Ngày Nay đã ghi lại câu chuyện của doanh nhân trẻ Đỗ Quang Vinh.
Là con trai của Bầu Hiển, tôi rất tự hào về cha mình, một người đàn ông xuất sắc, tài giỏi. Doanh nghiệp của cha tôi xây dựng đã rất lớn mạnh, nằm trong Top những Tập đoàn hoạt động đa ngành lớn nhất tại Việt Nam.
Thú thực, có những lúc tôi thấy áp lực khi muốn bước ra khỏi cái bóng rất lớn của cha để khẳng định bản thân mình.
Bầu Hiển nghiêm khắc với con cái, ông là người luôn lao động nên cũng không muốn nhìn thấy những đứa con của mình làm việc kiểu hời hợt, ăn chơi, thích hưởng thụ hơn là lao động. Ông tạo ra những áp lực vừa sức để các con có động lực cố gắng.
Tôi còn nhớ, lúc tôi tầm 9,10 tuổi, Bầu Hiển đã thành công vang dội khi sản xuất và kinh doanh xe gắn máy. Thời đó ông đã bán được rất nhiều xe máy ra sang châu Phi, tại thị trường Việt Nam đương nhiên là tiêu thụ rất tốt. Tuy nhiên, ông chưa khi nào nói với các con về sự giàu có đang “ập” tới rất nhanh. Nhiều đêm đi làm về muộn, ông vẫn chở vợ con bằng xe máy ra phố ăn phở.
Chính vì vậy, từ tấm bé tôi đã bắt đầu có ý thức về việc phải lao động, phải học tập để tự chuẩn bị hành trang cho mình. Nó giống như một cuộc đua marathon đường dài vậy, mà cha luôn là người chạy trước, chúng tôi bám đuổi nhưng cũng “núp gió” ở phía sau.
Nhưng điều đó khiến tôi thích thú, nó là động lực giúp tôi cố gắng hơn mỗi ngày, nếu không muốn bị tụt lại quá xa so với cha mình.(cười)
Nhưng doanh nghiệp càng lớn, tôi càng thấy thương cha mình nhiều hơn. T&T bây giờ như một đoàn tàu cực dài, chạy trên một hành trình cũng không hề dễ chịu. Để đảm bảo cho đoàn tàu đó đi đúng hướng, tăng doanh thu, lợi nhuận hàng tháng, hàng quý và đảm bảo đời sống cho hàng vạn cán bộ công nhân viên, cha tôi luôn phải làm việc, làm việc và làm việc.
Có những cuộc họp thông trưa, đôi khi họp xong, nhân viên đói mềm, kéo nhau đi ăn thì bố tôi cũng mới được nhắc đi ăn. Ông kiếm được rất nhiều tiền nhưng hiện tại, khoản tiền hàng ngày ông tiêu cho cá nhân mình nhiều nhất đó là xì gà. Việc đi ngủ sau 2 giờ dường như đã thành 1 thói quen của ông.
Mỗi năm, đại gia đình tôi cũng không có quá nhiều đợt đi du lịch cùng nhau. Ông không có thời gian để nghỉ ngơi nhiều. Nói ra điều này, mọi người có thể không tin và sẽ cười, nhưng tôi cảm nhận, những người được gọi là giàu có, đại gia như bố tôi quá vất vả. Ông đâu được hưởng thụ nhiều hơn một người bình thường.
Như tôi đã nói từ đầu, đoàn tàu phía sau càng lớn, thì người chỉ huy, người lái trưởng lại càng phải căng sức để vận hành nó. Thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi là gần như không có.
Ở vị thế như của bố tôi, ông không nghĩ tới việc làm giàu, tích luỹ cho cá nhân, gia đình nữa rồi, ông muốn góp sức nhiều hơn để phát triển xã hội, cùng các doanh nhân lớn khác phát triển đất nước. Đó là gánh nặng mà ông đã tự nguyện khoác lên vai.
Những khoảnh khắc ông vui vẻ, thoải mái và hồn nhiên nhất là lúc chơi với hai đứa cháu, con của tôi. Tôi rất mong chúng mau lớn, biết gọi ông, nhắc ông không làm việc quá khuya, không hút nhiều xì gà… Có lẽ chỉ mấy đứa nhỏ là có khả năng “tác động”, thay đổi được Bầu Hiển mà thôi.
Lớn lên, trưởng thành bên cạnh một người xuất sắc như vậy, đương nhiên hai anh em chúng tôi có những lợi thế so với chúng bạn. Tuy nhiên, danh xưng thiếu gia nhiều khi khiến tôi không thấy thoải mái. Nhiều người gặp tôi luôn hỏi, à cậu này là thiếu gia nhà bầu Hiển, con trai bầu Hiển đây mà... Vì vậy, nếu muốn bước ra khỏi cái bóng của cha, được xã hội ghi nhận bằng chính năng lực, trí tuệ của mình, tôi phải nỗ lực, cố gắng gấp 2,3 lần người khác.
Tôi được đi du học rất sớm. Từ năm 15 tuổi. Nhưng đừng nghĩ đi nước ngoài du học là sướng. Tôi sang Singapore khi vốn tiếng Anh còn bập bẹ, không bạn bè, không người thân ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Đó là khoảng thời gian rất áp lực đối với một cậu trai mới lớn đang muốn đi học để tự khẳng định mình.
Trong hai tháng đầu, phản xạ ngôn ngữ của tôi rất kém, không thể nói chuyện được với các bạn trong lớp, thầy giảng không hiểu, đọc đề toán cũng không hiểu. Tôi suýt trầm cảm, vì tự ti và có phần shock văn hoá.
Một tối, Bầu Hiển gọi sang cho tôi, lần đầu tiên tôi khóc như mưa khi nói chuyện với cha vì nghĩ mình sẽ không thể chịu đựng thêm. Tuy nhiên sau khi nói chuyện với ông, tôi xốc lại được tinh thần để tiếp tục việc học và sau đó tôi đã vượt được qua hết những rào cản của bản thân và vượt qua chính các bạn cùng lớp.
Có thể nhiều người không tin con trai bầu Hiển lại đi bưng bê, làm bồi bàn ở nước ngoài để tự kiếm tiền sinh hoạt. Nhưng tôi đã đi làm thêm khá nhiều. Tôi không có những nhu cầu quá lớn như dùng hàng hiệu, siêu xe, điện thoại đắt tiền hoặc du lịch sang chảnh, mọi thứ gói gọn trong việc ăn, học nên thấy thoải mái, tự tin hơn với số tiền mình làm ra, để chi tiêu cho cá nhân mình.
Mẹ tôi là cán bộ của Tổng cục Hậu cần, Bộ Công an. Bà luôn quản lý, nhắc nhở con cái chi tiêu rất chặt chẽ. Khi là sinh viên, tôi mua áo cũng có khi phải hỏi mẹ, đó cũng không phải hàng hiệu đắt tiền.
Sau khi tốt nghiệp, tôi phải tự đi xin việc để trải nghiệm, trau dồi những khó khăn, vất vả khi đi làm ở môi trường ngoài. Sau khi thấy con mình đã được tôi luyện đủ, bố tôi giao cho tôi phần việc khá quan trọng, đó là phụ trách T&T chi nhánh tại Mỹ. Chúng tôi có 2 dự án bất động sản, đều nằm ở California. 1 trong số này là phát triển đất, xây nhà ở với khoảng đầu tư gần 10 triệu USD, 1 còn lại là cho thuê, kinh doanh 7 triệu USD.
Hơn 10 năm vừa học, vừa làm ở Singapore, Anh quốc… tôi tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ ngành tài chính, ngân hàng. 10 năm đó, là quãng thời gian mà tôi nghĩ mình được bố mẹ tạo điều kiện cho bước chân ra khỏi vòng tay bao bọc của gia đình, để tự lập, để tiếp cận với thế giới bên ngoài. Hành trình đó khá vất vả chứ không phải cuộc dạo chơi của thiếu gia, như cách nhiều người thường nghĩ.
Công việc này tôi làm trong khoảng 3 năm, thời điểm đó việc tìm nhân sự bên Mỹ rất khó khăn, mức lương cũng đắt. Bầu Hiển giao cho tôi làm và trả mức lương bằng ½ so với thuê người ngoài. May mắn là tôi đã làm khá tốt phần việc được giao. Bầu Hiển đã lời khá lời khi “thuê” tôi. (cười).
Tôi cũng đã từng nếm mùi bị từ chối khi đi xin việc dù sở hữu một CV không hề tệ nhưng lý do mà họ đưa ra khá là đặc biệt: “Em hãy nhường cơ hội cho người khác”. Có lẽ, họ nghĩ thiếu gia nghìn tỷ không cần đi làm, không cần tích luỹ kinh nghiệm…
Sau nhiều năm đi làm ở nước ngoài, tôi đã trở về Việt Nam, công việc hiện tại của tôi là Phó Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng SHB.
Dù đã có “chức sắc” tại một ngân hàng lớn, nhưng tôi tâm niệm, vẫn phải học hỏi, cố gắng rất nhiều để từng bước nhận những trọng trách cao hơn, phát triển những thành công mà bố và hàng vạn con người ở dưới đã và đang góp sức làm nên.
“Chiếc áo” của Bầu Hiển rất rộng, hi vọng trong tương lai, nếu được mặc, tôi sẽ cố gắng để mặc vừa.
Cha tôi - Bầu Hiển từng có ý định hiến phần lớn dành cho xã hội, chỉ để cho con cái một phần nhỏ. Nếu cha quyết thực hiện tâm nguyện đó, anh em tôi và mẹ cũng sẽ luôn ủng hộ.
Tôi nghĩ, mình và em trai đã được thừa kế một “di sản” rất lớn của cha, đó là lòng nhiệt huyết, tình yêu của ông dành cho con cái, gia đình và với công việc. Những khó khăn mà tôi đã gặp phải, dù lớn hay nhỏ… Bầu Hiển đều biết hết. Có lẽ ông muốn chúng tôi hiểu rằng, là đàn ông thì phải làm quen, vượt qua được những đợt sóng nhỏ, không bao giờ được lùi bước hoặc buông xuôi khi gặp thách thức, khó khăn.
Bài: Việt Hoàng
Thiết kế: Thúy Hà