Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển

Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển

Với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết thuận lợi, du lịch đêm là một trong những hướng đi đúng để phát triển du lịch Việt Nam. Nhưng hiện nay, các hoạt động ban đêm vẫn đang thiếu “nhạc trưởng” liên kết các chuỗi sản phẩm.

______________________

Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển ảnh 1

Sau khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm nhằm phát huy lợi thế dịch vụ ban đêm, phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam thì ở nhiều thành phố, rất nhiều mô hình chợ đêm, phố đi bộ… đã bước đầu được đẩy mạnh, có những hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, như truyền thống vốn có, các hoạt động này vẫn hoạt động tự phát, nhỏ lẻ và chưa thực sự hấp dẫn.

Nguyễn Hoàng, hướng dẫn viên đang làm việc tại một doanh nghiệp lữ hành Hà Nội chia sẻ, các tour du lịch luôn cố gắng lồng hoạt động ban đêm vào các chương trình tour, tuy nhiên hoạt động này đang thiếu “nhạc trưởng” liên kết các chuỗi sản phẩm. Một số tour du lịch đêm được đầu tư chưa bài bản, đặc biệt là chưa khai thác được chiều sâu văn hóa của từng địa phương, vùng miền. Anh Hoàng đưa ví dụ: “Như một thói quen in hằn lâu nay, người ta đến thành phố Hồ Chí Minh sẽ dạo đêm ở khu phố Bùi Viện, đến Thủ đô Hà Nội thì dừng chân ở Hồ Gươm, nhâm nhi đồ ăn ở phố bia Tạ Hiện. Ngoài dạo phố, ăn nhậu lề đường, đêm đến lên bar, du khách chưa biết chơi gì vào ban đêm ở Việt Nam bởi sau 12 giờ đêm, dường như các nhà hàng chuyên về ẩm thực, điểm vui chơi, nơi mua sắm đã có xu hướng đóng cửa”. Nhìn rộng hơn, tại TP.HCM, hoạt động ban đêm mạnh mẽ nhất chỉ xoay quanh Quận 1, nhất là chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện. Các tour du lịch khám phá trung tâm thành phố gói gọn quanh trải nghiệm xe buýt hai tầng, tour “Vọng Nguyệt” trên dòng kênh Nhiêu Lộc, hay du lịch kết hợp với ẩm thực trên các tàu nhà hàng “bám trụ” sông Sài Gòn… Đa số tour chỉ hoạt động đến 10 giờ đêm với những “tiết mục” quen thuộc là ghé vào hàng ăn, quán nhậu vỉa hè hay bar, pub… Dù hoạt động này đáp ứng nhu cầu khá lớn của du khách nhưng các hoạt động hiện nay vẫn triển khai riêng lẻ, nhiều nơi mang tính tự phát, chưa thống nhất theo tổng thể chung, không liên quan gì đến nhau. Chưa kể vấn đề quản lý và ô nhiễm môi trường chưa thực sự được quan tâm.

Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển ảnh 2
Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển ảnh 3

Còn tại thành phố TP Phú Quốc, du khách trải nghiệm tour du lịch ban đêm phần lớn là tập trung tại các quán ăn đêm, câu cá, thẻ mực đêm, chợ đêm, dịch vụ vui chơi, giải trí có thưởng (casino)… Trong đó, nổi bật là khu “Thành phố không ngủ” Phú Quốc United Center (Grand World) hay trình diễn nhạc công nghệ ánh sáng kết hợp với nhạc nước.

Quảng Ninh cũng là một địa phương đi đầu khai thác sản phẩm du lịch đêm. Du lịch về đêm tại Quảng Ninh hiện nay đang phát triển tập trung tại Hạ Long và Móng Cái với du thuyền nhà hàng, nghe nhạc trên vịnh và tuyến phố đêm. Các hoạt động cung cấp cho du khách gồm ẩm thực hoạt động đến 24 giờ, dịch vụ vui chơi giải trí ở Sungroup, mua sắm đặc sản địa phương, hoạt động văn hóa nghệ thuật về đêm ở Tuần Châu…

Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển ảnh 4

Rất nhiều địa phương khác như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Cần Thơ... đều đang tìm tòi, khai thác thế mạnh sẵn có để phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Ngay tại Hà Nội, tại Kỳ họp thứ 15 được tổ chức hồi tháng 3/2024, HĐND TP Hà Nội chính thức thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đô thị của Thủ đô Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng. Hai bên sông sẽ xây dựng con đường di sản văn hóa tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc và con đường giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh đặc trưng của các vùng miền để phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng. Đây cũng là không gian tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền Tổ quốc, kết nối với khu vực Hồ Tây, khu vực cầu Long Biên và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động du lịch, giải trí và kinh tế ban đêm. Con đường di sản hai bên sông Hồng hứa hẹn sẽ thúc đẩy du lịch đêm của Thành phố phát triển.

Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển ảnh 5

Theo nhiều chuyên gia du lịch, việc đa dạng các hoạt động giải trí về đêm giúp tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch quốc gia. Chẳng hạn Singapore nổi tiếng về các sản phẩm du lịch đêm như Sentosa Island, Marina Bay Sands và khu vực quầy bar Clarke Quay, đã trở thành những điểm thu hút du khách quốc tế và đóng góp nhiều vào doanh thu du lịch của Singapore. Cuộc khảo sát vào tháng 3/2023 của Tripoto - cổng tìm kiếm lớn nhất thế giới về nội dung du lịch do người dùng tạo ra cho thấy, hoạt động giải trí về đêm cùng du thuyền đã đưa Singapore trở thành điểm đến yêu thích với du khách sinh từ năm 1981 đến 1996…

Sản phẩm du lịch ban đêm góp phần phát triển nền kinh tế nói chung và du lịch nói riêng, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Du lịch đêm cũng tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Với nhiều quốc gia, du lịch đêm không chỉ được xem là hướng đi giúp tăng trưởng kinh tế, mà còn tạo dấu ấn, hình ảnh, thương hiệu, bản sắc riêng cho điểm đến.

Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển ảnh 6
Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển ảnh 7

Tuy nhiên, dù mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội, du lịch ban đêm vẫn là vấn đề còn mới mẻ ở Việt Nam. Cùng với việc sáng tạo sản phẩm, còn nhiều vấn đề liên quan cần giải pháp tháo gỡ thiết thực để du lịch ban đêm ở nước ta phát triển bền vững.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 5/6/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ khi ban hành đề án thí điểm du lịch đêm ở một số địa phương đã nhận được tín hiệu tích cực. Nhiều địa phương đã triển khai, tập trung vào du lịch đêm với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Một số sản phẩm du lịch đêm nổi bật được các địa phương xây dựng, như: “Tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám - tinh hoa đạo học”, “Đêm Hà Nội - điểm chạm của những xúc cảm”, “Đêm cố đô Hoa Lư - Ninh Bình”,”Quận 1 - Sắc màu đêm”...

Tìm “nhạc trưởng” kéo du lịch đêm phát triển ảnh 8

“Tuy vậy, đây là vấn đề mới và khó, bởi sản phẩm du lịch là sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp, ngành. Để giải bài toán phát triển kinh tế, du lịch đêm, Bộ trưởng Hùng cho rằng các địa phương cần giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển kinh tế đêm. Chính quyền cần có chính sách, chế độ cho những người tham gia (như diễn viên biểu diễn chương trình nghệ thuật, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự...) và nghiên cứu phát triển thị trường. Việc này tránh tình trạng “không làm thì thiếu, làm xong lại bỏ”, rất lãng phí”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Theo đó, các địa phương cũng cần phối hợp với Bộ trong phát triển một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để tăng thêm trải nghiệm cho du khách. Chẳng hạn, các tỉnh có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, sản phẩm ẩm thực... Làm được những việc này, sản phẩm du lịch đêm sẽ tránh đơn điệu và thành công hơn.

TIN LIÊN QUAN
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).