Đức Phật là bậc tinh thông ngôn ngữ và biện tài vô ngại

Đức Phật là bậc tinh thông ngôn ngữ và biện tài vô ngại

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ðọc Kinh Phật càng nhiều chúng ta càng cảm thấy giống như vua Càn Long, một ông vua nổi tiếng của Trung quốc nói: “Những lời hay trên đời này Ðức Phật nói hết rồi”. Kinh Phật tuy bao la rộng lớn, nhưng nếu chúng ta chỉ cần hiểu rõ vài nguyên tắc, có thể cả đời hưởng cũng không hết lợi ích của nó.

Một vị Thầy giỏi, một vị Giáo sư tốt, phải giỏi về vận dụng ngôn ngữ, đồng thời đem những quan niệm mà mình muốn trình bày, biểu đạt một cách rõ ràng. Trong đó có hai nguyên tắc gần như rất quan trọng: Nguyên tắc thứ nhất là: “Thâm nhập giả thiển xuất”, nghĩa là khi nội dung tài liệu giảng dạy rất sâu, Thầy giáo nên dùng văn tự đơn giản dễ hiểu để diễn đạt nội dung đó, có như vậy học trò mới có thể hiểu rõ những khái niệm phức tạp một cách sâu sắc. Nếu không thì, dùng những văn tự sâu xa khó hiểu để giải thích những nghĩa lý khó hiểu sâu xa, như vậy có học trò nào hiểu đây?

Nguyên tắc thứ hai là: “Thiển nhập giả thâm xuất”, nghĩa là khi nội dung giảng dạy đơn giản và dễ hiểu, Thầy giáo nên phát huy vận dụng hàm ý của nội dung này nhiều một chút, sâu một chút, để giúp học sinh có thể đạt được những khái niệm mới. Vì nội dung giáo tài đơn giản dễ hiểu nên mỗi học sinh đều hiểu hết, nếu Thầy giáo lại dùng văn tự đơn giản, giải thích nội dung một cách rất bình thường, học trò sẽ không chăm chú nghe, hoặc ngủ gật trong giờ học. Nhưng Thầy giáo cũng không nên phát huy nghĩa lý của giáo tài quá sâu, vượt ngoài tầm hiểu biết của học sinh, học sinh không cách nào hiểu được những gì Thầy nói, như vậy chẳng phải uổng phí công sức một cách vô ích sao?

Theo kinh Phật ghi rằng, bất cứ khái niệm nào, Ðức Phật không những biểu đạt rất sinh động, mà âm thanh rất rõ ràng, người ở xa cũng có thể nghe thấy. Ngài còn tinh thông nhiều ngôn ngữ địa phương, cho nên mỗi một đệ tử nghe xong đều cảm thấy rất thân thiết.

Ví dụ như, kinh Pháp Hoa, phẩm Ðề-bà-đạt-đa nói rằng, Ðức Phật giỏi về trình bày chân tướng cứu cánh của các sự vật, khiến cho đệ tử đạt được trí tuệ một cách rất nhanh.

Phẩm Thí Dụ kinh Pháp Hoa nói rằng, Ðức Phật có thể diễn thuyết chân lý một cách thao thao bất tuyệt khiến cho người nghe cảm thấy an lạc, nhẹ nhàng. Phàm những ai nghe Phật thuyết pháp, nghi hoặc của người đó bỗng nhiên không còn nữa, đồng thời cảm nhận được niềm hoan hỷ, vui vẻ mà trước đây chưa từng có.

Ðức Phật không những giỏi về các tiếng địa phương, mà còn khuyến khích đệ tử nên học nhiều ngôn ngữ thực dụng, và dùng những ngôn ngữ đó nghiên cứu chân lý, truyền bá Phật pháp.

Tài nói chuyện của Phật thật là tuyệt, Ngài đã từng biện luận rất nhiều, thuyết phục được sự kiêu mạn của ngoại đạo, phá trừ được tà kiến của ngoại đạo. Ngài đã từng dạy đệ tử nên tư duy hợp lý, chặt chẽ để giải quyết vấn đề, đồng thời khéo dùng biện tài để bảo vệ chân lý mà không làm tổn thương đến người khác. Nhưng Phật gợi ý cho học trò phải tinh tấn, nỗ lực bồi dưỡng tâm lương thiện và hành động sáng suốt, không nên tùy tiện biện luận với người khác. Vì tâm lương thiện và hành động sáng suốt mới là con đường hay nhất, tốt nhất cảm hóa chúng sanh tà kiến. Vì biện luận không thỏa đáng, rất dễ gây ra mất hòa khí và mang đến những phiền não vô nghĩa. Do đó Ðức Phật nghiêm cấm đệ tử tranh luận một cách vô ích, đồng thời nhắc nhở đệ tử hoằng dương chân lý, không được tự đề cao và chạy theo danh vọng. (Kinh Ðại Bảo Tích, quyển 1 và 2)

Kinh Niết Bàn, quyển 17 và kinh Nhân Vương quyển hạ, miêu tả Ðức Phật: (1) Dùng những câu hay ý đẹp một cách nhuần nhuyễn, tự tại. (2) Thông đạt nghĩa lý một cách vô ngại. (3) Dùng nhuần nhuyễn các ngôn ngữ địa phương. (4) Hoan hỷ vì chúng sanh mà thuyết pháp, đồng thời rất giỏi biện tài.

Phẩm Diệu Âm kinh Pháp Hoa nói rằng, Ðức Phật đạt được một loại thiền định rất vi diệu, gọi là “giải nhất thiết chúng sanh ngữ ngôn tam muội”, cho nên Ngài có thể thông đạt tất cả ngôn ngữ của động vật.

Kinh Hiền Ngu, quyển 13 và kinh Luật Nhị Tướng, quyển 48 nói rằng: Có một lần, khi Ðức Phật thuyết pháp ở nước Ba-la-nại, trên không trung có 500 con chim nhạn nghe được âm thanh rất êm tai của Phật, bèn từ không trung bay xuống nghe Phật thuyết pháp, 500 chim nhạn này sau đó bị các thợ săn dùng lưới giăng bắt và ăn thịt, nhưng nhờ công đức nghe pháp mà được sanh về cõi trời Ðao lợi.

Kinh Bách Duyên ghi rằng: Khi Ðức Phật ở Kỳ viên khởi hành đến nước Ma-kiệt-đà giáo hóa chúng sanh, có một con chim anh vũ vương cùng bay lượn với những đàn chim trên không trung, hót ra những tiếng rất trong trẻo, tỏ ra sự vui vẻ hoan nghênh chào đón, Ðức Phật biết những đàn chim này đang mời Ngài đi, thế là Ðức Phật gật đầu với những đàn chim này để biểu thị hứa khả. Khi Ðức Phật dẫn đoàn đệ tử đến rừng Anh Vũ lâm, những đàn chim trong rừng đã chuẩn bị đón tiếp Phật và đệ tử của Ngài từ rất sớm. Chúng bố trí sân bãi cho Phật và đệ tử của Ngài rất đẹp, đồng thời chuẩn bị rất nhiều hương hoa và trái cây tươi, và những âm thanh chi chít của chúng xướng lên, lại phổ thành một ca khúc nghe rất êm tai. Ðây là niềm vui được động vật mời khách, hình như chỉ có bậc hiền nhân rất từ bi yêu thương động vật, mới có thể hưởng thọ được vậy!

Có điều khiến mọi người không thể nghĩ bàn là, trong kinh ghi rằng: Âm thanh và ngôn giáo của Phật có thể vang xa khắp nơi. Những người căn lành thuần thục rồi tuy ở xa nhưng vẫn nghe được, những người căn chưa thuần thục tuy ở gần nhưng vẫn nghe không thấu. Phật tùy theo tính hướng khác nhau của học trò mà cùng lúc diễn thuyết những chân lý khác nhau, khiến cho mỗi học trò nghe xong cảm thấy dường như Ðức Phật vì mình mà nói vậy. Phật không những có thể cùng một thời gian giảng nói nhiều pháp môn khác nhau, mà cũng có thể giảng một pháp môn, khiến cho đệ tử vì phát triển tâm trí mà lãnh thọ những điều lợi ích khác nhau. Quả thật quá kỳ diệu!

Ðức Phật có thể dùng biện tài vô ngại để diễn thuyết tất cả các pháp môn, nhưng Ngài không có chấp trước các thiện pháp. Vì tất cả pháp môn Phật giảng dạy đều vì hóa độ chúng sanh. Ngài tuy tùy duyên thị hiện thuyết pháp, nhưng bản thể của Ngài mãi mãi bất sanh bất diệt. Lấy một ví dụ như sau: tham ái, sân hận và vô minh giống như bụi trần, phàm phu giống như mặt gương bị bụi trần che lấp, nhưng Phật giống như một tấm gương sáng vậy. Vì Ngài đã đoạn trừ tất cả tham ái, sân hận và vô minh. Tấm gương vừa được lau chùi hết bụi trần, liền có tác dụng chiếu sáng. Những vật gì đến liền phản chiếu hình ảnh của vật đó, những vật đó đi rồi không còn lưu lại dấu vết gì.

Trí tuệ của Phật giống như tấm gương sáng, có thể tùy duyên thuyết pháp, tự do tự tại giáo hóa chúng sanh, không hề có bất kỳ một chướng ngại gì. Vì không có tham trước mới có thể vô ngại. Vừa có tham trước, tác dụng chiếu sáng của tâm trí sẽ bị che đậy, và cũng không cách nào khách quan được. Dù chấp trước thiện pháp hay chân lý cũng đều tạo thành tâm lý bất an, vướng mắc và trở thành chướng ngại cho sự gợi mở tâm trí. (Tư Ích Phạm Thiên Sở Vấn kinh)

Tất cả pháp môn Ðức Phật thuyết giảng, đều là phương tiện giúp chúng sanh giải thoát những khổ não, đạt được cuộc sống hạnh phúc an lạc. Pháp môn và chân lý giống như một con thuyền, giải thoát khổ não giống như đã qua được bên kia sông. Người chưa qua sông đương nhiên phải cần đến phương tiện, nhưng một khi đã qua đến bên kia bờ sông rồi, lẽ nào vẫn phải cõng chiếc thuyền để đi một cách rườm rà như vậy sao? (ví dụ cho người không nên chấp trước thiện pháp) Cho nên Phật dạy: Hành thiện và không chấp trước tướng thiện và tướng ngã, mới là cao thượng nhất. Thực hành tu tập thiện pháp giống như luyện tập bắn cung vậy, phải tập luyện đạt đến trình độ cầm cung lên, không cần hao tâm tổn sức ngắm mà có thể bách phát bách trúng, đây mới gọi là thực hành đến nơi đến chốn. Tu tập thiện pháp cũng vậy, cũng luyện tập đến mức không cần phí tâm trí, giúp đỡ người khác một cách tự nhiên, tự do tự tại mà không cảm thấy gì hết. (Kinh Ðại Bảo Tích)

Chân lý Ðức Phật dạy, chỉ là một phần nhỏ của vô số chân lý trong vũ trụ mà thôi. Nhưng thực hành theo lời của Phật cũng đủ để giải quyết tất cả những khốn khó của con người, thích hợp với mọi hoàn cảnh. Ðọc kinh Phật càng nhiều chúng ta càng cảm thấy giống như vua Càng Long, một ông vua nổi tiếng của Trung quốc nói: “Những lời hay trên đời này Ðức Phật nói hết rồi”. Vì tất cả trí tuệ, phẩm chất đạo đức cao thượng, những sự tích cảm động lòng người, những đạo lý đối nhân xử thế dường như không tách rời được những nguyên tắc nguyên lý mà Phật đã nói. Kinh Phật tuy bao la rộng lớn, nhưng nếu chúng ta chỉ cần hiểu rõ vài nguyên tắc, có thể cả đời hưởng cũng không hết lợi ích của nó.

Tin cùng chuyên mục