Tam tai liệu có đáng sợ như mọi người nghĩ?

Tam tai liệu có đáng sợ như mọi người nghĩ?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Tam Tai trong Tam Tạng Thánh giáo nói có hai thứ: 1. Đại tam tai, 2. Tiểu tam tai, nhưng đại tam tai ít nói đến, mà thường nói là tiểu tam tai.

Tam tai là gì?

Tam tai dưới góc nhìn và lí giải của Phật pháp chính là chỉ tai kiếp của cả thế giới Ta bà chứ không phải vận hạn của một cá nhân. Tam tai có hai loại: Tiểu tam tai và Đại tam tai.

Tiểu tam tai

Tiểu tam tai gồm có ba tai ách: 1. Đao binh tai (dùng hung khí sát hại lẫn nhau). 2. Tật dịch tai (bệnh truyền nhiễm lây lan). 3. Cơ cẩn tai (do hạn hán sinh ra đói kém). Ba tai nạn nầy nếu có xảy ra thì đâu phải chỉ có một mình Phật tử gánh chịu, mà tất cả nhơn loại đều phải chịu chung số phận, bởi đó là cọng nghiệp không ai tránh khỏi. Trong quyển Từ Điển Phật Học Huệ Quang, Tập 5, trang 4165 có nêu ra Tiểu tam tai và Đại tam tai như sau: Về Tiểu tam tai thì gồm có:

a. Cơ cẩn tai: Tuổi thọ con người từ 84000 tuổi cứ một 100 năm giảm một tuổi, giảm đến khi 30 tuổi thì trời hạn hán không mưa, cây cỏ không mọc, vô lượng nhân dân ở thế gian bị đói kém mà chết.

b. Tật dịch tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 20 tuổi thì các thứ bệnh xuất hiện, vô lượng nhân dân ở thế gian bị mắc bệnh mà chết.

c. Đao binh tai: Khi tuổi thọ con người giảm xuống còn 10 tuổi thì mọi người sinh ra sự tranh đấu, tay cầm cỏ cây cũng biến thành dao gậy, tàn hại lẫn nhau, vô lượng nhân dân ở thế gian bị chết bởi đao binh.

Tam tai nói đủ là Tam tai kiếp. Trong Kinh có nêu ra hai loại Tam tai: Tiểu tam tai và Đại tam tai.

Đại tam tai

Đại tam tai gồm có ba tai ách lớn: Hỏa tai, thủy tai, phong tai.

a. Hỏa tai: vào kiếp Hoại thì có 7 mặt trời xuất hiện, mặt đất và núi Tu di dần dần bị sụp đổ, nước trong 4 biển lớn lần lượt cạn hết, cõi Dục và các tầng trời Sơ thiền đều bị thiêu hủy, không còn sót lại gì.

b. Thủy tai: Từ cõi Sơ thiền trở xuống trải qua 7 lần hỏa tai thì thế giới lại thành. Vào thời Hoại kiếp dần dần có mưa lớn, hạt nước lớn như bánh xe, lại có thủy luân dưới đất bắn vọt lên, từ cõi Dục đến tầng trời Nhị thiền đều bị ngập lụt, tất cả đều hoại diệt, như hạt muối bị tan trong biển nước.

c. Phong tai: Từ cõi Nhị thiền trở xuống trải qua 7 lần thủy tai, lại trải qua 7 lần hỏa tai phá hoại cõi thế gian, đến khi thế giới hình thành trở lại, rồi đến kiếp Hoại, từ lớp phong luân phía dưới có gió mạnh nổi lên, cộng với sức nghiệp của chúng sinh đã hết cho nên nơi nào cũng nổi gió, từ cõi Dục cho đến các tầng trời Tam thiền thảy đều bị gió đánh bạt, sạch hết không còn gì.

Nguyên nhân gây ra Tam Tai

Về nguyên nhân gây ra hạn Tam Tai, Hòa thượng Tuyên Hóa giảng: “Tam tai chia ra làm hai phần là: đại tam tai và tiểu tam tai. Đại tam tai là ba tai ách lớn về lửa, nước và gió. Tiểu tam tai là ba tai ách nhỏ về đao binh, mất mùa và bệnh dịch. Đó cũng tức là tai kiếp. Trong một đại kiếp có bốn trung kiếp gồm: thành, trụ, hoại, và không. Mỗi trung kiếp có hai mươi tiểu kiếp. Vào cuối thời kỳ giảm kiếp của mỗi trụ kiếp thì phát sanh hiện tượng tiểu tam tai. Còn đại tam tai thì phát sanh trong thời kỳ hoại kiếp của mỗi đại kiếp. Bây giờ chúng ta hãy bàn đến nguyên nhân phát sanh đại tam tai.

Bởi con người có tâm tham mới phát sanh ra hỏa tai; con người có tâm sân hận mới sanh ra thủy tai; con người có tâm ngu si mới sanh ra phong tai. Cho nên tam tai đều là do tam độc mà sanh khởi. Trong tâm chúng ta, ai ai cũng có đầy đủ cả ba độc. Tâm nầy mỗi ngày càng một khuếch đại ra và khi đến một mức độ nhất định, nó sẽ hình thành đại tai kiếp.

Tin cùng chuyên mục