Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

Tạp chí Ngày Nay trân trọng giới thiệu Bài phát biểu của đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

_______________________

Kính thưa đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, uỷ viên Ban Bí thư Trung ương Đảng,

Thưa các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng,

Thưa các đồng chí tham dự hội nghị!

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết 18, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung quán triệt, tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện[1]; ban hành Kế hoạch số 07-KH/TW, ngày 27/11/2017 xác định những nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương và thời gian hoàn thành để triển khai thực hiện Nghị quyết[2]; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra[3], đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 18, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã: (1) Cho chủ trương cụ thể về thực hiện một số mô hình thí điểm (Kết luận số 34-KL/TW, ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị); (2) Đánh giá kết quả 02 năm thực hiện Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII và 04 năm thực hiện Nghị quyết 39[4] của Bộ Chính trị (Kết luận số 74-KL/TW, ngày 22/5/2020 của Bộ Chính trị); (3) Cho chủ trương về thực hiện một số mô hình thí điểm (Thông báo kết luận số 16-TB/TW, ngày 07/7/2022 của Bộ Chính trị); (4) Sơ kết 05 năm và ban hành kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 18 (Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị).

Qua 07 năm thực hiện Nghị quyết 18, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp uỷ, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót, còn chồng lấn giữa lập pháp và hành pháp; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, hợp lý, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Nguyên nhân chủ yếu là do mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị chưa thật hoàn thiện; nhận thức và hành động của cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động thiếu quyết liệt.

Những tồn tại, hạn chế, chậm trễ, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống, một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hoá" lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu quả công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Thủ tục hành chính còn rườm rà gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy quá lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và 100 năm thành lập Nước đang đến gần; trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết 18 trong toàn hệ thống chính trị và đã ban hành Kết luận số 101-KL/TW, ngày 11/11/2024 về chủ trương tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 làm cơ sở để có những quyết sách đổi mới quyết liệt hơn nữa trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, hoàn thiện bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, từ Trung ương xuống địa phương, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; trong đó, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là "bộ tổng tham mưu", đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước.

* Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 gồm 29 đồng chí, do đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban, tất cả các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư đều tham gia, cùng một số đồng chí Uỷ viên Trung ương phụ trách các ngành, lĩnh vực trực tiếp liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, cán bộ.

* Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên, thành lập Tổ Biên tập, ban hành Kế hoạch số 04-KH/BCĐ và Công văn số 05-CV/BCĐ, ngày 13/11/2024 hướng dẫn các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương tiến hành tổng kết; ban hành Kết luận số 09-KL/BCĐ, ngày 24/11/2024, xác định việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

* Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW, ngày 25/11/2024, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18; cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết 18 và một số nội dung định hướng, gợi ý của Bộ Chính trị để các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Giao Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 chỉ đạo xây dựng Báo cáo tổng kết, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII thông qua; đồng thời xem xét, quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng.

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng ảnh 1
Đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày các nội dung chính, trọng tâm việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

I. Về nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu tổng kết Nghị quyết 18

Bộ Chính trị xác định:

1. Việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở"; xác định những nội dung, công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, quyết tâm hoàn thành việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo đúng mục tiêu, yêu cầu và tiến độ đề ra.

2. Việc tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cầu thị, cụ thể, sâu sắc, khẩn trương; đánh giá nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, xác định rõ những yếu kém, bất cập, nguyên nhân; đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông.

3. Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chỉnh, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu, cũng phải rà soát đề xuất lại; kiên quyết xoá bỏ các tổ chức trung gian. Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn với quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chủ trương về đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương, chống lãng phí; chuyển đổi số quốc gia, xã hội hoá các dịch vụ công..., gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...

II. Kế hoạch triển khai và tiến độ

1. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành triển khai thực hiện, hoàn thành tổng kết và gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo trước ngày 31/12/2024.

2. Xây dựng Báo cáo tổng kết, triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo xin ý kiến lãnh đạo, cấp uỷ, tổ chức đảng, chuyên gia, nhà khoa học và tiến hành khảo sát một số địa phương, cơ quan, đơn vị (hoàn thành trước ngày 15/02/2025).

3. Ban Chỉ đạo hoàn thiện Báo cáo tổng kết trình Bộ Chính trị trước ngày 28/02/2025 để trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (dự kiến trung tuần tháng 3/2025) xem xét, thông qua.

III. Một số nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

1. Các vấn đề chung

(1) Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn trong các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Tư pháp, các bộ, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng lập các đảng bộ.

(2) Nghiên cứu, đề xuất giải thể, sáp nhập, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng giảm đầu mối, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; giảm tầng nấc trung gian.

(3) Nghiên cứu tổ chức lại hoạt động của các báo, tạp chí, truyền hình, cổng thông tin điện tử… của các ban đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… để tăng cường chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí.

2. Các vấn đề cụ thể

(1) Đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng

- Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương.

- Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương: chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao; một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng.

- Nghiên cứu, kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện Trung ương.

- Nghiên cứu, đề xuất chuyển chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

- Nghiên cứu kết thúc hoạt động các tạp chí của các ban đảng Trung ương, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản. Giao các ban đảng Trung ương, Tạp chí Cộng sản chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Tạp chí Cộng sản là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương.

- Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân Dân; giao Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

- Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài truyền hình Việt Nam; giao Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung vào báo in, báo điện tử để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho các hoạt động.

- Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các ban đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng.

- Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương: chuyển các tổ chức đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng uỷ Chính phủ và đảng uỷ một số bộ chuyên ngành (tuỳ theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp).

- Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước (riêng Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương giữ nguyên như hiện nay); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Chính phủ. Đảng uỷ Chính phủ ngoài các chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của Chính phủ và các cấp uỷ trực thuộc; dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác đảng vụ của Đảng uỷ Chính phủ (cấp tỉnh) về đảng uỷ các bộ (cấp huyện), một số nhiệm vụ sẽ do ban đảng Trung ương thực hiện.

Đảng uỷ Chính phủ gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; ban thường vụ đảng uỷ gồm đồng chí Thủ tướng Chính phủ làm Bí thư, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, một số thành viên Chính phủ và có thể bố trí 01 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ đảng uỷ; quy định ban thường vụ đảng uỷ thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng Chính phủ hiện nay.

Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng uỷ Chính phủ gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; ban thường vụ đảng uỷ gồm đồng chí Bộ trưởng làm Bí thư, các đồng chí Thứ trưởng, đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộvà 01 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ, quy định ban thường vụ đảng uỷ thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ hiện nay. Đảng uỷ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (tương tự như sự lãnh đạo đối với các ban cán sự đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức hiện nay) và chịu sự lãnh đạo của Đảng uỷ Chính phủ; được dự họp các cuộc họp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập bàn về các nội dung có liên quan; được nhận các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện chế độ báo cáo như các cấp uỷ trực thuộc Trung ương (như vị trí, chức năng của ban cán sự đảng, đảng đoàn các cơ quan Trung ương hiện nay).

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị - Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng ảnh 2
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

- Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Quốc hội. Đảng uỷ Quốc hội ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Quốc hội và các cấp uỷ trực thuộc.

Đảng uỷ Quốc hội gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; ban thường vụ đảng uỷ gồm đồng chí Chủ tịch Quốc hội làm Bí thư, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và có thể bố trí 01 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; quy định ban thường vụ đảng uỷ Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Đảng đoàn Quốc hội hiện nay.

Kết thúc hoạt động của ban cán sự đảng, lập Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Đảng uỷ Quốc hội (tương tự Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ).

- Nghiên cứu, đề xuất kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng ở các cơ quan thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp uỷ trực thuộc.

Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; ban thường vụ đảng uỷ gồm đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Bí thư, các đồng chí Phó Chủ tịch, một số đồng chí trưởng các tổ chức chính trị - xã hội, đồng chí Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ Cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và có thể bố trí 01 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; Bộ Chính trị chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; quy định ban thường vụ đảng uỷ thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay.

Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập Đảng uỷ ở các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gồm: ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; ban thường vụ đảng uỷ gồm đồng chí cấp trưởng làm Bí thư, các đồng chí cấp phó, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ và có thể bố trí01 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ; quy định ban thường vụ đảng uỷ thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay. Đảng uỷ các tổ chức chính trị - xã hội chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư (tương tự như sự lãnh đạo đối với các đảng đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức hiện nay) và chịu sự lãnh đạo của Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; được dự họp các cuộc họp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập bàn về các nội dung có liên quan; được nhận các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện chế độ báo cáo như các cấp uỷ trực thuộc Trung ương (như vị trí, chức năng của đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn hiện nay).

- Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập đảng bộ, chi bộ ở các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm: 04 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương[5]; tăng 02 đảng uỷ trực thuộc Trung ương[6].

(2) Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ

- Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng:

+ Sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

+ Sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.

+ Sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số…; chuyển một số nhiệm vụ khác về: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan.

+ Sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường…; chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan.

+ Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban Dân tộc và các cơ quan liên quan.

+ Kết thúc hoạt động của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về: Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan.

+ Kết thúc hoạt động của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan.

+ Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Uỷ ban Dân tộc, thành lập Uỷ ban Dân tộc - Tôn giáo.

+ Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 02 viện hàn lâm khoa học và 02 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo.

+ Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

- Nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các Bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng cục thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố…; tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

- Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thông tấn quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam là đài phát thanh quốc gia, tập trung vào báo in, báo điện tử, báo nói (VOV) để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho các hoạt động. Nghiên cứu, xây dựng, cơ cấu lại Đài Truyền hình Việt Nam, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ đài truyền hình quốc gia, có các kênh chuyên đề phù hợp.

- Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành.

- Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Thực hiện phương án này, tối thiểu giảm được 05 bộ, 02 cơ quan trực thuộc Chính phủ.

(3) Đối với các cơ quan của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

- Nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo hướng:

+ Sáp nhập Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính - Ngân sách.

+ Sáp nhập Uỷ ban Xã hội và Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục.

+ Sáp nhập Uỷ ban Tư pháp và Uỷ ban Pháp luật.

+ Kết thúc hoạt động của Uỷ ban Đối ngoại: chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các uỷ ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.

+ Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện.

+ Nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Uỷ ban của Quốc hội, các ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

+ Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

+ Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; giao Đảng đoàn Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế.

+ Không bố trí chức danh uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội; các uỷ ban của Quốc hội có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Thực hiện phương án này, giảm được 04 uỷ ban của Quốc hội và 01 cơ quan trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

(4) Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ

- Rà soát lại tất cả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, sáp nhập, kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

- Rà soát, sắp xếp lại các cơ quan báo, tạp chí trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo hướng sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số báo, tạp chí không thật sự cần thiết.

- Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối bên trong, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.

(5) Đối với các địa phương

Cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và chủ động nghiên cứu:

- Đề xuất sáp nhập, giải thể một số ban, cơ quan, ban chỉ đạo của cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện; cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tương tự như ở Trung ương.

- Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ khối cấp tỉnh; lập 02 đảng bộ trực thuộc cấp uỷ cấp tỉnh. Trong đó:

+ Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp cấp tỉnh, gồm: các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, viện kiểm sát nhân dân, toà án nhân dân, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp uỷ cấp tỉnh.

+ Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh, gồm: các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước (tuỳ theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp) (doanh nghiệp khác chuyển về trực thuộc cấp uỷ cấp huyện); có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (riêng Đảng bộ quân sự và đảng bộ công an, đảng bộ biên phòng cấp tỉnh trực thuộc cấp uỷ cấp tỉnh giữ nguyên như hiện nay).

Đảng uỷ chính quyền cấp tỉnh ngoài các chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ trực thuộc cấp uỷ cấp tỉnh, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của ban cán sự đảng như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cấp uỷ (chi bộ) trực thuộc; dự kiến đề xuất chuyển một số nhiệm vụ công tác đảng vụ của đảng uỷ chính quyền cấp tỉnh (tương đương cấp huyện) về đảng uỷ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (cấp cơ sở), một số nhiệm vụ sẽ do ban đảng cấp uỷ cấp tỉnh thực hiện.

Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác của 02 đảng uỷ nêu trên.

Cùng với việc tổng kết và đề xuất mô hình tổ chức bộ máy mới theo các nội dung gợi ý, định hướng nêu trên, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải chủ động:

(1) Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác thuộc phạm vi lãnh đạo, quản lý và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt thực hiện sắp xếp đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức để bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, phù hợp tình hình, đặc điểm của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tiếp tục nghiên cứu sắp xếp, tinh gọn đơn vị hành chính các cấp.

(2) Rà soát, đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định của Đảng, quy định pháp luật có liên quan về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc của các cấp uỷ đảng, ban, bộ, cơ quan, đơn vị, tổ chức bảo đảm thống nhất, đồng bộ; xây dựng kế hoạch, xác định rõ bước đi, lộ trình cụ thể, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không để gián đoạn công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị, tổ chức và xã hội; tăng cường cải cách các thủ tục hành chính, gắn với đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp đột phá theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, xác định chuyển đổi số là động lực chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...

Đề xuất, xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, khẩn trương ban hành chính sách vượt trội và tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

(3) Tham mưu cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo và chuẩn bị thật tốt các nội dung, công việc liên quan, các điều kiện cần thiết để chuẩn bị thật chu đáo, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng. Để việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy được diễn ra thuận lợi, ít xáo trộn, Bộ Chính trị đã có chủ trương về việc tạm dừng tuyển dụng công chức, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử… trong thời gian thực hiện sắp xếp. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương này theo chỉ đâọ của Bộ Chính trị tại Công văn số 12400-CV/VPTW, ngày 30/11/2024 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Kính thưa các đồng chí,

Nhiệm vụ của chúng ta từ nay đến khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua, phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là rất lớn, thời gian còn lại không nhiều, đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, phương pháp làm việc khoa học của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương, các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và toàn hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ; đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới. Do đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện phải quán triệt và thực hiện tốt các chỉ đạo, định hướng của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đã đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí sức khoẻ, thành công!

----

[1] Ngày 29 - 30/11/2017, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết 18 và Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với tổng số khoảng 134.000 đại biểu tại hơn 900 điểm cầu, gồm đội ngũ cán bộ chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương; nhiều tỉnh, thành phố đã kết nối đến cấp huyện, cấp xã.

[2] Gồm 106 nhiệm vụ cần cụ thể hóa, thể chế hóa để tạo sự đồng bộ, tổng thể, liên thông trong thực hiện Nghị quyết, trong đó: 16 nhiệm vụ chung (08 nhiệm vụ thường xuyên, 08 nhiệm vụ theo lộ trình) gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; 90 nhiệm vụ cụ thể, phân công rõ trách nhiệm và lộ trình thực hiện đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan.

[3] Từ năm 2018 đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 10 đoàn kiểm tra thực hiện Nghị quyết tại các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.

[4] Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

[5] Trong đó:

- 25 ban cán sự đảng, gồm: Ban cán sự đảng Chính phủ; 20 ban cán sự đảng bộ, cơ quan ngang bộ; Ban cán sự đảng Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước

- 16 đảng đoàn, gồm: Đảng đoàn Quốc hội; 05 đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; 10 đảng đoàn ở các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.

[6] Tăng 04 đảng ủy trực thuộc Trung ương: Đảng ủy các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giảm 02 đảng ủy khối trực thuộc Trung ương hiện nay.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ"
Cảm hứng từ di sản dân gian trong “giấc mơ rực rỡ”
(Ngày Nay) - “Giấc mơ rực rỡ” là tên triển lãm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy vừa khai mạc tối qua 3/1/2025 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ trẻ sinh năm 1987 quê Vĩnh Phúc, trưng bày hơn 20 tác phẩm được anh vẽ trong hơn một năm qua.
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.