Muốn giúp người thì phải tốn tiền, muốn giữ giới thì phải chịu giảm sức khỏe, bớt vui chơi lại... Phải thiệt thòi thì mới giữ được giới và tạo được các công đức, bắt buộc như vậy. Đừng than rằng : “ Tại sao tôi làm phước cả năm rồi mà mua vé số mãi vẫn không trúng?” Nói như vậy nghĩa là ta không thật tâm làm phước mà chỉ xem đó như việc kinh doanh lời lãi mà thôi.
Nên ta thấy nhiều người đến cúng chùa nải chuối, cho người mấy bao gạo, vài trăm nghìn... rồi chờ may mắn đến với mình thì có thể khẳng định họ không hề làm phước chút nào. Vì họ hoàn toàn không có lòng thương người, thẳm sâu trong tâm họ vẫn là ích kỷ tham lam, không có lòng từ thật sự.
Hãy hiểu rằng nếu bản thân mình không chịu chấp nhận thiệt thòi thì làm sao tạo phước được.
Còn người thật tâm tạo phước thì luôn chấp nhận thiệt thòi để giúp người, thương người, không mong cầu quả báo cho mình. Họ chấp nhận hao tốn, thậm chí chấp nhận mất luôn cả sinh mạng của mình, như thế mới là làm phước.
Có người nhảy xuống sông cứu được những người bạn đang chơi với giữa dòng nước xoáy, đến khi đưa được người thứ năm vào bờ thì chính mình cũng đuối sức bị dòng nước cuốn phăng đi. Ta thắc mắc rằng tại sao nhân quả kỳ lạ như vậy, sao cứu người mà chính mình phải mất mạng?
Hãy hiểu rằng nếu bản thân mình không chịu chấp nhận thiệt thòi thì làm sao tạo phước được. Phải thiệt thòi mới giữ được giới, phải thiệt thòi mới giúp được người. Còn quả báo sẽ trổ ra vào thời điểm khác, có khi phải đến tận đời sau chứ không thể thấy ngay kiếp này được. Nên việc cứu người rồi phải hy sinh tính mạng của mình là chuyện bình thường, giữ giới rồi phải hao bớt sức khỏe là chuyện bình thường, chúng ta phải chấp nhận.”