Đưa không gian văn hóa tâm linh về đúng nghĩa

Đưa không gian văn hóa tâm linh về đúng nghĩa

Xuân là mùa của chồi non, sự sống nảy nở. Đây cũng là thời điểm đẹp nhất trong năm để cùng nhau đi lễ cầu an và vãn cảnh những ngôi chùa linh thiêng, mang đậm nét văn hóa, tâm linh người Việt.

_________________

Nằm tĩnh lặng giữa con phố Quán Sứ lúc nào cũng nhộn nhịp kẻ xuôi người ngược, chùa Quán Sứ như một nốt trầm bình yên lạc giữa bản hòa tấu sôi động của thế sự. Bước chân vào cổng tam quan uy nghi, người ta như chìm vào hương thơm thoang thoảng của nhang trầm, tiếng chuông chùa ngân nga, lạc vào thế giới kiến trúc độc đáo với chánh điện trang nghiêm, nhà tổ và gác chuông cổ kính… Chỉ cách Hồ Gươm chừng một kilomet, chùa Quán Sứ là địa chỉ thu hút hàng ngàn Phật tử, du khách ghé chân để cầu bình an, may mắn. Những ngày đầu Xuân, không gian chùa Quán Sứ được trang hoàng lộng lẫy với những lồng đèn đỏ, chậu quất, đào tươi thắm...

Đã hai năm nay, những hình ảnh xấu xí, tiêu cực ở chốn tâm linh như đốt vàng mã vô tội vạ, xả rác bừa bãi khu xếp lễ… đã không còn bắt gặp trong khuôn viên chùa Quán Sứ. Trong dòng người đi lễ hôm mồng Một tháng Hai âm lịch, ai nấy đều nhẹ nhàng, vận đồ kín đáo, khom người xếp dép ở phía ngoài để được vào chính điện. Chẳng ai bảo ai, tất cả đều cố gắng giữ im lặng, tôn trọng sự trang nghiêm của chốn thiền môn. Những pho tượng lớn sơn son thếp vàng đặt theo các bậc từ cao xuống thấp đều không thấy có hiện tượng rải tiền. Tất cả nội dung về Quy tắc ứng xử thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội đều được đặt ở những vị trí dễ nhìn nhất trong chùa để người dân đều có thể lĩnh hội. Điều đặc biệt là ngay cả những câu đối, chữ viết trong chùa đều được viết bằng chữ Quốc ngữ thay vì chữ Hán như những ngôi chùa khác, dù chùa Quán Sứ được xây dựng cách đây cả gần thế kỷ.

Đưa không gian văn hóa tâm linh về đúng nghĩa ảnh 1

Cách đó không xa, vòng về phía hồ Tây, Phủ Tây Hồ cũng đón hàng ngàn du khách thập phương về chiêm bái mỗi ngày. Phủ nằm trên một bán đảo nhỏ giữa hồ Tây, tọa lạc trên phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ. Vừa bước vào Phủ, đón tiếp mọi người là giọng nói nhẹ nhàng của Ban quản lý Di tích lịch sử Phủ Tây Hồ trên loa phát thanh, lưu ý nhắc nhở người dân chú ý bảo quản tư trang, thực hiện nghiêm túc những Nội quy ứng xử trong khuôn viên của phủ. Con đường uốn lượn chạy từ cổng vào Phủ chính, đến lầu Cô - lầu Cậu rồi vào Điện Sơn Trang, có thể dễ thấy Nội quy ứng xử văn minh lễ hội niêm yết rõ ràng. Khi thì Quy tắc ứng xử nơi công cộng, khi là Nội dung cấm đốt những loại vàng mã gây lãng phí… giúp khách tham quan chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự nhằm hình thành những chuẩn mực văn hoá khi tham quan khu di tích.

Những ngày đầu năm 2025, Phật tử và du khách đến Phủ Tây Hồ đã không còn cồng kềnh cùng hình nhân thế mạng, mũ hia, khăn áo… mà ai nấy đều gọn gàng dâng hương bằng lẵng hoa, lẵng quả nhỏ xinh được sửa soạn sẵn ở các gian hàng bày bán dọc lối đi.

Đưa không gian văn hóa tâm linh về đúng nghĩa ảnh 2

Trao đổi với Ngày Nay, ông Dương Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An, quận Tây Hồ chia sẻ: “UBND phường đã ban hành Kế hoạch số 14 về việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trên địa bàn phường Quảng An năm 2025 để triển khai công tác quản lý di tích danh thắng, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử và văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn phường và thường xuyên kiểm tra, giám sát, kiện toàn các tiểu ban quản lý di tích, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong ban quản lý di tích trên địa bàn phường để thực hiện theo đúng quy định. UBND phường cũng đã ban hành các kế hoạch đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trật tự đô thị, trật tự công cộng, vệ sinh môi trường, thanh toán không dùng tiền mặt tại các di tích trên địa bàn phường, đặc biệt là khu vực di tích Phủ Tây Hồ trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025”.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền và triển khai thực hiện, hoạt động của lễ hội đã được cải thiện và tăng cường chất lượng, công tác quản lý lễ hội truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tăng cường đổi mới để nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổ chức lễ hội tại địa phương.

Những tín hiệu tích cực cũng được người dân trực tiếp trải nghiệm và thừa nhận. Theo chị Dương Minh Trang, ngõ 180 Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội), từ ngày Ban Quản lý Di tích lịch sử Phủ Tây Hồ và chính quyền địa phương “siết chặt” Quy tắc ứng xử trong lễ hội truyền thống, phủ Tây Hồ cũng như rất nhiều đình, chùa ở Hà Nội đã thực sự lấy lại được không gian trang nghiêm, bình yên và thư thái. “Bước chân vào phủ tôi không còn cảm giác phấp phỏng vì sợ, sợ móc túi, sợ chen lấn, thậm chí xô xát nhau vì giành chỗ đặt lễ. Khu vực gửi xe đã được quy hoạch bớt sự nhốn nháo. Các gian hàng tổ chức ngay ngắn, việc xả rác bừa bãi cũng ít hơn nhiều. Khu vực hạ lễ cũng được các bà, các cô dọn dẹp rác bẩn đâu ra đấy”, chị Trang nói.

Đưa không gian văn hóa tâm linh về đúng nghĩa ảnh 3

Bên cạnh những nét đẹp văn hóa truyền thống, đâu đó vẫn còn những hình ảnh xấu xí tại chùa Quán Sứ. Ngay tại cổng chùa, không khó để bắt gặp những người bán tăm, bật lửa chèo kéo du khách bên cạnh những gánh hàng rong lấn chiếm vỉa hè. Thậm chí, vẫn còn người ăn xin ngay cổng chùa tạo nên sự tương phản với không gian thanh tịnh bên trong khuôn viên chùa.

Ở Phủ Tây Hồ, vẫn không ít người dân dừng lại ngang nhiên thả tiền xuống chân các pho tượng. Ngay lối dẫn vào, tình trạng phóng sinh gây ảnh hưởng không ít đến môi trường lòng hồ xung quanh… Những hành động không đẹp vẫn chưa thể chấm dứt một sớm một chiều nhờ Bộ Quy tắc ứng xử văn minh nơi công cộng. Việc đi lễ chỉ mang ý nghĩa văn hóa nếu người đi lễ có hiểu biết về tín ngưỡng, tâm linh và thấu hiểu những quy tắc ứng xử văn minh, văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đưa không gian văn hóa tâm linh về đúng nghĩa ảnh 4

Nói về thực trạng này, ông Dương Thanh Hải bày tỏ quan điểm, thực hiện các nội dung trong bộ quy tắc ứng xử thì ý thức của người dân về văn hóa ứng xử tại các lễ hội truyền thống đã dần được thay đổi từ nhận thức, thái độ, hành vi. Tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan quản lý, cần phải có sự giúp sức rất lớn từ phía người dân. Người dân phải hiểu và thấm nhuần ý nghĩa mà Bộ Quy tắc ứng xử đề ra, đó là nhằm nâng cao tính hiệu quả trong việc tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm để bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tại các lễ hội.

Đưa không gian văn hóa tâm linh về đúng nghĩa ảnh 5

Theo đó, trong thời gian tới, để thay đổi được hành vi, thói quen của người dân, ban quản lý khu di tích Phủ Tây Hồ nói riêng và các đình, chùa trên địa bàn Hà Nội nói chung đang tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về di tích lễ hội để thực hiện nếp sống văn minh qua những nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Nỗ lực thực hiện các tiêu chí để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, bài trừ các hủ tục lạc hậu, các hành vi phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc trong hoạt động lễ hội.

TIN LIÊN QUAN
Phóng sự ảnh: Dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà nội” - tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực Thủ đô
Phóng sự ảnh: Dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà nội” - tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực Thủ đô
(Ngày Nay) - Chiều ngày 23/3, tại Hà Nội, nhóm Urban Sketchers Hà Nội – Ký họa đô thị Hà Nội đã chính thức công bố dự án sách “Ký họa hương vị phố cổ Hà Nội”. Đây là một hành trình nghệ thuật đặc biệt nhằm tôn vinh vẻ đẹp ẩm thực phố cổ qua những nét vẽ ký họa tinh tế và các câu chuyện giàu cảm xúc.