Tu tập thế nào để đạt giải thoát?

Tu tập thế nào để đạt giải thoát?

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giải thoát theo Phật giáo cũng không ngoài ý nghĩa là tháo tung những trói buộc, vượt thoát thực tại đau khổ và được hoàn toàn tự do. Vậy những gì trói buộc con người? Phật giáo cho rằng có đến vô lượng phiền não trói buộc nhưng tựu trung có hai nhóm chính.

Giải thoát theo nghĩa thông thường là tháo tung những trói buộc, vượt thoát thực tại bị giam hãm và được hoàn toàn tự do. Một người bị bệnh đau hành hạ, nhờ chữa trị kịp thời nên được khỏe mạnh, an vui, đó là giải thoát. Một người sau khi mãn hạn tù, được về nhà, sống đời tự do, đó là giải thoát. Hai người giận nhau, mỗi lần gặp mặt trong tâm rất khó chịu, sau đó họ chủ động tháo gỡ, làm hòa và cảm thấy nhẹ lòng, đó là giải thoát. Chấp giữ một định kiến sai lạc hay phải tuân theo một hủ tục, về sau nhờ thấy được sự thật nên dũng cảm tháo tung, đó là giải thoát.

Giải thoát theo Phật giáo cũng không ngoài ý nghĩa là tháo tung những trói buộc, vượt thoát thực tại đau khổ và được hoàn toàn tự do. Vậy những gì trói buộc con người? Phật giáo cho rằng có đến vô lượng phiền não trói buộc nhưng tựu trung có hai nhóm chính.

Nhóm bên ngoài gồm ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ) và ngũ trần (cảnh đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái) luôn hấp dẫn, mời gọi con người đang khát khao chiếm hữu. Nhóm bên trong do các tâm bất thiện như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v…, nói gọn là do tham ái và vô minh mà tạo nghiệp rồi chịu khổ đau luân hồi sinh tử.

Giải thoát theo Phật giáo có nhiều cấp độ, đỉnh cao là thành tựu tuệ giác vô ngã, xả ly toàn bộ tham ái và chấp thủ, tự tại vô ngại trước ngũ dục và ngũ trần. Bấy giờ các bậc Thánh (từ A-la-hán trở lên) vẫn sống trong cuộc đời, làm lợi ích cho muôn loài mà bên ngoài không bị dính mắc trần cảnh, bên trong chẳng bị não phiền trói buộc, tự do tự tại và vô ngại. Đây là giải thoát theo Phật giáo.

Pháp tu để thành tựu giải thoát, theo Phật giáo, có đến vô lượng pháp môn phù hợp với mọi căn cơ sai biệt của chúng sinh. Căn bản của các pháp tu Phật giáo là thực hành Thánh đạo tám ngành gồm: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; là tu tập Tam vô lậu học Giới - Định - Tuệ.

Tu tập trong Phật giáo có nhiều cấp độ, tựu trung là chuyển nghiệp và dứt nghiệp. Chuyển nghiệp là nỗ lực phát huy tuệ giác, xóa dần tăm tối vô minh để nhận rõ sự thật mà xả ly bớt tham ái, buông bỏ dần chấp thủ, ít dao động và giảm dính mắc ngũ dục với ngũ trần.

Chuyển nghiệp là thực hành chuyển hóa 10 ác nghiệp của thân, miệng và ý thành 10 thiện nghiệp; là từng bước thành tựu Giới - Định - Tuệ. Dứt nghiệp là thực hành trọn vẹn Thánh đạo tám ngành, thành tựu viên mãn Giới - Định - Tuệ; phát huy thiền quán vô thường - vô ngã cao độ, tuệ giác vô thượng bùng vỡ xóa sạch tăm tối của vô minh khiến thành tựu Tam minh, tham sân si phiền não bị đoạn tận hoàn toàn, trở thành bậc Thánh giải thoát ở thế gian.

Khái quát về lộ trình tu tập Giới - Định - Tuệ như sau: Giữ vững Giới luật đã thọ nhằm trau dồi đạo đức cũng như hỗ trợ tích cực cho quá trình thanh lọc tâm - Định. Phát triển năm Thiền chi (tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm) để đối trị và chuyển hóa năm Triền cái (tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối, nghi ngờ), lần lượt chứng đắc từ Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền chính là nội dung tu tập Định. Trên nền tảng Tứ thiền, phát huy tuệ giác vô ngã để phá tan 10 kiết sử (5 hạ phần: thân kiến, giới thủ, nghi ngờ, tham dục, sân hận. 5 thượng phần: hữu ái, vô hữu ái, ngã mạn, trạo hối, vô minh) lần lượt chứng đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn cho đến Tứ quả A-la-hán.

Bậc Thánh A-la-hán đã thành tựu giải thoát luân hồi sinh tử và chấm dứt mọi khổ đau. Các ngài tiếp tục sống an lạc tại thế gian, tùy duyên hoằng pháp lợi sinh cho đến ngày nhập Vô dư y Niết-bàn.

Tin cùng chuyên mục