Một thời, Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, Ngài cho gọi các Tỷ kheo: Này các Tỷ kheo, nghe pháp có năm lợi ích này. Thế nào là năm?
Được nghe điều chưa nghe, làm cho trong sạch điều đã được nghe, đoạn trừ nghi, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tín. Này các Tỷ kheo, nghe pháp có năm lợi ích này.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Kimbila, phần Nghe pháp, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.708)
Lời bàn:
Tri thức là chìa khóa để mở cửa mọi kho tàng của cuộc sống. Ngay cả kho tàng trí tuệ Bát nhã vốn siêu việt ngôn ngữ và tư duy cũng rất cần đến tri thức trong giai đoạn tiếp cận đầu tiên. Ở phương diện thế gian, nếu không có tri thức thì cuộc đời sẽ tối tăm, nhân loại sẽ mãi khổ đau, lầm than, cơ cực.
Trong hành trình tìm cầu chân lý, cũng vậy, nếu thiếu vắng tri thức thì sẽ không có chiếc bè để qua sông và chẳng thể nào có ngón tay để chỉ mặt trăng. Muốn có được tri thức ấy thì ngoài khả năng tư duy, nghe và đọc là những phương thức cơ bản đồng thời cũng tối ưu nhất. Một người con Phật, muốn có một tri thức đúng đắn để thiết lập chánh kiến thì phải đọc, nghe và tư duy thật nhiều về những lời Phật dạy.
Thời đức Thế Tôn còn tại thế, kinh Phật dưới dạng văn bản chưa hình thành. Do vậy, nghe pháp là phương cách duy nhất để học tập giáo pháp nhằm tư duy, tu tập rồi từng bước thể nhập, trực nhận chân lý. Muốn có một đề mục để tư duy, tất nhiên phải được nghe Phật hoặc chư Tăng giảng thuyết, khai mở trước về đề mục ấy. Vì thế trong ba loại trí tuệ: trí tuệ nhờ nghe pháp (văn tuệ), trí tuệ nhờ tư duy pháp (tư tuệ) và trí tuệ nhờ tu tập về pháp (tu tuệ) thì văn tuệ được thiết lập đầu tiên làm cơ sở cho tư tuệ và tu tuệ.
Nghe pháp để có nhận thức đúng đắn về Chánh pháp là một trong những nhiệm vụ cơ bản của người con Phật. Trong năm lợi ích của nghe pháp mà Phật đã nêu trên không ngoài mục đích nghe để hiểu, hiểu để tin và tin hiểu để thực hành. Một Phật tử nếu chỉ đơn thuần có niềm tin vào Tam bảo thì chưa đủ, ngoài niềm tin thì bắt buộc phải có sự hiểu biết chính xác, sâu sắc về giáo pháp. Vì rằng, niềm tin theo quan điểm của Thế Tôn phải là tịnh tín, tức do hiểu biết mới có niềm tin. Nếu tin mà không hiểu thì đồng nghĩa với sự phỉ báng, là mê tín.
Do vậy, người con Phật phải thường xuyên nghe pháp; nghe pháp để tu học nhằm hoàn thiện tự thân và để hoằng pháp lợi sanh. Ngày nay, để tiếp cận và học tập giáo lý của đức Phật có vô số phương tiện.
Tuy nhiên, nghe pháp vẫn là phương tiện tối thắng vì có tính trực quan, rất sinh động đặc biệt là thính chúng có thể thảo luận trực tiếp với người giảng pháp để trực nhận chân lý. Vì thế, người Phật tử phải thường xuyên nghe pháp để phát huy nhận thức, hiểu biết sâu sắc hơn về giáo lý, phá tan những nghi hoặc, thành tựu niềm tin Tam bảo vững chắc, không thối chuyển.