Tuy vậy, những ai kham nhẫn được với sự thanh bần, thực hành hạnh đầu-đà đến trọn đời vẫn được Thế Tôn ca ngợi.
Trong hàng đệ tử Phật, Tôn giả Đại Ca-diếp đã trọn đời giữ hạnh đầu-đà. Dù rằng, lúc tuổi cao sức yếu, đạo giải thoát đã viên mãn, và chính Như Lai có lời khuyên “nên bỏ hạnh khất thực, cho đến các hạnh đầu-đà, mà nên nhận lời mời của các trưởng giả và nhận y áo” nhưng Tôn giả vẫn giữ vững công hạnh. Một phần vì Tôn giả vốn đã quen với hạnh đầu-đà, nhưng quan trọng hơn, có lẽ Tôn giả ngầm gửi một lời nhắn nhủ sâu xa đến hàng hậu thế chúng ta hiện nay.
“Một thời Phật ở thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với đại chúng Tỳ-kheo năm trăm vị.
Bấy giờ Tôn giả Đại Ca-diếp trụ A-lan-nhã. Đến giờ khất thực, Tôn giả không phân biệt giàu nghèo. Tôn giả ở một nơi, ngồi một chỗ hoặc dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, hoặc ở chỗ vắng vẻ trọn không dời đổi, mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn chính ngọ, hoặc hành đầu-đà mặc dù tuổi cao già cả. Bấy giờ Tôn giả Đại Ca-diếp ăn xong liền đến dưới một cội cây thiền định, thiền định xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa sang y phục, đi đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ Thế Tôn từ xa trông thấy Ca-diếp đến. Thế Tôn bảo rằng:
- Khéo đến, Ca-diếp!
Ca-diếp đến chỗ Phật cúi lạy rồi ngồi một bên. Thế Tôn dạy rằng:
- Ca-diếp! Nay Thầy đã lớn tuổi, già cả, quá suy, lọm khọm, vậy Thầy nên bỏ hạnh khất thực, cho đến các hạnh đầu-đà, mà nên nhận lời mời của các trưởng giả và nhận y áo.
Ca-diếp đáp:
- Con không dám theo lời Như Lai dạy. Vì sao? Vì nếu Như Lai không thành đạo Vô thượng Chánh chân, thì con ắt thành Bích-chi Phật, mà Bích-chi Phật trọn hành A-lan-nhã. Đến giờ khất thực, con không phân biệt giàu, nghèo. Con ở một nơi, ngồi một chỗ hoặc ngồi dưới gốc cây, hoặc ngoài đồng trống, hoặc chỗ vắng vẻ trọn chẳng dời đổi, hoặc mặc áo năm mảnh, hoặc giữ ba y, hoặc ở gò mả, hoặc ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ, hoặc hành đầu-đà. Nay con chẳng dám bỏ thói cũ mà học hạnh khác.
Thế Tôn bảo rằng:
- Lành thay! Lành thay, Ca-diếp! Thầy có nhiều lợi ích, độ người vô lượng, rộng đến tất cả Trời, Người đều được độ. Vì sao? Ca-diếp! Nếu hạnh đầu-đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời. Nếu có pháp ở đời, thì thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm. Cũng vậy, thánh Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, đạo Tam thừa đều còn ở đời. Này các Tỳ-kheo, hãy học như Ca-diếp tu tập.
Như vậy, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Nhập đạo, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr145)
Ảnh minh họa. |
Đầu-đà (Dhuta), là hạnh tu khắc khổ để dứt bỏ các tham dục. Có 12 (có nơi ghi 13) hạnh đầu-đà: 1-Y phục làm bằng những mảnh vải rách. 2-Chỉ dùng ba y. 3-Khất thực mà ăn. 4-Chỉ ăn một bữa vào giờ trưa. 5-Không ăn quá no. 6-Không giữ tiền bạc. 7-Sống độc cư. 8-Sống trong nghĩa địa. 9-Sống dưới gốc cây. 10-Sống ngoài trời. 11-Không ở cố định, thường du hành. 12-Ngồi ngủ, không nằm ngủ.
Điều đáng chú ý là hạnh đầu-đà về một vài phương diện khá giống với khổ hạnh của ngoại đạo nhưng mục đích hoàn toàn khác nhau. Đầu-đà là phương tiện quý báu trợ duyên cho sự thoát ly khỏi tham dục. Tu hạnh đầu-đà để thành tựu Giới, tăng trưởng Định, và viên thành Tuệ. Thế Tôn đã xác quyết, “hạnh đầu-đà này được ở đời thì pháp của Ta cũng sẽ được lâu dài ở đời, thiên đạo tăng thêm, ba đường ác liền giảm, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm đều còn ở đời”.
Rõ ràng, trong thời hiện đại hiếm có người tu nào giữ được một, hai hay trọn hết các hạnh đầu-đà. Tuy vậy, công hạnh của bậc Thánh Đầu-đà đệ nhất nhắc nhở chúng ta về một đời sống giản dị, thanh bần, muốn ít và biết đủ. Làm sao để trong đời sống tu hành không bị vướng mắc nhiều quá vào ăn, mặc, ở hay ngũ dục, ngũ trần nói chung. Vì giải thoát, trong ý nghĩa đơn giản nhất là không bị kẹt, bị dính mắc, thong dong với mọi thứ trong đời sống hàng ngày.