Lợi ích và phương pháp ăn chay hiệu quả theo góc nhìn đạo Phật

Lợi ích và phương pháp ăn chay hiệu quả theo góc nhìn đạo Phật

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Người thế gian thì lựa chọn ăn chay để tăng cường sức khỏe, tránh những căn bệnh bắt nguồn từ thực phẩm độc hại. Nhưng với người tu Phật, ăn chay không đơn thuần là mong cầu sức khỏe, mà còn mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Đứng trước những mối lo về thực phẩm bẩn, rất nhiều người chọn nguồn thực phẩm từ rau, củ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Chính vì thế ăn chay đang trở thành một trào lưu phát triển rộng trên toàn thế giới. Nhiều người nổi tiếng cũng rất ưa thích lối ăn nhẹ nhàng này, như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Phó Tổng thống Al Gore; hai chị em vận động viên tennis Serena và Venus Williams, võ sĩ quyền anh Mike Tyson và nữ ca sĩ Beyonce… Tại Việt Nam có doanh nhân Lê Phước Vũ (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen), Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT Cty CP Sách Thái Hà), Á hậu Trương Thị May, Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương,…

Vì sao ăn chay được nhiều người ưa chuộng?

Ngày nay, ăn chay không chỉ là vấn đề trong các tôn giáo, của những người giảm béo hay ăn kiêng. Mà ăn chay đã trở thành một trào lưu mới trên toàn thế giới. Nhiều người đã chọn ăn chay để thay thế cho các nguồn thực phẩm từ động vật.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh - Trụ trì chùa Vàng từng chia sẻ: “Bây giờ, ăn chay đang là vấn đề mà mọi người rất quan tâm; nhất là khi thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường. Trong ngành Công nghiệp, thực phẩm cho vật nuôi, gia súc cũng bị hóa chất rất nhiều, cho nên chúng ta ăn vào thì sinh ra rất nhiều bệnh tật. Vì vậy, mọi người cũng tìm sang ăn chay. Thế nhưng, nếu thực phẩm chay cũng bị hóa chất: phân bón, hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu rất nhiều thì đồ chay cũng bị nhiễm độc”.

Quan điểm của đạo Phật về việc ăn chay

Chủ trương của đạo Phật là từ bi, bác ái. Đạo Phật tôn trọng quyền được sống của tất cả chúng sinh. Cũng từ tinh thần từ bi này mà nhiều người cho rằng tu theo đạo Phật bắt buộc phải ăn chay, không được ăn thịt. Vậy quan niệm trên có đúng không? Chúng ta cùng tìm hiểu.

Đối với người Phật tử tại gia

Đối với một Phật tử tại gia còn nhiều gia duyên ràng buộc, Đức Phật căn dặn giữ gìn 5 giới cấm là: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối láo và không nghiện ngập. Ngũ giới chính là 5 khung đạo đức làm nên phẩm chất và đức hạnh của người Phật tử tại gia; từ đó mang lại lợi ích thiết thực trong đời này và nhiều đời sau. Người thọ được đủ 5 giới cấm được gọi là mãn phận Ưu Bà Tắc. Trong trường hợp khó khăn, không thể giữ đủ 5 giới thì giữ gìn 3 giới là không trộm cắp, không tà dâm, không dối láo. Trường hợp này gọi là thiểu phận Ưu Bà Tắc. Từ những giới luật căn bản Đức Phật dành cho đệ tử tại gia, chúng ta thấy, Đức Phật không bắt các Phật tử phải ăn chay.

Phật tử tại gia ăn chay hay không ăn chay, đối với giới luật Phật là không bắt buộc. Miễn rằng, Phật tử tại gia tu trì được giới cho tốt, biết bố thí, cúng dường, tu được các thiện hạnh như lời Đức Phật dạy thì mình vẫn có phước báu đầy đủ. Đương nhiên, nếu Phật tử tại gia do lòng từ bi, phát nguyện ăn chay nữa thì cũng rất tốt. Với tâm từ, thương yêu các sinh linh, loài vật mà chúng ta ăn chay thì rất tốt, cũng được công đức, phước báu thêm lên.

Đối với người xuất gia

Trong nhiều năm qua, nhân dân ta thường quan niệm những người xuất gia theo đạo Phật phải ăn chay, niệm Phật, không được ăn thịt của chúng sinh. Nhưng tư tưởng này không đúng với tư tưởng chính thống của đạo Phật. Thời Đức Phật còn tại thế, khi chư Tăng ôm bình bát đi khất thực, Đức Phật không bắt chư Tăng phải ăn chay. Mà Đức Phật dạy rằng: Các ông hãy tùy duyên khất thực, Phật tử tại gia họ tùy cúng thí cho mình thế nào, mình thọ thực như thế.

Chúng ta biết rằng, thời Đức Phật còn tại thế Ngài không bắt chư Tăng phải ăn chay. Hàng ngày, chư Tăng vào làng khất thực, tùy theo đồ ăn người dân cúng dường mà thọ nhận. Do đó, dù là đồ chay hay đồ mặn các Thầy cũng được thọ nhận. Để được thanh tịnh, Đức Phật dạy chư Tăng được thọ nhận đồ ăn mặn phải đủ các điều kiện: Không nhìn thấy con vật ấy bị giết vì mình, không nghe thấy tiếng con vật ấy bị giết vì mình và không nghi ngờ người ta giết con vật ấy vì mình. Nếu không thấy, không nghe và không nghi như vậy thì có thể thọ dụng thực phẩm ấy. Đó được gọi là “Tam tịnh nhục”.

Ý nghĩa của việc ăn chay

Người thế gian thì lựa chọn ăn chay để tăng cường sức khỏe, tránh những căn bệnh bắt nguồn từ thực phẩm độc hại. Nhưng với người tu Phật, ăn chay không đơn thuần là mong cầu sức khỏe, mà còn mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Với đạo Phật, ăn chay chủ yếu để thực hiện tâm từ bi là chính. Vì chúng ta không muốn sát hại mạng sống của muôn loài.

Chúng ta tu tập tâm bình đẳng bởi muôn loài vạn vật trên Trái đất này đều có quyền được sống. Dù đó là con giun, dù đó là con gián; nó cũng đã sinh ra, nó cũng là một sinh mạng, một sinh linh, nó cũng có quyền được sống. Chẳng ai cho mình quyền được phép giết loài đó đâu. Thế cho nên, chúng sinh, sinh linh là bình đẳng về mạng sống. Ai cũng có quyền được sống, loài nào cũng có quyền được sống. Chúng ta ăn chay là đang thể hiện, bày tỏ sự bình đẳng này. Và với tâm từ bi, chúng ta không muốn tổn hại mạng sống của các loài. Cho nên chúng ta ăn chay là như vậy.

Những điều cần biết về việc ăn chay

Như chúng ta đã biết, ăn chay có rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách thì sẽ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe. Do đó, để tránh mắc phải những hiểu lầm không đáng có.

Ăn chay đủ chất để không kiệt sức

Về cơ bản, ăn chay là tốt nếu chúng ta biết kết hợp các loại thực phẩm sao cho phù hợp. Tuy nhiên, không ít người ăn chay không đúng cách dẫn đến suy nhược cơ thể, kiệt sức, ảnh hưởng đến sức khỏe. Đại đức Thích Trúc Thái Minh từng chia sẻ: “Khi các Phật tử ăn chay nên ăn cho có đủ dinh dưỡng. Ăn đậu, ăn lạc, ăn vừng; những cái đó có thể có những dưỡng chất về đạm thay thế được thịt động vật. Chứ không phải ăn chay chỉ mỗi rau muống chấm tương. Chúng ta cũng nên ăn phong phú một chút cho đủ dưỡng chất”.

Để ăn chay vẫn đủ sức học tập và làm việc, chúng ta nên ăn đa dạng các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như rau tươi, củ, quả tươi, ngũ cốc, các loại nấm tươi, các loại hạt như lạc, vừng, óc chó, mè đen… để cơ thể đầy đủ dưỡng chất và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên thay đổi thực đơn trong từng bữa ăn sao cho phong phú vừa ngon, vừa đủ chất dinh dưỡng và mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân.

Ăn chay ngày nào cho tốt?

Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Chúng ta ăn chay theo ngày trai trong lịch của kinh Nhật Tụng cũng tốt. Trong lịch của kinh Nhật Tụng có những ngày trai: Nhị trai là mùng một, hôm rằm, còn Lục trai, Thập trai, thì chúng ta tùy chọn ngày nào cũng được. Và nếu không ăn chay đúng vào những ngày trai đó thì chúng ta ăn vào ngày khác cũng được”.

Trong kinh Thế Ký thuộc Trường A Hàm, phẩm Đao Lợi Thiên, Đức Phật có dạy vào các ngày Trai giới, các chúng chư Thiên thường đi quan sát thế gian; để biết có nhiều người hiếu thuận mẹ cha, tôn thờ Sư Trưởng, tu hành Trai giới thanh tịnh, bố thí cho người nghèo khó hay không để từ đó biết được các chúng nào sẽ tái sinh thành chư Thiên. Do đó, ngoài khuyên các Phật tử tinh tấn tu tập, vào các ngày Trai giới, các quý Thầy tại các chùa cũng thường khuyên các Phật tử nên ăn chay để tích tập phúc lành.

Chúng ta thấy rằng ngày ăn chay phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh và sức khỏe của mỗi người. Chúng ta có thể lựa chọn chế độ ăn chay trường hoặc vào những ngày Trai như ngày Rằm, mùng Một. Ngoài ra, nếu không thể ăn vào ngày Trai thì chúng ta có thể ăn chay vào những ngày khác.

Tin cùng chuyên mục