Tác phẩm “Bàn Vương Xướng - Quá Sơn Chi Ca” - biên đạo và thể hiện bởi đội nhảy Hanuyo, kể về sự hình thành dân tộc Dao, được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Bàn Vương Long Khuyển, nhân vật được cho là thuỷ tổ của người Dao ở miền núi phía Bắc Việt Nam.
_________________________
Việc đưa những chất liệu dân gian Việt Nam kết hợp vào loại hình nhảy yosakoi từ Nhật Bản không còn quá xa lạ với cộng đồng yêu thích môn nghệ thuật này ở Việt Nam. Từ áo dài, Nhật Bình, nón lá, nón quai thao, cờ hội làng, hay truyền thuyết – cổ tích quen thuộc như Sơn Tinh – Thủy Tinh, Tấm Cám, Công và Quạ đã được các bạn trẻ lồng ghép đầy sáng tạo, đem lại hơi thở đậm chất Việt vào Lễ hội Nhật Bản thường niên tại Thủ đô Hà Nội.
Chia sẻ với Ngày Nay về chủ đề huyền sử người Dao, đại diện Hanuyo cho biết:“Đất nước Việt Nam là nơi chung sống của 54 dân tộc anh em và mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng vô cùng đặc sắc. Tuy nhiên từ trước đến nay, hình ảnh về Việt Nam thân thuộc trong mắt bạn bè quốc tế thường là những hình ảnh về áo dài, nón lá, lúa nước - những đặc trưng văn hóa của người Kinh ở đồng bằng. Hanuyo mong muốn mang đến một hình ảnh Việt Nam “lạ” hơn thông qua một tác phẩm sử dụng chất liệu văn hóa dân tộc Dao.”
Không chỉ “lạ” trong mắt bạn bè quốc tế, huyền sử về dân tộc Dao cũng “lạ” đối với số đông công chúng Việt Nam. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia có vùng đất do vua Bình Vương cai trị vẫn thường xuyên bị quân lân bang của Cao Vương xâm chiếm, dân tình luôn trong cảnh lầm than. Bình Vương hứa với quần thần: Người sẽ gả con gái cho bất cứ vị hào kiệt nào có thể giết được Cao Vương. Nghe thế, Long Khuyển của Bình Vương tên là Bàn Hồ xung phong nhận nhiệm vụ. Bàn Hồ bơi suốt bảy ngày bảy đêm mới tới được đất của Cao Vương, cắn chết Cao Vương rồi ngoạm lấy đầu đem về, được Bình Vương gả con gái và sau biến thành người. Cũng có tộc người Dao kể khác rằng Bàn Hồ là tướng do trời giáng xuống, hóa thành Long Khuyển để hành thích Cao Vương (Hanuyo đã xây dựng bài diễn theo hướng này). Bàn Hồ sau khi lấy con gái của Bình Vương, được phong đất riêng xưng là Bàn Vương. Với niềm tin thủy tổ người Dao là chó hóa thân, tộc người này rất xem trọng giống loài này và có tục kiêng ăn thịt chó.
* * *
Với “Bàn Vương Xướng - Quá Sơn Chi Ca”, Hanuyo chú trọng vào việc truyền tải nội dung câu chuyện trong phạm vi một bài nhảy (thời lượng chưa đầy 5 phút), và xây dựng cấu trúc tác phẩm phù hợp với đội hình 60 thành viên. So với truyền thuyết Long Khuyển Bàn Hồ, Hanuyo đã lược bỏ những tình tiết phụ về nguồn gốc của Bàn Hồ, tập trung vào trận giao tranh của hai đội quân Bàn Hồ - Cao Vương.
Cùng cách kể sử dụng âm nhạc và vũ đạo, câu chuyện về Long Khuyển Bàn Hồ được các vũ công trẻ tái hiện vô cùng sinh động, hấp dẫn. “Bàn Vương Xướng - Quá Sơn Chi Ca” mở đầu bằng tiếng hát páo dung. Người Dao hát páo dung để gửi gắm tâm tư, mong ước. Câu páo dung trong tác phẩm của Hanuyo lại như tiếng khóc ai oán của người dân dưới ách đô hộ của Cao Vương.
“Cao Vương đến làng, khổ quá trời ơi...”
Ngay sau khúc bi thương là đến tiếng sấm rền báo hiệu Bàn Hồ giáng thế, đánh dấu biến chuyển thời cuộc. Tiếng nước biển ào ạt cùng nhịp điệu nhanh, sôi sục, thể hiện không khí quân Bàn Hồ bơi bảy ngày bảy đêm tìm đánh Cao Vương.
Tại cao trào của tác phẩm, tiết tấu được đẩy mạnh, thay đổi dồn dập thể hiện sự giao tranh khốc liệt giữa hai phe Bàn Hồ và Cao Vương. Hanuyo muốn tạo ra không khí điện ảnh bằng cách xen kẽ nhuần nhuyễn các đoạn nhanh và chậm, vẽ nên hình ảnh cuộc chiến khi thì bùng lên cận chiến dữ dội, lúc lại lắng xuống tính kế bàn mưu. Xen vào giữa khúc nhạc là tiếng chó gầm gừ ở nhiều sắc thái, thể hiện đặc tính Bàn Hồ, vốn dĩ là Long Khuyển giáng trần.
Trong cảnh Cao Vương thống trị, Bàn Hồ giáng thế và đôi bên giao tranh, động tác vũ đạo mạnh và có phần “sắc cạnh” hơn, kết hợp yếu tố võ thuật cùng những chi tiết mô phỏng “khuyển” và “ngưu”, linh vật tương ứng cho hai phe Bàn Hồ - Cao Vương. Đặc biệt, phân cảnh slowmotion (quay chậm) mang màu sắc điện ảnh giữa bài, khi Bàn Hồ né đường gươm của Cao Vương, cũng được ấp ủ từ khi lên ý tưởng âm nhạc và được dồn tâm sức để thể hiện qua động tác.
Lấy cảm hứng từ sân khấu kịch, đội hình “Bàn Vương Xướng - Quá Sơn Chi Ca” thay đổi liên tục nhằm thể hiện các cảnh trong câu chuyện và tính chất các tổ hợp các động tác cũng biến đổi theo từng cảnh.
Hết khúc giao tranh, âm nhạc điện tử hiện đại lắng xuống, nhường chỗ cho âm nhạc truyền thống với những nhạc cụ đặc trưng của người dân tộc Dao, như tù và, kèn pí lè, trống, chũm chọe… nhằm mô phỏng đám cưới với màu nhạc lễ đặc trưng của người Dao đỏ. Sau đám cưới, Bàn Vương và công chúa di dân mở đất, âm nhạc dần tươi sáng hơn như hy vọng của những người vượt núi (quá sơn) kiếm tìm nơi an cư lập nghiệp. Có thể bắt gặp những nét chấm phá về văn hóa rất riêng biệt của người dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc qua âm nhạc mang màu sắc hội hè, nghi lễ, sinh hoạt làng bản với tiếng cồng chiêng, tiếng kèn ở phân đoạn này. Những vũ đạo đặc trưng của điệu nhảy yosakoi Nhật Bản nhưng vẫn thể hiện không khí vui tươi của làng bản miền núi Việt Nam.
* * *
Bên cạnh việc tham khảo các bài báo và video giới thiệu văn hóa Dao, các thành viên Hanuyo cũng đã có chuyến đi Tuyên Quang và gặp gỡ với đồng bào người Dao tại đây để hỏi về truyền thuyết Bàn Vương cũng như các phong tục tập quán khác. Hanuyo cũng tìm đến những cán bộ và nhà nghiên cứu văn hóa để xin ý kiến. Thành viên đội còn tham gia vào các nhóm giao lưu trên Facebook của đồng bào người Dao để tìm phương thức liên hệ các nghệ sĩ hát páo dung mời hợp tác.
Trước khi thiết kế đồ diễn, đội cũng liên hệ với bà con dân tộc để lấy tư liệu trang phục người Dao đỏ cũng như nhờ bà con thực hiện một vài chi tiết trên trang phục. Những bộ đồ, phụ kiện của các vũ công trong “Bàn Vương Xướng - Quá Sơn Chi Ca” được thiết kế dựa trên mẫu trang phục truyền thống của người Dao đỏ Hà Giang. Nửa đầu tác phẩm thể hiện khung cảnh trước khi hình thành dân tộc Dao, hai phe Bàn Hồ và Cao Vương được phân biệt bởi màu trang phục vàng - lam tương ứng. Ngay khi sang cảnh đám cưới sau khi Bàn Hồ chiến thắng Cao Vương, trang phục của tất cả đồng loạt đổi sang màu đỏ chủ đạo cùng họa tiết thổ cẩm đặc trưng của người Dao đỏ.
Ngoài những cách điệu sáng tạo mang đặc trưng riêng của đội, Hanuyo cố gắng vận dụng tối đa các chi tiết trên trang phục truyền thống. Đặc biệt, phần cổ áo, khăn đầu, miếng hoa bạc trên yếm của hàng nữ và mũ của hàng nam được đặt thêu tay và gia công trực tiếp từ bà con dân tộc, tạo nên vẻ riêng biệt của từng bộ đồ diễn bởi nét độc nhất vô nhị của những sản phẩm thủ công. Thiết kế cuối cùng đã cải tiến trên bộ đồ truyền thống để phù hợp hơn với động tác nhảy mạnh cần dùng nhiều lực. Với mong muốn tái hiện chân thực nét độc đáo của trang phục người Dao, các thành viên đã tự tay làm các chi tiết thủ công khá cầu kỳ trên trang phục, những sự tận tâm và chỉn chu ấy đã gây được ấn tượng lớn với công chúng.
* * *
Thông qua tác phẩm “Bàn Vương Xướng - Quá Sơn Chi Ca”, Hanuyo hy vọng đã tạo ra một sự kết hợp mới lạ giữa Yosakoi và nét văn hóa dân tộc thiểu số tại Việt Nam, giúp khán giả phần nào hiểu thêm về truyền thuyết Bàn Vương nói riêng và những nét văn hóa đặc sắc của người Dao nói chung. Sau khi bài diễn ra mắt tại Việt Nam, Hanuyo đã nhận được nhiều chia sẻ hết sức tích cực của các khán giả về “Bàn Vương Xướng”. Trong đó có nhiều khán giả là các cô, chú lớn tuổi, điều này đã tiếp thêm động lực cho đội sáng tạo không ngừng trong những dự án tiếp theo.
Tháng 8 tới đây, với sự bảo trợ của Trung tâm Thông tin UNESCO - Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, đội nhảy Hanuyo sẽ chính thức đem bài diễn “Bàn Vương Xướng – Quá Sơn Chi Ca” đến với sân khấu của Harajuku Omotesandou Genki Matsuri Super Yosakoi 2024, một trong những Lễ hội thường niên lớn nhất Tokyo. Đại diện Hanuyo bày tỏ:“Chúng mình vô cùng vinh dự khi có thể đưa vẻ đẹp của văn hoá Việt đến với cộng đồng yêu Yosakoi cả trong và ngoài nước”.