Sự im lặng của Angkor Wat

Sự im lặng của Angkor Wat

Bình minh ló rạng, những ngọn tháp nguy nga của của Angkor Wat hiện ra với vẻ hùng vĩ tráng lệ, nhưng không còn những đoàn du khách chen lấn trên các bậc thang để chụp cảnh mặt trời mọc nổi tiếng nhất Campuchia.
______________
Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 1

Từng có lúc “ngộp thở” vì hàng triệu lượt khách du lịch đổ về, thì nay các đền thờ, phố mua sắm, bảo tàng và lăng tẩm tại tỉnh Siem Reap rơi vào tình cảnh im ắng lạ thường. Những người dân địa phương cho rằng kể từ khi đại dịch bùng phát, Angkor Wat đã rơi vào trạng thái “ngủ đông” như trước khi người châu Âu phát hiện ra quần thể đền đài này.

Ngày Tết của người Khmer năm nay hoàn toàn khác so với bất kỳ năm nào trước đó, khi rất ít hoặc hầu như không có khách du lịch đến thăm Công viên khảo cổ Angkor Wat.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, Công viên Khảo cổ học Angkor chỉ kiếm được 18,45 triệu USD doanh thu tiền vé, giảm 75% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu từ Angkor Enterprise.

Số lượng vé bán ra tại Di sản Thế giới này đã giảm 76,17% từ tháng 1 đến tháng 9, với chỉ hơn 396.241 khách du lịch nước ngoài mua vé. Riêng trong tháng 9, doanh thu bán vé tại Angkor Wat chỉ đạt 124.296 USD với 2.958 khách du lịch nước ngoài, giảm khoảng 97,45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 2

Chantrea – một nữ lao công làm việc tại Angkor Wat, không khỏi cảm thấy buồn bã sau khi chứng kiến cảnh tượng các đoàn du khách nườm nượp tới đây giờ lại “bốc hơi”.

“Tôi làm công việc quét dọn tại đây đã được 7 năm, tuy nhiên chưa bao giờ Angkor Wat lại im ắng tới vậy. Dù đã bước sang năm mới, thế nhưng tôi cũng chẳng thể vui được khi thu nhập bị cắt giảm”, Chantrea bộc bạch.

Cứ tới mùa cao điểm du lịch, Chantrea cùng các đồng nghiệp lại phải căng mình làm việc từ 6 giờ sáng tới 5 giờ chiều để đảm bảo quần thể đền Angkor Wat không bị chìm trong rác thải.

“Đều đặn mỗi ngày,  tôi dọn dẹp và thu gom rác dọc đường từ Cổng Tonle Om đến Phnom Bakheng”- cô nói. “Có khách hay không thì tôi vẫn phải bám trụ với công việc này, tôi còn có cả một gia đình phải lo”. Hor Sophea – một hướng dẫn viên du lịch thường nhận các đoàn khách Trung Quốc, cho biết đã rơi vào cảnh thất nghiệp kể từ cuối tháng 1 năm nay.

 “Tôi chưa bao giờ thấy ít khách du lịch đến vậy”, người phụ nữ 36 tuổi nói, ánh mắt hướng về phía con hào lớn bên trong quần thể Angkor Wat, nơi thường chật cứng du khách chụp ảnh. “Tôi rất lo lắng. Tôi không rõ chúng tôi có thể bám trụ được bao lâu nếu du khách nước ngoài không trở lại”.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 3

Quần thể Angkor ở tỉnh Siem Reap thu hút phần lớn khách du lịch nước ngoài, đạt kỷ lục 6,6 triệu lượt khách vào năm 2019, gần một nửa trong số đó đến từ Trung Quốc.

Nhưng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến lượng khách du lịch Trung Quốc giảm đến 90%. Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố giảm thuế cho các khách sạn và nhà nghỉ ở Siem Reap trong 4 tháng đầu năm để bù đắp các khoản lỗ.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 4

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi danh 38 di sản tại khu vực Đông Nam Á vào danh sách Di sản Thế giới (WHS) nhờ các giá trị văn hóa độc đáo, bối cảnh lịch sử và cảnh quan độc đáo. Kể từ khi COVID-19 bùng phát, các di sản cũng không nằm ngoài vòng xoáy tác động của đại dịch.

Các Di sản Thế giới nổi tiếng của Đông Nam Á bao gồm các quần thể đền, chùa, ruộng bậc thang, cảnh quan tự nhiên và các khu rừng nhiệt đới. Có thể liệt kê một số điểm đến nổi tiếng như thành phố cổ Ayutthaya của Thái Lan, quần thể Đền Prambanan ở Indonesia và Công viên Kinabalu của Malaysia, Vịnh Hạ Long của Việt Nam, quần thể Angkor Wat của Campuchia.

Trong số các nước thành viên ASEAN, thì Indonesia, Việt Nam, Philippines và Thái Lan có tới 27 trong tổng số 38 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 5

Đến năm 2027, WHS được dự báo sẽ đóng góp 563 tỷ USD vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho các nước ASEAN, với mức tăng trưởng hàng năm là 5,7 %. Do đó, lĩnh vực du lịch và lữ hành sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các quốc gia thành viên ASEAN phát triển bằng cách tạo ra việc làm và tạo điều kiện cho sự phát triển tích hợp trong khu vực.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân sống quanh rìa của vùng lõi di sản cũng như nền kinh tế nói chung. Du lịch là một trong những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.

Các biện pháp phòng ngừa chống như phong tỏa toàn quốc, hạn chế đi lại và nhập cảnh đã dẫn đến việc đóng cửa các cơ sở kinh doanh, địa danh, công viên giải trí và đẩy các Di sản Thế giới rơi vào tình trạng “ngủ đông”.

“Tại thời điểm này, 89% tất cả các tài sản Di sản Thế giới đã đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Các viện bảo tàng và các tổ chức văn hóa khác đang thất thu hàng triệu USD mỗi ngày. Các nghệ sĩ trên khắp thế giới không thể kiếm sống bằng nghề như trước. UNESCO đang vận động cộng đồng quốc tế tăng cường tiếp cận văn hóa và di sản trực tuyến, hỗ trợ khả năng phục hồi của người dân và giúp các chính phủ cùng nhau tìm ra các giải pháp bền vững”, ông Ernesto Ottone - Trợ lý Tổng Giám đốc Văn hóa tại UNESCO, cho biết.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 6

Trong bối cảnh một số quốc gia chọn cách đóng cửa, Campuchia vẫn tiếp tục cho Angkor Wat vận hành. Thế nhưng các lượt khách quốc tế thưa thớt không đủ để nuôi sống nền kinh tế địa phương.

“Các gia đình sống phụ thuộc vào công việc trong và xung quanh khu vực đền Angkor Wat hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng, với số lượng khách du lịch nước ngoài dự kiến giảm hơn 250.000 mỗi tháng. Hơn 75% doanh nghiệp lữ hành hiện đã phải đóng cửa”, Moninita Un, một nhà khảo cổ học Campuchia và giám đốc của Heritage Watch Campuchia, cho biết.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 7

Một mặt, đại dịch COVID-19 đang khiến sinh kế của người dân sống dựa vào các Di sản Thế giới bị thu hẹp, thế nhưng đây cũng là khoảng thời gian quan trọng để các di sản có cơ hội “hồi phục” sau nhiều năm gồng mình đón hàng trăm triệu lượt khách.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc tạm dừng du lịch trên toàn cầu đã mang đến cho các quốc gia Đông Nam Á cơ hội chưa từng có để xem xét cách thức tái thiết ngành du lịch theo hướng có lợi cho nền kinh tế của họ và cũng như bảo vệ tính nguyên vẹn của Di sản.

Angkor Wat vốn là một địa điểm du lịch nổi tiếng có ý nghĩa tôn giáo, văn hóa và lịch sử nhất tại Campuchia. Chỉ tính riêng trong năm 2019, đã có hơn 2 triệu người chọn nơi này làm điểm dừng chân khi tới Đông Nam Á.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 8

UNESCO cảnh báo sự bùng nổ du lịch và dân số ngày càng tăng ở tỉnh Siem Reap đã gây ra tình trạng thiếu nước. Điều đó khiến các nhà chức trách khai thác nguồn nước ngầm, chính điều này có thể gây sụt lún mặt đất tại quần thể Angkor Wat.

Trong những năm gần đây, chính quyền địa phương đã tăng giá vé và hạn chế số lượng người có thể ngắm hoàng hôn từ ngọn đồi ở Phnom Bakheng nổi tiếng, nhưng các khu vực khác của Angkor Wat, trải dài 400 km2, vẫn không được bảo vệ.

Susanne Becken, Giám đốc Viện Du lịch Griffith (Australia), nói rằng trong 20 đến 30 năm qua, du lịch ở Đông Nam Á đã phát triển với tốc độ chóng mặt và vượt quá khả năng quản lý của các nhà khai thác.

“Giờ là lúc các chính phủ phải suy nghĩ lại về việc họ có muốn chào đón những khách du lịch tiết kiệm, những người đến trong vài ngày và không chi nhiều tiền, hay phân tích đúng đắn những gì họ muốn từ du lịch”, bà Becken nói.

Vào tháng 7, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã công bố một sáng kiến mới kêu gọi phục hồi sự phục hồi có trách nhiệm cho ngành công nghiệp du lịch sau đại dịch.

Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết: “Tính bền vững không còn là một lĩnh vực thích hợp của du lịch mà phải là tiêu chuẩn mới cho mọi lĩnh vực của chúng ta. Việc chuyển đổi ngành du lịch nằm trong tay chúng tôi và COVID-19 chính là bước ngoặt để thay đổi”.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 9

Đối với những người sống ở Campuchia, đại dịch đã mang đến cho du khách một cơ hội hiếm có để khám phá Angkor Wat trong yên bình.

Jared Cahners, một người nước ngoài đã sống ở Campuchia khoảng 10 năm, thức dậy từ 4 giờ sáng để đi bộ vào khuôn viên Angkor Wat. Ngắm bình minh tại đây luôn là ưu tiên hàng đầu của du khách khi tới Campuchia, thế nhưng vào sáng hôm đó chỉ có mình Cahners chứng kiến mặt trời mọc lên trên đỉnh 3 tòa tháp.

“Tôi là người nước ngoài duy nhất đi ngắm bình minh ở Angkor Wat vào ngày hôm đó. Cảm giác chỉ có một mình trước khung cảnh hùng vĩ ấy đã khiến tôi bị choáng ngợp”, Cahners nhớ lại.

Theo Long Kosal, phát ngôn viên của cơ quan quản lý Angkor Wat, về mặt tích cực, việc thiếu du khách đang cho phép chúng tôi tiến hành công việc bảo trì theo kế hoạch, chẳng hạn như trồng cây và khôi phục các bậc thang. Chúng tôi đang chuẩn bị cho thời điểm khách du lịch quay trở lại.”

Ông Chay Sivlin, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Campuchia, dù chính phủ Campuchia đã dự tính mở cửa cho du khách nhập cảnh trở lại và năm 2021, thế nhưng vẫn phải mất 4 năm để Angkor Wat khôi phục lượng khách như trước đại dịch.

“Hơn 10.000 người làm việc trong lĩnh vực du lịch đã rơi vào cảnh thất nghiệp và khoảng 600 khách sạn đã đóng cửa trên toàn quốc trong năm nay”, Sivlin nói. “Thế nhưng đây cũng là dịp để chúng tôi thúc đẩy du lịch nội địa”.

Ou Virak – một du khách tới từ Phnom Penh, cho biết anh quyết định đến thăm Angkor Wat vào dịp Tết cổ truyền. Theo Virak, đây là một dịp hiếm gặp trong đời để cảm nhận không gian tĩnh lặng tại quần thể đền đài này. Thế nhưng sự yên lặng của Angkor Wat cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn người khác đang lao đao vì thất nghiệp.

“Đối với người Campuchia, Angkor Wat không chỉ là một điểm thu hút khách du lịch. Nơi đây là một thánh địa và là một phần di sản văn hóa của chúng tôi. Điều này thể hiện ngay trên quốc kỳ của chúng tôi”.

Sự im lặng của Angkor Wat ảnh 10

Bài: Bắc Hiệp

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Nhóm nhạc BTS tích cực quảng bá văn hóa Hàn Quốc. Ảnh: Bighit Entertainment
Giới trẻ châu Á kể chuyện văn hóa dân tộc
(Ngày Nay) - Người trẻ châu Á ngày nay không chỉ năng động, sáng tạo mà còn luôn ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Họ đang thổi bùng sức sống mới cho văn hóa truyền thống bằng những cách thức độc đáo và đầy cảm hứng.
Ảnh minh họa
Công an Hà Nội cảnh báo 24 thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm tài sản
(Ngày Nay) - Theo Công an TP Hà Nội, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động, lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại đặc biệt lớn về kinh tế-xã hội.
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
Tầng lớp tỷ phú, giàu có tìm nơi tận hưởng cuộc sống “xa xỉ thầm lặng”
(Ngày Nay) -  “Quiet luxury” - sự xa xỉ thầm lặng đang phát triển thành xu hướng sống, phong cách tận hưởng mới của giới thượng lưu. Bắt nguồn từ thời trang, xu hướng này “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản và được giới nhà giàu ưa chuộng. Điều này lý giải vì sao phân khu The Miyabi (thuộc Thành phố đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island) được săn đón ngay khi vừa ra mắt .
Ảnh minh họa
WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu mới giám sát virus corona
(Ngày Nay) -  Ngày 27/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ra mắt mạng lưới toàn cầu mới về virus corona CoViNet để phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng.