Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải

“Nhiều diện tích của cụm di chỉ đang bị thu hẹp, nếu tiếp tục làm đường thì mọi thứ coi như hỏng hết, mất hết. Chủ đầu tư dự án, họ là đơn vị sản xuất kinh doanh, họ đâu có kiến thức, chuyên môn gì về cổ vật, hiện vật mà phối hợp. Mà phối hợp kiểu gì…?” - Ông Nguyễn Văn Thắng từng có thâm niên 10 năm làm trưởng thôn Lai Xá xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội thở dài nói với phóng viên.
____________________
Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Thắng lọ mọ dẫn chúng tôi ra Cụm di chỉ khảo cổ học Vườn chuối, Hà Nội lúc giữa trưa.

Tiếng là khu di chỉ nổi tiếng nhưng Vườn chuối hiện chỉ là khu đất hoang hóa, cỏ mọc lút đầu người, đoạn đường mòn dẫn vào “vùng lõi di chỉ” có chỗ nước ngập ngang bánh xe. Ông Thắng thở dài sườn sượt rồi bảo: “Đây, khu di chỉ khảo cổ đấy, anh xem người ta quản lý như thế này có được không? Dưới này là vô số những cổ vật nhưng khu đất chỉ được giới khảo cổ đo đạc, vẽ bản đồ rồi để đó, chẳng có hàng rào ngăn cách với bên ngoài. Tóm lại, chẳng ai quản, chẳng có biện pháp giữ gìn, trông coi. Bọn trộm đã mấy lần vào đây đào trộm cổ vật rồi”.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải ảnh 2

Ông Thắng chỉ tay rồi nói tiếp, kia kìa, cả một tổ hợp nhà máy trộn bê tông, nếu cứ để thế này, chẳng chóng thì chày những công trình phụ trợ và bê tông phế phẩm nó sẽ “ngoặm” vào đây. Còn đây là khu vực người ta dự kiến sẽ mở đường. Thật quái lạ, cái thành phố này đã hết đất đâu mà lại định “vẽ” cả dự án làm đường vào khu di chỉ khảo cổ nổi tiếng của Thủ đô.

Ông Thắng từng có hơn 10 năm làm trưởng thôn Lai Xá xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, chính vì vậy, lịch sử của khu vực gò Vườn Chuối này ông nắm rõ như lòng bàn tay. Nhiều năm đi cùng các nhà khảo cổ học, các chuyên gia văn hóa tìm kiếm, khai quật, bảo vệ và giữ gìn hiện vật, ông Thắng đã có thêm rất nhiều kiến thức, hiểu biết về giá trị của vùng đất này. Khi chứng kiến cụm di chỉ ngày càng bị “gặm nhấm”, xâm thực dữ dội, ông rất đau xót nhưng kêu mãi, kiến nghị mãi, tình hình không có gì khá khẩm hơn.

Theo thông tin được công bố từ các cơ quan chuyên môn thì Cụm di chỉ Vườn Chuối được các nhà nghiên cứu khảo cổ học phát hiện và nghiên cứu từ năm 1969, có tổng diện tích phân bổ di tích gần 19.000m2. Từ đó đến nay, hàng chục đợt thăm dò, khai quật nghiên cứu được tiến hành ở các gò: Vườn Chuối, Dền Rắn, Mỏ Phượng, Cây Muỗng, Chùa Gio và Chiền Vậy.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải ảnh 3

Kết quả các lần khai quật đã ghi nhận Vườn Chuối là loại hình di chỉ cư trú kết hợp mộ táng, tồn tại ít nhất 3 tầng văn hóa phát triển liên tục từ giai đoạn Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn.

Các chuyên gia khảo cổ đã thu được hơn 1.000 hiện vật đá với các loại công cụ lao động, đồ trang sức và các loại hiện vật khác gồm: Rìu, bôn, đục, bàn mài, chì lưới, mảnh vòng, mảnh khuyên tai, hạt chuỗi...; khoảng 40 hiện vật đồ đồng gồm rìu, dao, kim, lưỡi câu… Đồ gốm tìm thấy đều là gốm mảnh thuộc các loại hình nồi, vỏ, bát… thuộc các giai đoạn từ Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn và muộn hơn.

Dấu vết còn lại của rìu, bôn, đục, vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi… cho thấy kỹ thuật chế tác tinh xảo với nguyên liệu đều là từ đá ngọc. Đồ đồng gồm rìu, lưỡi câu, mũi giáo được phát hiện chủ yếu ở tầng văn hóa Đông Sơn nhưng cũng xuất hiện ở cả Gò Mun và Đồng Đậu.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải ảnh 4

Những hiện vật còn lại cho thấy các cư dân cổ Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn đã nắm vững và phát huy đến trình độ rất cao những nghề thủ công như chế tác đồ đá, đồ gốm, gỗ, nấu đúc kim loại đồng, xe sợi dệt vải… Những dấu tích vỏ trấu in trên một số mảnh gốm, mảnh đất nung cho thấy thông tin về nghề nông, trồng lúa nước. Vết tích của nghề chài lưới, bắt cá được tìm thấy qua các viên chì lưới bằng đất nung và lưỡi câu đồng.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải ảnh 5

Rất nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực khảo cổ, văn hóa đã kiến nghị nên khoanh vùng bảo vệ, giữ lại một phần di chỉ khảo cổ này để làm công viên khảo cổ và nơi thực tập, tham khảo cho sinh viên. Cục Di sản văn hóa cũng đề nghị các cấp chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ trong việc bảo vệ khu di tích trước nguy cơ bị xâm phạm, hạn chế các hoạt động xây dựng ở khu vực này, đồng thời khẩn trương làm hồ sơ xếp hạng cho di tích Vườn Chuối. Tuy nhiên đến nay, do chưa được công nhận, xếp hạng cho di tích vẫn đang bị “treo” nên Cụm di chỉ Vườn Chuối cơ bản vẫn trong tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Năm 2017, UBND TP Hà Nội đã có Công văn yêu cầu UBND huyện Hoài Đức phối hợp Ban quản lý Dự án “Bảo vệ, gìn giữ nguyên trạng Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối”. Ngày 8/4, chính Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đã có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức đề nghị trong quá trình thực hiện dự án mở đường 3.5, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao, Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan quản lý, bảo vệ hiện trạng mặt bằng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, giải quyết những phát sinh theo các quy định của pháp luật về công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học trên địa bàn thành phố và tiến độ thực hiện dự án.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải ảnh 6

Mặc dù đã có tiếng nói chính thức từ phía UBND TP Hà Nội nhưng không ít người dân Lai Xá cho rằng, công văn như vậy cũng chẳng rõ ràng. Khu vực Vườn chuối là di chỉ khảo cổ rất đặc biệt, được giới khoa học khẳng định chắc như đinh đóng cột, thế nhưng vẫn để dự án làm đường “vắt” ngang, để doanh nghiệp san lấp hạ tầng đầy để xây dựng. Đến nay đã có nhiều diện tích di chỉ bị thu hẹp, nếu tiếp tục làm đường thì mọi thứ coi như hỏng hết. Chủ đầu tư dự án, họ là đơn vị sản xuất kinh doanh, họ đâu có kiến thức, chuyên môn gì về cổ vật, hiện vật mà phối hợp, mà phối hợp kiểu gì?

Trong bản báo cáo năm 2019 của đoàn công tác Viện phó Viện Khảo cổ học công bố cho thấy, toàn bộ khu vực Vườn Chuối bao gồm sáu gò: Chùa Gio, Đình Lỗ, Chiềng Vậy... nay đã trở thành một phần của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, cùng với ba gò còn lại chính là khu vực khai quật, nghiên cứu nói trên. Hiện tại ba gò Mỏ Phượng (hay còn gọi là Mả Phượng), gò Dền Rắn và gò Vườn Chuối đều thuộc phạm vi dự án xây dựng khu đô thị mới của Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng, cảnh quan đã hoàn toàn bị thay đổi do san lấp mặt bằng.

Ông Thắng chua chát nói, bao nhiêu năm loay hoay không có biện pháp gì quyết liệt để bảo vệ cụm di chỉ. Bây giờ nếu có khách hỏi ngàn năm ở chỗ nào, cái gì là ngàn năm, bằng chứng, vật chứng đâu thì chẳng biết đâu mà chỉ, mà dẫn lối. Cái cụm di chỉ Vườn Chuối này mà phá đi, thì rất có tội với cha ông của chúng ta.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải ảnh 7

Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân khác của thôn Lai Xá thì không ngồi yên chờ các cơ quan chức năng hành động nữa. Từ hơn mười năm qua, ông âm thầm sưu tập, tìm kiếm, thu mua những cổ vật được người dân Lai Xá phát hiện trong khi sản xuất, canh tác hay tìm thấy, nhặt được sau khi các đơn vị thi công san lấp mặt bằng tại Vườn Chuối và các khu vực phụ cận.

Bộ sưu tập của ông Hùng có gần 30 chiếc rìu đồng, tất cả được trưng bày cẩn thận trong tủ kính. Bên cạnh bộ sưu tập rìu đồng, ông Hùng còn thu thập được vô số những loại vũ khí bằng đồng như mũi tên, dao, kiếm… với hình dáng, hoa văn cực kỳ tinh xảo, lạ mắt.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia văn hóa, khảo cổ hàng đầu tại Việt Nam khi trực tiếp tham quan bộ sưu tập của ông Hùng đã không khỏi “sởn da gà”. Một số thứ ông Hùng sưu tập được đặc biệt quý hiếm mà giới khảo cổ hoặc những nhà sưu tập chuyên nghiệp có nằm mơ cũng không thấy được, như chiếc lưỡi cày bằng đồng, hoặc chiếc vòng tay bằng đá còn nguyên vẹn với những hoa văn, màu sắc cực lạ.

Ông Hùng cho biết, từ việc trưng bày những cổ vật này, ông khao khát hướng tới người dân, chính quyền, các cơ quan chuyên môn sẽ cùng xây dựng được một bảo tàng quy mô, trưng bày đầy đủ nhất những cổ vật được tìm thấy tại cụm di chỉ Vườn Chuối. Có được bảo tàng này, người dân Lai Xá, người Hà Nội sẽ hiểu rõ hơn, biết rõ hơn về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Ông Thắng, ông Hùng cho biết, đa số người dân Lai Xá đều mong cụm di chỉ Vườn Chuối được công nhận là di tích, được khoanh vùng bảo vệ giữ gìn và nếu có thể thì Nhà nước sẽ cho thành lập một công viên di sản tại đây, để đón tiếp du khách, để giáo dục về những giá trị văn hóa, lịch sử cho học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra, thì xem ra những mơ ước, kỳ vọng của những người Lai Xá khá xa vời. Lớp người như ông Thắng, ông Hùng năm nay cũng đã thất thập cổ lai hy. Sức lực, niềm đam mê, sự tự hào về mảnh đất đầy những trầm tích văn hóa cũng dần dà vơi bớt, nhạt nhòa theo tuổi tác. Giờ đây, họ chỉ biết lặng nhìn mảnh đất Vườn Chuối đầy những cỏ dại, nước đọng và ngày càng co cụm lại. Rất có thể, Vườn Chuối mai này sẽ chỉ còn trong ký ức của những người hoài cổ.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối Hà Nội: Những tiếng thở dài khắc khoải ảnh 8

Các nhà khoa học hiện đang đề xuất 3 phương án bảo tồn cụm di tích Vườn Chuối

Phương án 1: Bảo tồn nguyên trạng toàn bộ cụm di tích Vườn Chuối với tổng diện tích gần 12.000m2; trong khu vực di tích không xây dựng bất kỳ công trình kiến trúc nào.

Phương án 2: Dành một phần diện tích di chỉ Vườn Chuối để thực hiện việc dựng bia giới thiệu về cụm di chỉ khảo cổ học, tiến hành xây dựng hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng khi đủ điều kiện. Thông báo cho chủ đầu tư xây dựng đường vành đai 3,5 và chủ đầu tư xây dựng khu đô thị Kim Chung - Di Trạch cần thực hiện khai quật di dời di tích trước khi xây dựng theo Luật Di sản văn hoá.

Phương án 3: Bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, tiến hành khai quật nghiên cứu 6.000m2 nửa phía Tây của di chỉ. Đồng thời với việc khai quật là xây dựng hồ sơ di tích để xếp hạng theo Luật Di sản văn hóa.

Bài: Việt Hoàng

Thiết kế: Thúy Hà

TIN LIÊN QUAN
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát điều chỉnh dự án thu hồi đất sân bay Long Thành
Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản số 2705/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hướng xác định chính xác diện tích đất sử dụng cho sân bay và diện tích đất tái định cư cho dự án xây dựng sân bay Long Thành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định bổ sung, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Thúc đẩy phổ cập công nghệ blockchain và AI
Ngày 24/4, tại Diễn đàn thường niên về Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII).
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
WHO: Các loại vaccine cứu 154 triệu mạng người trong 50 năm
Các nỗ lực tiêm chủng trên toàn cầu đã giúp cứu được 154 triệu mạng sống trong 50 năm qua. Đáng chú ý, phần lớn những người được hưởng lợi là trẻ sơ sinh. Đây là kết quả mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 24/4, phản ánh hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu trong nhiều thập niên qua.
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Du lịch Thái Lan bội thu từ lễ hội Songkran
Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cho biết việc kéo dài lễ hội Songkran trong vòng 3 tuần đã giúp tạo ra khoản doanh thu lên tới 140 tỷ baht (3,7 tỷ USD) cho ngành du lịch nước này, thu hút 1,9 triệu khách du lịch nước ngoài đến thăm trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hang Táu (Mộc Châu) đem đến hình ảnh một ngôi làng nguyên thủy.
Công nhận Mộc Châu là Khu du lịch quốc gia
(Ngày Nay) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ký Quyết định số 1077/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận Khu du lịch Mộc Châu, tỉnh Sơn La là Khu du lịch quốc gia.
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: UNESCO/S. Ussavasodhi
Bangkok gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu
(Ngày Nay) - Thành phố Bangkok, Thái Lan đã chính thức gia nhập mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu (GNLC) của UNESCO vào đầu năm 2024, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực biến Thủ đô của Thái Lan thành trung tâm giáo dục hàng đầu khu vực và thế giới.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh có những thay đổi xã hội sâu sắc. Ảnh: Shutterstock
Ứng phó với những thách thức toàn cầu thông qua sáng kiến hợp tác
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh những thay đổi xã hội sâu sắc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hội thảo “Định hình Chương trình Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn ở châu Á” sẽ tập trung vào việc xác định các ưu tiên nghiên cứu và các sáng kiến hợp tác để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.
Sự kiện "Phổ cập Giáo dục Truyền thông và Thông tin tại Ecuador" đã diễn ra tại thủ đô Quito (Ecuador). Ảnh: UNESCO
Ecuador đẩy mạnh giáo dục truyền thông và thông tin
(Ngày Nay) - Sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của “Phổ cập giáo dục truyền thông và thông tin tại Ecuador” (MIL) trong việc phát triển công dân kỹ thuật số có trách nhiệm, loại bỏ thứ ngôn từ thù hận và thông tin sai lệch.