"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ, Phật bảo các vị Tỳ-kheo:
- Đừng sợ hãi phước mà hãy có ý niệm yêu thích. Vì sao vậy? Vì những gì được gọi là phước thì cũng nói là lạc. Sự sợ hãi đối với phước là không có ý niệm yêu thích. Vì sao vậy? Những gì là phi phước được nói là khổ.
- Ta nhớ lại trong thời quá khứ, lâu dài tác phước, lâu dài thọ báo mà ý niệm yêu thích. Thời quá khứ Ta hành từ tâm trong bảy năm mà trải qua bảy lần kiếp thành và kiếp hoại, không tái sinh trong thế gian này. Nếu thời kiếp hoại, Ta sinh lên cõi trời Hoảng dục (Quang âm). Trong thời kiếp thành, Ta tái sinh trở xuống trong cung điện trống không của Phạm thiên và là Đại Phạm thiên trong cõi Phạm thiên đó.
- Trong những trường hợp khác, ta trải qua một ngàn lần làm Tự Tại Thiên vương, ba mươi sáu lần làm Thiên Đế Thích và vô lượng lần làm vua Sát-lợi Đảnh Sinh.
- Này Tỳ-kheo, lúc làm vua Sát-lợi Đảnh Sinh, Ta có tám vạn bốn ngàn thớt voi lớn được phủ những đồ cưỡi rất đẹp; dùng các báu bạch châu lạc trang sức, phủ lên voi chúa đầu đàn Vu-sa-hạ.
Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta nghĩ: ‘Đó là nghiệp quả gì, là nghiệp báo gì, mà ngày nay Ta có đại như ý túc, đại oai đức, đại phước hựu, đại oai thần?’.
- Này Tỳ-kheo, Ta lại nghĩ: ‘Đó là ba nghiệp quả, là ba nghiệp báo, khiến ta ngày nay có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần: một là bố thí, hai là điều phục, ba là thủ hộ’”.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Phước, số 138 [trích])
Đức Phật là bậc phước trí nhị nghiêm, đầy đủ phước đức và trí tuệ. Học theo hạnh Ngài, hàng đệ tử về sau đều phát nguyện tu học theo phương châm phước huệ song tu. Dĩ nhiên, trí tuệ mới có công năng quét sạch phiền não để chứng đạt các Thánh quả nhưng phước đức có tác dụng hỗ trợ tích cực nhằm chuyển hóa nghịch cảnh, thuận duyên hơn trong quá trình tự độ và độ tha.
Trên bước đường tu, phước đức có vai trò quan trọng. Muốn có phước đức thì chuyên làm các hạnh lành. Phước đức sẽ làm cho mọi sự thuận duyên, hỗ trợ đắc lực cho người tu. Trước hết là sức khỏe, không khỏe thì không thể tu tiến được. Thân và tâm có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bệnh tật và ốm yếu triền miên là một chướng ngại lớn. Kế đến là bốn vật dụng thiết yếu gồm: thực phẩm, y phục, phòng nhà, thuốc men. Thiếu phước thì bốn vật dụng không đủ, khó an ổn để tu hành.
Có phước đức thì những nghịch cảnh, chướng duyên, trở ngại đến từ bên ngoài ít xảy ra, nhờ đó mới an yên mà gắng tu. Quan trọng là đủ phước duyên để gặp được minh sư và Chánh pháp. Pháp Phật thì vô lượng nhưng tìm đúng pháp phù hợp với căn duyên của bản thân chẳng phải dễ dàng. Thầy thì nhiều nhưng tìm ra bậc minh sư có kinh nghiệm về pháp hành để tháo gỡ những vướng mắc nội tâm cũng rất khó. Phải có nhân duyên nhiều đời và đủ phước đức mới tìm được.
Khi đã có thầy và có pháp, mình đã có con đường đi rồi nhưng “tự mình thắp đuốc lên mà đi” vẫn còn nhiều gian nan. Nghiệp lực sâu dày có từ vô lượng kiếp luôn bủa vây, níu kéo, làm trở ngại tâm. Người tu vừa vận dụng phước đức, vừa phát huy cả trí tuệ mới có thể vượt qua nội ma, ngoại chướng. Khi đã có những thành tựu tâm linh nhất định, hướng đến các Thánh quả thì việc tùy duyên hoằng hóa cũng cần hội đủ nhân duyên phước đức mới có thể thành công.