Có 3 việc cần phải suy ngẫm:
Thứ nhất là cuộc sống này cần có giá trị: để trở thành người có giá trị, theo đức Phật chúng ta hãy mở tâm từ bi, đóng góp, giúp đỡ, cứu người, hỗ trợ trong điều kiện khả năng cho phép của bản thân.
Làm việc đó phải xem đó là đang làm cho chính mình, bởi vì theo luật nhân quả, người nào làm thì người đó trực tiếp hưởng nhận được các thành quả, vấn đề là thời gian trổ quả có khi dài khi ngắn, khi vừa, hễ làm thì có, không làm thì các nguyện ước không thể nào thực hiện được.
Cho nên để trở thành người có giá trị, ngoài việc chúng ta giải quyết vấn đề cá nhân, gia đình, chúng ta cần phải tham gia các hoạt động mang tính lợi ích. Phát tâm làm, tình nguyện làm, làm những gì tốt nhất có thể không trì hoãn thời gian, không hẹn ước với tương lai.
Đạo Phật về bản chất không phải là một hệ thống tín ngưỡng giống như các tôn giáo khác, mà là triết lý sống, triết lý hành động, sống trên tỉnh thức, hành động thể hiện tâm từ bi.
Điều thứ hai là phải phát huy lý tưởng sống, trên nền tảng đạt được mục đich sống. Phần lớn người tại gia dừng lại ở mục đích sống, đó là giải quyết cơm áo gạo tiền qua một nghề ổn định, may mắn hơn qua một nghề làm giàu.
Còn đạo Phật cho rằng chỉ có nỗ lực chân chính là chúng ta đạt được mục đích sống, có được nghề ổn định, nếu chỉ dừng lại ở đó không thì cuộc sống sẽ tẻ nhạt, và không có nhiều ý nghĩa cho cuộc đời, mạng sống của một đời người có khi là thọ, có khi là yểu. Gía trị thật của đời người nằm ở chỗ chất lượng sống của chúng ta như thế nào, cho nên phải hướng đến lý tưởng sống, phải mở tâm mình ra và lý tưởng đó có nhiều cấp độ lý tưởng cho gia đình, lý tưởng cho cộng đồng cho quốc gia, lý tưởng cho toàn cầu. Ở các phạm vi tùy theo tâm lượng của mỗi người mà phạm vi phát triển lý tưởng lớn và vừa, nhưng tối thiểu cũng phải có lý tưởng vì tha nhân.
Điều thứ ba là vấn đề tu học Phật. Đạo Phật về bản chất không phải là một hệ thống tín ngưỡng giống như các tôn giáo khác, mà là triết lý sống, triết lý hành động, sống trên tỉnh thức, hành động thể hiện tâm từ bi. Tỉnh thức thì xua tan các lo lắng sợ hãi bất an bởi mê tín. Từ bi, ngoài sự quan tâm cần có các hành động thiết thực cụ thể nhằm cứu đời, giúp người. Như vậy khi học Phật chúng ta có cơ hội vẫy tay chào với các hình thái mê tín dị đoan, và chùa Hoằng Pháp có nhiều các hoạt động ngày cuối tuần.
Chúng ta hãy chịu khó nhận thêm sách ấn tống tại chùa để về xem thêm, để mở mang trí tuệ vì không ai biết hết mọi thứ. Tận dụng thước khuôn trí tuệ của đức Phật để giúp chúng ta sống tốt, sống hữu ích. Còn về tu Phật, ứng dụng lời Phật dạy trong đời sống thực tiễn, có học Phật chúng ta mới nhớ đến ứng dụng. Khi có biến cố xảy ra trong đời chúng ta không rơi vào tình trạng lúng túng hoang mang, vì mình đã có kiến thức phương pháp rồi, vấn đề là giờ áp dụng đúng các tình huống để giải quyết các vấn nạn thôi.
Bằng cách đó chúng ta mới vẫy tay chào các bất hạnh và trải nghiệm an vui hạnh phúc trong cuộc sống.
Đó là 3 ý, chúng con mời các Phật tử cùng suy ngẫm, kính chúc các Phật tử được 5 phước lành, phước hỷ kiến, mọi người gặp nhau vui vẻ, phước sức khỏe và tuổi thọ để làm các việc đáng làm, phước tài sản đủ đầy để có thể chia sẻ cho người thân và nhiều người xung quanh, phước thuận duyên để nỗ lực việc gì cũng được thành tựu, phước có trí tuệ biết các giải pháp đối với các vấn nạn, nhằm vượt qua các bế tắc trong cuộc sống. Chúc tất cả được an lành, hạnh phúc.