Bản năng con người cũng như bao nhiêu sinh vật khác: Luôn giành mọi quyền lợi cho cái tôi của mình. Đó là thái độ sai lầm lớn nhất đối với một cá thể, đang chịu tương tác cùng vô số cá thể khác xung quanh để tồn tại. Chính sự sai lầm này đã dẫn đến thế mất cân đối trầm trọng: Một bên là nguồn năng lượng nuôi dưỡng quá lớn từ vạn vật trong khắp vũ trụ gửi đến. Và một bên là thái độ sống chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.
Công bằng mà nói, hoa đào vốn tiếp nhận rất ít quyền lợi từ thiên nhiên nhưng nó đã sống hết mình để dâng tặng cho đời tất cả giá trị của nó. Còn ta, tuy được nhân danh là kẻ hiểu biết nhất nhưng thử hỏi ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho cuộc đời này?
Đừng nói chi xa xôi. Với những người thân yêu sống bên cạnh mà ta chẳng mấy khi quan tâm đến những khó khăn hay ước vọng sâu sắc của họ. Đầu óc ta lúc nào cũng lo nghĩ đến cách kiếm được nhiều tiền, thăng tiến địa vị, thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của nhiều người. Làm như thể mọi người phải có trách nhiệm thương yêu và giúp đỡ mình, còn mình thì được “đặc quyền” không phải có trách nhiệm với bất cứ ai.
Thật ra ta cũng đã từng cố gắng giúp đỡ vài người. Nhưng chưa bao giờ nghĩa cử cao đẹp ấy lại không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Ít nhất đối tượng ấy phải dễ thương, quý mến ta. Hoặc họ phải tỏ ra trân quý những gì ta mang đến cho họ.
Trong tình cảm cũng vậy. Ta nghĩ mình đã hết lòng yêu thương người ấy. Nhưng sự thật là ta đang nghiện cảm xúc của họ mà không thể dứt ra được. Ta tưởng mình cũng rất cao thượng khi quyết định tha thứ cho những lầm lỡ của họ.
Nhưng sâu thẳm bên trong thì ngược lại: Ta tha thứ là vì ta sợ họ sẽ không còn yêu thích và thân thiện với ta nữa. Hoặc là vì ta muốn chứng tỏ tấm lòng độ lượng của mình trước mọi người. Dường như ta chưa bao giờ làm việc gì mà không mang theo cái tôi hưởng thụ. Nó đã trở thành thứ “nhân sinh quan” của thời đại.
Sự thật, ích kỷ là thái độ sống nông cạn và tầm thường nhất của con người. Không những không muốn trải lòng giúp đỡ ai, mà còn luôn len lỏi vào mọi ngõ ngách để rút tỉa quyền lợi. Có lẽ, đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hệ quả: Con người tuy được hưởng thụ nhiều nhất nhưng lại là kẻ chịu khổ đau nhiều nhất.”