Việc thúc đẩy các chiến lược quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá từ năm 2020 đến nay đã hình thành một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức sáng tạo trong nước. Từ đây cung cấp cơ sở thể nghiệm, thực hành và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hoá của nghệ sĩ và người làm sáng tạo.
__________________
Làng Củi Lũ (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một dự án nghệ thuật địa phương do nghệ nhân Lê Ngọc Thuận sáng lập. Củi Lũ ra đời với mục tiêu xây dựng ý thức, định hướng phát triển sự sáng tạo nghệ thuật cho đội ngũ nghệ nhân với những sáng tạo có tính ứng dụng trong đời sống. Đồng thời mở các lớp học về chạm khắc gỗ để du khách trong và ngoài nước có những trải nghiệm mới, có cơ hội thực hành chạm khắc để tạo ra tác phẩm nghệ thuật độc đáo của riêng mình, tạo ra một sản phẩm du lịch xanh, bền vững tại Hội An.
Theo chia sẻ của nghệ nhân Lê Ngọc Thuận, ý tưởng về Làng Củi Lũ được hình thành từ năm 2020. Ban đầu dự án chỉ có vài nghệ nhân điêu khắc giỏi nhưng công việc bị trì hoãn do COVID-19. Đến nay làng đã có hơn 20 nhân sự làm việc trong các công việc khác nhau từ điêu khắc chạm trổ đến sơn phủ tạo hình tác phẩm cũng như chăm sóc khách tham quan…
Một trong những điểm nhấn của Củi Lũ là khu workshop về chạm khắc gỗ và là xưởng sản xuất sản phẩm gỗ mỹ thuật, quy tụ hàng chục thợ lành nghề, nhà điêu khắc và thợ gỗ đến từ tỉnh Quảng Nam để tạo nên những tác phẩm đẹp, mang tính nghệ thuật và độc đáo từ củi lũ, những thân gỗ trôi từ thượng nguồn sông Thu Bồn đến Hội An, gỗ tái chế và các vật liệu tự nhiên bền vững khác.
Bên cạnh đó, Làng Củi Lũ cũng là nơi hỗ trợ, truyền cảm hứng và ươm mầm cho các thợ thủ công mới vào nghề và các nhà sáng tạo trẻ ở địa phương phát triển kỹ năng và tài năng của họ thông qua việc cung cấp miễn phí các Chương trình Cố vấn cho các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến việc học về nghệ thuật điêu khắc gỗ và mong muốn tiếp tục nối dài truyền thống của nghề mộc, nghề chạm khắc gỗ của địa phương.
Hoà chung vào động lực, khát vọng của thành phố Hội An với tư cách thành viên của mạng lưới thành phố Sáng tạo của UNESCO, Làng Củi Lũ tiếp tục hướng đến các mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề mộc truyền thống Kim Bồng tại địa phương, thúc đẩy giao lưu, học hỏi kinh nghiệm với các thành phố sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO. Từ đó dự án có thể tạo thêm nhiều giá trị mới nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của các nghệ nhân, đồng thời góp phần vào xây dựng Hội An như một thành phố văn hoá - sinh thái, du lịch, thành phố sáng tạo, xanh và bền vững.
Được thành lập vào năm 2019, Lên Ngàn là sáng kiến nhằm phát triển văn hoá và nghệ thuật địa phương tại Việt Nam cũng như bắc cầu ra khu vực quốc tế với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa công chúng, nghệ thuật, di sản và các hình thức trải nghiệm.
Lên Ngàn hoạt động như một nền tảng để trao đổi các trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật và trở thành không gian nơi các nghệ sĩ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp… có thể thử nghiệm các ý tưởng hay tương tác với nhiều đối tượng khác nhau. Từ đó đem đến cho công chúng những tri thức, hiểu biết về di sản, văn hóa, nghệ thuật cũng như tình cảm gắn bó với thương hiệu của doanh nghiệp hay các đơn vị công lập theo chiều sâu.
Từ khi thành lập đến nay, Lên Ngàn đã tạo ra một số dự án, tác phẩm có tính chất đột phá, gợi mở, truyền cảm hứng mạnh mẽ và có giá trị tác động trực tiếp đến cộng đồng địa phương như Vở diễn Cõi Thinh Không, Dự án âm thanh Sắc Màu, Sáng kiến văn hóa nghệ thuật Thanh Cảnh 2023… Các dự án của Lên Ngàn là sự tổng hòa của nhiều thành phần, chất liệu và phương tiện truyền thông như video, nghệ thuật trình diễn, hội họa, điêu khắc, thơ ca, nghệ thuật công cộng…
Các dự án đã cung cấp một nền tảng tham khảo cho quản trị, quản lý và lãnh đạo cộng đồng nghệ thuật và văn hóa, cũng như chuẩn bị các kỹ năng cơ bản cho các nhà lãnh đạo trẻ tương lai của ngành văn hóa sáng tạo.
Lên Ngàn cũng thúc đẩy các sáng tạo mang tính thử nghiệm và khuyến khích các nghệ sĩ tiếp tục khám phá nghệ thuật cá nhân trong lĩnh vực tương ứng của họ, hiện thực hóa trí tưởng tượng và phản ánh các vấn đề xã hội, đồng thời góp phần đào tạo nâng cao thông qua trao truyền kinh nghiệm trực tiếp về kinh doanh nghệ thuật, văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam.
A Sông là một tập thể nghệ thuật hoạt động độc lập và phi lợi nhuận, do nghệ sĩ thành lập và tổ chức, hoạt động chủ yếu tại khu vực Đà Nẵng - Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Thành lập từ năm 2019 bởi nghệ sĩ Xuân Hạ, cô đã cùng nhiều đồng nghiệp tổ chức khoảng 15 sự kiện lớn nhỏ trong khu vực Đà Nẵng & Quảng Nam, bất kể phải trải qua giai đoạn dịch bệnh vô cùng khó khăn.
Qua những năm hoạt động bền bỉ này, A Sông đã trở thành một một cái tên không thể thiếu trong cộng đồng nghệ thuật miền Trung, đã thúc đẩy nhiều nghệ sĩ địa phương tham gia trưng bày tác phẩm, trình diễn, tổ chức các hoạt động nghệ thuật, cũng như đưa nghệ thuật đến gần khán giả địa phương hơn.
Đặc biệt, chương trình Lưu trú Nghệ thuật do nghệ sĩ Xuân Hạ điều phối và hướng dẫn, chương trình tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và những người thực hành nghệ thuật liên ngành có cơ hội khám phá và tìm hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa và xã hội của miền Trung Việt Nam.
Chương trình khuyến khích sự nghiên cứu và thử nghiệm sáng tạo, tạo ra không gian cho các nghệ sĩ từ trong và ngoài khu vực gặp gỡ, trao đổi ý tưởng và phát triển dự án của mình. Mục đích chính là thúc đẩy sự hiểu biết và tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của miền Trung, đồng thời hỗ trợ sự đa dạng và sáng tạo trong nghệ thuật.
Kể từ đầu năm 2023, A Sông chính thức có thêm các thành viên khác gia nhập và hoạt động chính thức như một art collective (tập thể nghệ thuật - PV). Với sự gia nhập bởi các thành viên mới, A Sông có thêm những cuộc trao đổi sâu sắc và mang tính xây dựng hơn cho các hoạt động cộng đồng, khởi xướng nên ba chương trình chính được tổ chức thường xuyên: Cinema Con Nhà Nghèo (Cinema CNN), Cùng Ăn Cơm (CAC) và Chương trình lưu trú sáng tác (A.I.R).
Ngoài các chương trình chính được tổ chức ở Đà Nẵng - Quảng Nam, A Sông cũng được tín nhiệm, mời tham gia các dự án tại Bắc Ireland, Melbourne (Úc) và Singapore.
Điều này cho thấy dự án phần nào có tác động tích cực đến các nhóm cộng đồng khác nhau trong và ngoài khu vực.
Hội nghị toàn quốc về văn hoá triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để tiếp tục xây dựng, giữ gì và phát triển văn hoá Việt Nam là: Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo và tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.