẩn tín nhiệm thì đừng ăn nói quàng xiên, nói lời láo khoét, nói lưỡi hai chiều, hoặc nói lời đâm thọc. Muốn cho tinh thần linh mẫn thì đừng uống những chất cay độc…
Ngoài ra, đã mang danh con Phật, thì không thể chỉ lo riêng cho bản thân và gia đình mình, còn thì sống chết mặc ai. Cuộc sống hạnh phúc của Phật tử là biết tùy khả năng mình mà giúp đở họ hàng làng xóm những gì mình giúp được, từ tiền của vật chất đến khuyên lơn an ủi, hoặc nói lời chân thật thế nào cho người bớt sợ hãi, hoặc hướng dẫn cho họ sống theo lẽ đạo. Nhưng trên hết, muốn được cuộc sống hạnh phúc, người Phật tử phải thanh lọc tâm ý sao cho bớt đi những nhiễm ô của trần tục.
Trong Kinh Hạnh Phúc, Đức Phật đã dạy rõ ràng rằng không có gì hạnh phúc cho bằng sống với tâm hồn yên tịnh. Đạo Phật là đạo hướng về “Tâm,” như vậy người con Phật muốn sống đúng theo lẽ đạo cũng phải hướng về “tâm” mà sống. Thật vậy, tâm hồn có thanh sạch thì thân thể nầy mới mạnh khỏe và cuộc sống nầy mới yên vui hạnh phúc được. Tâm người nào không vướng víu vào tham lam, ích kỷ, sân hận, si mê thì cuộc sống của người đó là một chuỗi dài yên vui hạnh phúc. Người con Phật phải luôn nhìn vào gương hạnh sống tu của Đức Từ Phụ để cố mà noi theo gương từ bi hỉ xả, bình đẳng vị tha, từ đó đem áp dụng vào cuộc sống cuộc tu hằng ngày của chính mình. Dù biết rằng trên đời nầy khó kiếm được ai có thể hành xử y như Phật Tổ; tuy nhiên, muốn có một cuộc sống hạnh phúc, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tu tập theo những đức tính nhẫn nhục và sống đời phạm hạnh của Ngài. Làm được như vậy, dù chưa giải thoát rốt ráo, hay chưa vượt thoát khỏi kiếp người, nhưng ít ra cuộc sống nầy cũng hài hòa, an lạc, tự tại và hạnh phúc lắm rồi vậy, chứ không còn sống say chết mộng, hoặc xây lâu đài trên cát nữa.
Người con Phật nên luôn nhớ rằng nền tảng giáo lý của đạo Phật không dựa vào huyền thuyết, tâm linh con người không bất biến, mà cũng không được cải biến từ tha lực. Theo đạo Phật, tâm linh của chúng sanh, đặc biệt là tâm linh của con người, là một sự trôi chảy liên tục của tâm thức và tiềm thức. Đây chính là mấu chốt trong việc mưu cầu hạnh phúc của nhân loại. Đức Phật đã giúp cho con người mưu tìm hạnh phúc bằng cách vừa hạn chế bớt sự trôi chảy của dòng tâm thức, vừa không khơi dậy những gì đã được nằm yên trong tiềm thức. Ngài đã nói rõ với tứ chúng rằng: “Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa tới. Hãy sống cho thật trọn vẹn với những giây phút mà mình đang có. Đó mới đích thực là một cuộc sống hạnh phúc !”
Như vậy, chừng nào mà con người chưa kiểm soát được sư trôi chảy của tâm thức cũng như sự khơi dậy của tiềm thức, chừng đó con người chưa thật sự có được hạnh phúc. Nền văn minh vật chất hiện tại có khả năng đưa con người đến được những tinh cầu xa xôi, có khả năng làm cho đời sống con người tiện nghi và thoải mái hơn, nhưng nền văn minh nầy sẽ không góp được phần nào cho hạnh phúc của nhân loại vì nó luôn thôi thúc lòng tham bất tận của con người. Chỉ có tự thân thực nghiệm theo giáo lý Phật Đà, vừa tu tập tâm thức, vừa rèn luyện trí thức, vừa thúc liễm thân tâm mới mong có được cuộc sống hạnh phúc thật sự.
Khi nói đời là bể khổ, Đức Phật không chủ trương chối bỏ đời hay bi quan hóa thế nhân. Ngược lại, Ngài chỉ muốn nói lên sự thật, Ngài chỉ muốn dóng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh mọi người về thực chất của cuộc đời, liền theo đó Ngài bèn hướng dẫn cho chúng ta phương cách diệt khổ để đạt được hạnh phúc tương đối trong cuộc sống cho những ai chưa đủ duyên xuất gia. Riêng đối với những ai đã đủ cơ duyên xuất gia thì Ngài lại chỉ cho phương cách mưu tìm hạnh phúc tuyệt đối và miên viễn.
Trong Kinh Hạnh Phúc, Đức Phật đã chỉ dạy rõ ràng rằng trong tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật, chúng ta có thể gom về một mối: khổ hay bất toại nguyện. Đầu dây mối nhợ của cuộc sống hạnh phúc là đây. Khi biết rằng khổ đau là không hạnh phúc, bất toại nguyện là không hạnh phúc thì người con Phật đã tìm ra một nửa đáp số cho vấn đề rồi, phần còn lại là làm sao cho không khổ, làm sao để không còn bị hệ lụy bởi bất toại nguyện nữa là hạnh phúc. Kỳ thật bất toại nguyện chỉ là một trạng thái xung đột giữa ý muốn của ta và những diễn biến xãy ra trong đời sống hằng ngày. Mà ý muốn của ta là gì nếu không là sự kết hợp của tiềm thức và tâm thức?
Giả dụ như chúng ta muốn có một cái áo màu xanh lá cây, không tự nhiên mà ta lại muốn như vậy. Trong một quá khứ nào đó, màu xanh lá cây đã được tiềm thức chứa chấp, bây giờ tiềm thức cho ta xem lại cuốn phim xưa, nhắc ta nhớ đến một màu “xanh lá cây” thân thương nào đó. Trong khi tâm thức là những suy nghĩ liên tục, được sự hổ trợ của tiềm thức, tạo thành ý muốn của chúng ta. Theo Phật, muốn giải quyết vấn đề “cầu bất đắc” nầy, người tu theo Phật phải bằng mọi cách kiểm soát và chế ngự cho bằng được cuộc xung đột nầy. Đây là cuộc chiến khó khăn nhứt trong mọi cuộc chiến vì chính Đức Phật đã khẳng quyết rằng chiến thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng lấy mình.
Tuy nhiên, dù muốn hay không muốn, người con Phật phải tự tâm kiên cố chận đứng ngay những cuốn phim quay lại của tiềm thức hầu loại bỏ hết mọi tư niệm luyến ái, tham cầu… Màu “xanh lá cây” có thể rất thân thương trong một quá khứ mà mình chưa biết “đạo,” nhưng bây giờ đã khác. Bây giờ chúng ta đã biết đạo, đã có Phật, Pháp, Tăng làm Tam Bảo dẫn đường, không cớ gì để cho tiềm thức tiếp tục khống chế và hành hạ ta nữa. Người con Phật nên nhìn lại bản thân mình, nên sống một cuộc sống thật đáng sống. Làm việc gì cũng nên suy đi nghĩ lại về hậu quả của nó.
Con người chúng ta hơn vạn sự vạn vật ở chỗ chúng ta biết suy tưởng. Nếu chúng ta không dùng cái khả năng “suy tưởng” ấy, hóa ra chúng ta tự đồng hóa mình với những vật “vô tri vô giác” hay sao ? Tuy nhiên, người con Phật chơn thuần chỉ dùng khả năng suy tưởng của mình cho “hạnh phúc” và “chân lý” chứ không dùng nó để du hành vào những giấc mộng không tưởng, để rồi hết đời nầy đến kiếp khác, lúc nào chúng ta cũng sống say chết mộng.
Tóm lại, đạo Phật chính là con đường và là con đường duy nhứt đưa đến diệt khổ. Đạo Phật chính là lối sống thực tiễn, chứ không là một triết thuyết để cho người đời học hỏi suông. Ngày xưa Châu Lợi Bàn Đà Già không có khả năng nhớ đến hai chữ “chữu, tảo,” thế nhưng Ngài vẫn giải thoát ngay trong hiện đời của Ngài. Tại sao vậy? Tại vì Ngài chỉ một lòng hành trì những gì Phật dạy, chứ không dong ruổi đó đây “hí luận biện giải.” Ngài y cứ theo lời Phật dạy, bỏ hết tâm trí nhìn vào tờ giấy lúc còn trắng tinh nguyên, đến lúc ngả màu vàng lợt, rồi vàng đậm, rồi màu nâu, rồi đen, rồi hoại diệt…
Thế là Ngài liễu ngộ lý vô thường và bất tịnh của vạn sự vạn vật ngay khi quan sát sự hoại diệt của tờ giấy. Cũng từ đó Ngài liễu ngộ được “hạnh phúc chân thật” nơi chính con người của Ngài. Mới hôm nào tờ giấy còn trắng tinh nguyên, còn được sự ưa thích của mọi người, mà hôm nay giấy đã hoại diệt và không còn được ai ngó ngàng tới nữa! Đời con người ta gẫm lại có hơn chi tờ giấy nầy đâu thưa quý vị? Mới hôm nào đây tóc đen da thẳng, mà hôm nay tóc bạc da nhăn. Mới hôm nào đây mắt sáng tai tinh, mà hôm nay mắt mờ tai điếc. Mới hôm nào đây thân thể hồng hào tráng kiện, mà hôm nay thân thể xanh xao bịnh hoạn.
Còn nhiều thứ làm cho chúng ta chợt nhớ về “mới hôm nào” lắm quý vị ạ! Không ai trong chúng ta có thể kham nổi sự dong ruổi của “tâm thức” và sự khơi dậy của “tiềm thức” đâu quý vị ơi! Xin hãy quay ngay về lời Phật dạy để thấy rằng sống trong cuộc đời vô thường, bất tịnh, vô ngã, và khổ đau nầy, mà bớt hệ lụy bởi vô thường, bất tịnh và vô ngã thì cuộc sống nầy là an tịnh và hạnh phúc hơn. Đừng tưởng rằng đạo Phật chủ trương bi quan yếm thế khi Phật nói rằng đời là biển khổ của dục vọng. Khi nói như vậy Phật muốn nhắc nhở con người rằng ngoài dục vọng ra, con người còn có nhiều thứ khác cao siêu và thanh thoát hơn dục vọng nhiều.
Thật vậy, Phật đã từng khẳng định một khi những mê mờ của dục vọng bị xóa tan thì trí huệ hiển lộ, mà trí huệ càng tăng thì sức công phá dục vọng càng mãnh liệt, từ đó tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng cũng bị đẩy lùi dần, do đó mà cuộc sống nầy trở nên tươi đẹp và hạnh phúc hơn. Hạnh phúc đời người theo quan điểm đạo Phật là đây, chứ không siêu hình huyễn ảo. Tuy nhiên, bản chất cố hữu của giáo lý nhà Phật vẫn là nói dễ khó làm. Con đường trước mặt của những người tu theo Phật hãy còn chông gai và hãy còn dài. Người con Phật phải cố gắng hết sức mình để cho dù chưa là giải thoát rốt ráo, cuộc sống nầy đã là an lạc và hạnh phúc lắm rồi vậy. Mong lắm thay!!!