Hà Nội đẹp hơn nhờ hàng ngàn mô hình nhỏ

Hà Nội đẹp hơn nhờ hàng ngàn mô hình nhỏ

  • Trước nhiều thách thức về ô nhiễm môi trường, Hà Nội đang có những bước đi thiết thực để bảo vệ môi trường, trong đó phải kể đến sự chung tay mạnh mẽ của chị em phụ nữ khắp 30 quận, huyện.

    ___________________

    Một trong những hành động đáng chú ý nhất là cam kết của Hội LHPN Thành phố Hà Nội về việc lan tỏa thông điệp “Phụ nữ Thủ đô chung tay hành động vì không khí sạch, thành phố xanh”.

    Hà Nội đẹp hơn nhờ hàng ngàn mô hình nhỏ ảnh 1

    Là huyện miền núi, phụ nữ dân tộc còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Ba Vì, Hà Nội luôn sẵn sàng cùng vào cuộc với chị em toàn Thành phố thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, áp dụng theo cách làm của Thành Hội. Bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì chia sẻ: Trước đây, mỗi tháng Hội phải mua hàng trăm chai nước đóng bằng nhựa, nhưng nay, Hội chỉ cần mua vài chục chai thủy tinh đựng nước. Trước cuộc họp, chị em sẽ cùng nhau chắt nước từ bình nước lớn 20 lít vào từng bình thủy tinh nhỏ rồi rót ra ly; đồng thời pha thêm vài bình trà để đại biểu nào có nhu cầu thì tự phục vụ.

    Theo bà Hằng, với những xã, thị trấn mà kinh phí hoạt động cho phong trào Hội Phụ nữ còn khó khăn, hạn chế, các đơn vị đều đồng loạt thay đổi phong cách làm việc. Tất cả sử dụng một bình to chứa nước tinh khiết rồi rót nước vào các cốc thủy tinh để sử dụng trong các cuộc họp. Để triển khai đồng loạt, Hội Phụ nữ đã trao tặng hàng nghìn bình nước thủy tinh thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần cho các cơ sở Hội và hội viên phụ nữ trên địa bàn.

    Việc dùng chai thủy tinh hay bình sứ, bình inox… đựng nước uống thay thế chai nhựa, lọ nhựa là việc làm thiết thực, cần thiết và có ý nghĩa. Đây là phong trào không chỉ được chị em phụ nữ Ba Vì ủng hộ, mà còn được nhiều chị em cán bộ, hội viên phụ nữ các quận, huyện Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Gia Lâm, Đông Anh, Phú Xuyên… lần lượt áp dụng thực hiện.

    Trước đây, mỗi khi đi chợ, bà Nguyễn Thị Hường, phường Quang Trung, quận Hà Đông, Hà Nội luôn có thói quen mang về cả chục chiếc túi nilon đủ màu đựng thịt, cá, rau... Thế nhưng, kể từ khi Hội LHPN quận Hà Đông xây dựng mô hình “Chống rác thải nhựa, túi nilon” triển khai rộng rãi tại Hội LHPN 17 phường nhằm tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa với môi trường, bà Hường đã thay đổi thói quen tưởng chừng cố hữu. Giờ đây, bà chỉ sử dụng làn nhựa khi đi chợ, đôi khi thay đổi bằng túi vải hoặc túi thân thiện với môi trường mua tại các siêu thị lớn.

    Theo bà Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông, Hội LHPN quận đã phát hơn 3.000 làn nhựa nhằm giúp chị em đi chợ không cần túi nilon, hạn chế sử dụng túi nilon khắp các con ngõ, khu dân cư. “Việc tuyên truyền cho các bà, các chị được các cấp Hội trong các ngày lễ kỷ niệm lớn, thu hút nhiều hội viên tham gia. Nhờ đó, mô hình có sức lan tỏa lớn đến mọi đối tượng phụ nữ. Ngoài việc sử dụng làn nhựa của các bà, các mẹ đã nghỉ hưu, nhiều chị em trong độ tuổi lao động còn chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy đi chợ, siêu thị, tất cả đều nhằm hạn chế túi nilon…”.

    Hà Nội đẹp hơn nhờ hàng ngàn mô hình nhỏ ảnh 2

    Từ năm 2020, Hội LHPN Hà Nội đã đồng loạt triển khai hai mô hình “Tổ ngành hàng nói không với túi ni lon” và “Chi hội phụ nữ sử dụng làn khi đi chợ”. Khắp Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thân thiện môi trường: chị em chợ Ngọc Hà bán hàng bao gói bằng túi giấy, túi thân thiện với môi trường, phụ nữ Xuân La xách làn đan bằng dây buộc hàng đi chợ… Từ bàn tay phụ nữ, phong trào chống rác thải nhựa đã và đang lan rộng khắp Hà Nội. Phong trào đang dần thay đổi dần thói quen sinh hoạt của nhiều tổ ấm cũng như người thân gia đình, bạn bè các hội viên cùng tham gia thực hiện.

    Hà Nội đẹp hơn nhờ hàng ngàn mô hình nhỏ ảnh 3

    Thời gian qua, cán bộ, hội viên phụ nữ các phường Điện Biên, Kim Mã, Thành Công, Vĩnh Phúc thuộc địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội đã luôn tích cực thu gom, phân loại rác thải, tổng vệ sinh môi trường. Nhiều mô hình, phần việc đã được Hội LHPN các phường triển khai hiệu quả như: “Phụ nữ thu gom phân loại rác thải”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Phụ nữ nói không với đồ nhựa dùng một lần trong gia đình”, đặc biệt nhất là mô hình “Biến rác thành tiền”.

    Cứ đến cuối tuần, bà Nguyễn Thị Hạnh, một hội viên phường Kim Mã lại lỉnh kỉnh “hành lý” mang đi đổi quà. Đó là một làn những loại rác tái chế như giấy, nhựa, kim loại… được bà buộc gọn gàng mang đến điểm đổi quà của Hội phụ nữ quận. Sau khi các túi rác được cân, bà cùng cháu gái nhận phiếu đổi quà và ra bàn chọn lựa những món quà. Món quà dù chỉ là những chiếc bát, hộp đựng gia vị… nhưng bà và con gái rất hào hứng bởi đã góp công sức nhỏ bé của mình vào việc làm đẹp cho thành phố cũng như chung tay bảo vệ môi trường.

    Hà Nội đẹp hơn nhờ hàng ngàn mô hình nhỏ ảnh 4

    Mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội Liên hiệp phụ nữ quận Ba Đình đã thu hút đông đảo cán bộ hội viên tham gia, trong đó tích cực nhất là các chị em phụ nữ phường Ba Đình, tổ dân phố 6, 8... thường xuyên có hơn 30 thành viên tham gia hoạt động. Hàng ngày, các thành viên trong tổ tự thu gom, phân loại phế thải tại hộ gia đình, các tuyến đường khu dân cư tự quản, sau đó mang đến điểm tập kết chung tại nhà văn hóa phố để bán lấy tiền gây Quỹ hỗ trợ. Số tiền trong Quỹ sẽ được trao cho những em học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

    Cùng với Ba Đình, rất nhiều mô hình bảo vệ môi trường của phụ nữ Hà Nội đã được đưa ra và được chị em hưởng ứng trên diện rộng. Tiêu biểu như mô hình “Đường hoa phụ nữ tự quản”. Mô hình này được triển khai nhiều năm nay và đang tiếp tục được các cấp Hội triển khai hiệu quả, góp phần tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của hội viên phụ nữ và nhân dân tại địa phương, tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tính đến nay, toàn Thành phố Hà Nội đã có hơn 8.200 đoạn đường phụ nữ tự quản với 3.999 đoạn đường xanh - sạch - đẹp, 841 đoạn đường nở hoa.

    Hội phụ nữ các cấp cũng đang tiếp tục duy trì mô hình “Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”. Hội LHPN tại 100% quận, huyện, thị xã hưởng ứng và triển khai nhiệt tình với 67 mô hình được thành lập mới. Toàn thành phố có 366 vườn hoa phụ nữ tự quản.

    Mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hoá xanh - sạch - đẹp thân thiện môi trường” cũng là một trong những phong trào ý nghĩa được cán bộ, hội viên phụ nữ các huyện triển khai hiệu quả gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong đó phụ nữ làm nòng cốt vận động cộng đồng tham gia làm đẹp cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hoa, tủ sách, trang bị dụng cụ thể thao (trong đó có nhiều thiết bị từ vật liệu tái chế)... phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư. Đến nay, toàn thành phố có 764 điểm sinh hoạt cộng đồng với sự tham gia nhiệt tình, nòng cốt của hội viên phụ nữ.

    Hà Nội đẹp hơn nhờ hàng ngàn mô hình nhỏ ảnh 5

    Hà Nội tự hào là thành phố có bề dầy lịch sử truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, thành phố vì hoà bình. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững là quan điểm, mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và mọi người dân Thủ đô đang nỗ lực thực hiện.

    Thế nhưng, trong tiến trình phát triển, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí. Khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận, từ khí xả thải của các phương tiện ô tô, xe máy tập trung mật độ cao tại khu vực đô thị, từ việc đun bếp than tổ ong trong sinh hoạt, đốt rơm rạ, rác sau thu hoạch, từ hoạt đông phá dỡ các công trình cũ, vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải; tác động của biến đổi khí hậu, đặc điểm địa hình, khí hậu cộng với hiệu ứng đô thị tác động tiêu cực đến chất lượng không khí của Hà Nội. Chất lượng không khí ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mỗi người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em và người già, là những đối tượng dễ bị tổn thương…

    Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết: “Chiếm 50,4% dân số, phụ nữ Hà Nội có vai trò quan trọng trong việc chung sức cùng chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể thành phố bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan. Bảo vệ môi trường sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những chương trình hành động của tổ chức Hội phụ nữ.”

    Theo bà Hoa, trong thời gian qua, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tích cực tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hội thảo chuyên đề, triển khai thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, chương trình trồng cây xanh – “Phụ nữ vun trồng tương lai”, các đoạn đường phụ nữ tự quản xanh, sạch, đẹp, mô hình sống xanh, hạn chế rác thải nhựa, tái chế-tái sử dụng, mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch thành phân bón, sử dụng rơm rạ trồng nấm, vận động các hộ gia đình không đốt bếp than tổ ong trong sinh hoạt hàng ngày…

    Bà Hoa khẳng định, phụ nữ Hà Nội đang cùng nhìn nhận và cùng nhau tạo sự thay đổi từ những điều nhỏ nhất hàng ngày. Mỗi phụ nữ trồng thêm một cây xanh, mỗi cơ sở Hội một công trình cây xanh, giảm thiểu sử dụng túi ni lông, phân loại và tái chế rác thải, sử dụng năng lượng tiết kiệm, năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, không đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác trái qui định để hạn chế ô nhiễm, khí thải, khói bụi… chính là từng bước thiết thực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, phát triển bền vững.

    Bài: Minh Anh

    Thiết kế: Trần Tùng Linh

  • TIN LIÊN QUAN
    Ô nhiễm tiếng ồn ở mức báo động tại thủ đô của Bangladesh
    Ô nhiễm tiếng ồn ở mức báo động tại thủ đô của Bangladesh
    (Ngày Nay) - Ô nhiễm tiếng ồn tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) đang ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày của người dân. Đây là kết luận của Trung tâm Nghiên cứu Ô nhiễm Khí quyển (CAPS) tại Đại học Stamford và được trang tin United News of Bangladesh (UNB) công bố ngày 1/7.
    Phát triển công nghiệp văn hóa bền vững từ nguồn lực cộng đồng sáng tạo
    Phát triển công nghiệp văn hóa bền vững từ nguồn lực cộng đồng sáng tạo
    (Ngày Nay) - Việc thúc đẩy các chiến lược quốc gia về phát triển các ngành công nghiệp văn hoá từ năm 2020 đến nay đã hình thành một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức sáng tạo trong nước. Từ đây cung cấp cơ sở thể nghiệm, thực hành và kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hoá của nghệ sĩ và người làm sáng tạo.
    Infographic tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2024
    Infographic tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2024
    (Ngày Nay) - Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.