Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, rồi Tôn giả Ràdha đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:
“Chúng sanh, chúng sanh”, bạch Thế Tôn, cho đến như thế nào được gọi là chúng sanh?
Này Ràdha, dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, thọ tưởng, hành và thức triền phược ở đấy, triền miên ở đấy, gọi là chúng sanh.
Ví như, này Ràdha, những đứa trẻ chơi với cái nhà bằng đất. Cho đến khi đối với căn nhà bằng đất ấy lòng tham, ái, dục chưa thoát ly thời chúng còn tham dính vào, thích chơi, chất chứa và đắm trước những căn nhà bằng đất ấy.
Nhưng khi nào những đứa trẻ ấy đối với những căn nhà bằng đất kia, lòng tham, ái, dục đã thoát ly, thời với tay và chân, chúng phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với những căn nhà bằng đất ấy.
Cũng vậy, này Ràdha, ông hãy phá tan, phá vỡ, phá sập, không chơi với sắc, thọ, tưởng, hành và thức, chú tâm hướng đến đoạn diệt khát ái đối với sắc, thọ, tưởng, hành và thức.Đoạn diệt khát ái, này Ràdha, là Niết bàn.
(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ III, chương 2, phẩm 1, phần Chúng sanh, Nxb Tôn Giáo, 2000, tr.331)
Lời bàn:
Thế giới của chúng ta đang sống thuộc cõi dục. Dựa trên nền tảng ái dục mà con người có mặt ở đời. Tất cả những biểu hiện về tư duy, ngôn ngữ và hành động của con người luôn gắn liền với tham ái, vì thế chúng ta được gọi là chúng sanh.
Có mặt ở đời từ căn nguyên ái dục nên con người ai cũng tham dục. Khát ái, tham vọng của con người vốn vô tận, không có điểm dừng. Tuy vậy, tham ái thân này mới thực sự sâu dày, nặng nề nhất. Tất cả những việc làm của con người đều không ngoài mục đích phục vụ cho cái tôi, bị trói buộc triền miên với tự ngã, do đó gọi là chúng sanh.
Theo tuệ giác Thế Tôn, chúng sanh luyến ái tự ngã cũng giống như trẻ con nghịch đất, yêu thích những ngôi nhà bằng đất do chúng đắp nên. Lũ trẻ đâu biết rằng cái thiên đường bằng đất thân yêu ấy thật mong manh, dễ vỡ. Cũng vậy, thân tâm này là của tôi, là nhất, là bất khả xâm phạm… nhưng sự thật thì thân tâm này có đó rồi không đó, sinh già bệnh chết chi phối mãnh liệt mà chẳng ai có thể làm gì khác được.
Khi nào nhận chân được cái tự ngã mà ta thương yêu nhất chỉ là một hợp thể năm uẩn, vốn duyên sinh và hoàn toàn vô ngã, lúc đó con người có khả năng làm suy giảm, đoạn tận tham ái và chấp thủ. Như lũ trẻ kia, nhàm chán ngôi nhà bằng đất, không còn yêu thích nữa thì tự tay chúng đập phá. Cũng vậy, thiền quán và tuệ tri về sự thật duyên khởi của năm uẩn là phương cách hữu hiệu để diệt trừ khát ái. Chấm dứt tham ái, không còn bị trói buộc với tự ngã, đó chính là giải thoát, Niết bàn.