Tản mạn Tết xưa, Tết nay...

Tản mạn Tết xưa, Tết nay...

Tháng Chạp, ngồi với anh em bạn bè giữa Sài Gòn nắng 34 độ, nói chuyện Tết, người thì nói trong này Tết đi du lịch, người nói nhậu là chủ yếu, không còn chuyện đi chúc Tết như xưa… Trở về Hà Nội, sau hai giờ bay, miền Bắc mưa phùn ẩm ướt, trời lạnh, một không khí Tết len lỏi tự khi nào. Phong tục mỗi miền mỗi khác và đều cùng biến đổi không ngừng như dòng sông không bao giờ ngưng chảy về phía biển...
__________

Có thể nói không ngoa rằng, trước Tết mới là thời gian nhiều cảm xúc, xốn xang, rộn ràng nhất của Tết. Tùy gia cảnh mà người ta chuẩn bị Tết, nhưng dù thế nào năm mới cũng tràn đầy hy vọng tốt lành, nên nhà ai cũng đẹp hơn ngày thường.

Ở miền Bắc, người ta thường quét vôi lại ngôi nhà của mình, dù là nhà tranh vách đất. Quét vôi không tốn kém gì nhiều, chỉ mua mấy cục vôi, ngâm nước ít ngày rồi hòa ra quét một ngày là căn nhà sáng bừng lên. Những câu cau, cây bưởi trong sân cũng được quét lớp vôi trắng phần gốc, như bộ đồng phục tinh tươm. Quét vôi xong, còn ít nước vôi còn lại họ vẽ mấy cây cung bắn tên ra phía cửa để ngăn trừ ma quỷ và những điều xui xẻo.

Nhà giàu có, khá giả thì mua sắm thêm đồ để trưng bày, nhất là chậu hoa cây cảnh trước sân. Trong nhà ngoài những hoành phi câu đối gỗ treo cố định, những bức đối trướng bằng nỉ, gấm, lụa mừng thọ, mừng tân gia… quanh năm cất trong rương, trong hòm được trưng nên khiến ngôi nhà thêm ấm áp.

Tản mạn Tết xưa, Tết nay... ảnh 1

Bà con nông thôn có thói quen đụng lợn, đụng trâu, ngày tết chung tiền mua lợn, mua trâu về mổ rồi chia nhau. Ngày mổ, lợn mổ trâu đối với trẻ con thật sự là ngày hội. Những nhà nghèo cũng có gà nhà nuôi, mua ít thịt lợn, thêm chai rượu trắng… cũng đủ cho ba ngày Tết. Người ta còn tát ao vào dịp này, nhiều nhà mua cá về kho treo trên bếp, ăn dần cho đến ra Giêng.

Trong cái rậm rịch đón xuân ấy, chuẩn bị cho nồi bánh chưng là một trong những việc chủ yếu. Ngâm gạo, đãi đậu, rửa lá rồi gói bánh mất cả một ngày. Khi gói bánh cũng là lúc nồi đun bánh được chuẩn bị. Do nồi lớn nên thường là không đun trong bếp mà để ở một góc sân, những gộc tre được tích lại từ lâu xếp đống bên cạnh. Người lớn gói bánh trẻ con xúm quanh. Khi còn ít gạo cuối cùng, những cái bánh nhỏ được gói riêng cho từng bé, khiến đứa nào cũng sung sướng chờ đợi, rồi đều ngủ vùi trong giấc mơ về chiếc bánh chưng xinh. Ngồi quanh nồi bánh chưng trong ánh lửa bập bùng, những đêm cuối năm thời thơ ấu này đều là những ký ức đẹp nhất đời người.

Nhưng không phải nhà ai cũng có điều kiện gói bánh chưng. Nhà nghèo thường đồ xôi như ngày giỗ chạp trong năm, một vài đấu gạo cũng đủ cúng ba ngày Tết. Tuy nhiên, những nhà có gia cảnh eo hẹp đó nhất định vẫn có bánh chưng dâng cúng tổ tiên nhờ anh em, họ mạc mang tới.

Tản mạn Tết xưa, Tết nay... ảnh 2

Đến thời kỳ kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa của miền Bắc thì sắm Tết là cả câu chuyện dài. Bà Bùi Kim Ngân, 63 tuổi ở Thụy Khuê, Hà Nội nhớ lại: Hồi đó, người Hà Nội đều có tem phiếu, phiếu mua thực phẩm, phiếu mua chất đốt, phiếu mua vải và sổ gạo. Ngày Tết, mỗi gia đình được mua một số hàng hóa bao gồm vài cân thịt, dăm cân gạo nếp, một ít đỗ xanh, miến, bóng bì, hai bao thuốc lá, hai gói chè, chai rượu cam, vài cân bột mỳ, một chai nước mắm, ít lá dong, rồi củi đun bánh chưng, một bánh pháo tép... Tất cả đều phải có phiếu và đương nhiên đều phải xếp hàng. Mua hàng Tết là vất vả lắm và phải chịu khó mới được. Nhiều khi phải xếp hàng từ 12h đêm, để sáng sớm họ mở cửa hàng là mình đứng gần đầu ngay. Thông thường, để mua đủ số hàng Tết đó, phải mất nhiều buổi trong cả tuần, mà như bây giờ số thực phẩm đó không đủ một bữa liên hoan. Mua xong hàng Tết thì con gái trong nhà lo việc đi làm bánh quy gai, quy xốp. Làm xong mẻ bánh cũng hết nửa ngày. Xong hết những việc đó thì những phụ nữ khéo tay tranh thủ làm thêm chút mứt gừng, mứt quất để thể hiện tài nữ công gia chánh của con gái Hà thành.


Bây giờ hàng hóa tràn ngập, sắm Tết một buổi là xong, mua online cũng được. Vì thế, không mấy nhà còn giữ nếp gói bánh chưng, cũng không mấy nơi còn đụng trâu, đụng lợn. Ngày Tết ở thành phố, nhiều gia đình dùng hải sản, tôm cua biển không thiếu, cá hồi, cá tầm cũng sẵn mà đỡ ngán hơn ăn thịt.  Khi đời sống vật chất không còn thiếu thốn, không mấy ai còn mong đến ngày Tết để được ăn ngon, thì phong vị Tết cũng khác đi nhiều lắm. Hai tiếng “ăn Tết” dường như đang được thay bằng “chơi Tết” với nhiều gia đình.

Tản mạn Tết xưa, Tết nay... ảnh 3

Người Việt vốn hiếu học, trọng chữ nghĩa nên dù họ không biết “chữ Nhất bẻ đôi” nhưng ngày Tết vẫn xin chữ về thờ, về trang trí nhà cửa. Những người biết chữ nghĩa một chút thì cầu kỳ đi đến nhà các ông Đồ viết chữ tốt (viết đẹp), xin đối câu đối thật hợp cảnh, hợp ý nguyện trong năm mới. Những người khác đến ngày chợ tết, ra chỗ ông Đồ trải chiếu viết thuê mua mấy đôi viết sẵn.

Những nhà tranh, vách đất thường xin chữ Phúc dán bàn thờ gia tiên, chữ Thần dán bàn thờ Thổ công. Hai bên bàn thờ dán những câu kinh điển như “Tổ đức, tôn công lai dã viễn/ Nhân cơ, nghĩa chỉ thế tương thừa”; “Mộc bản, thủy nguyên thiên cổ niệm/ Thiên kinh, địa nghĩa bách niên tâm”… Câu đối dán bàn thờ Thổ công thường viết: “Thổ vượng nhân tòng vượng/ Thần an trạch tự an”.

Trước thềm nhà thường viết: “Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ/ Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường” hay “Tiểu vãng, đại lai, thái/ Đông khứ, dương sinh, xuân”…

Những đại tự, đối liên này viết bằng mực tàu đen nhánh trên giấy hồng điều, với nét bút lông ngoạn mục tạo thành một tác phẩm thư pháp làm sáng bừng cả ngôi nhà, khiến ngôi nhà vách đất, mái rạ cũng có nét ấm cúng, tao nhã khác thường.

Tản mạn Tết xưa, Tết nay... ảnh 4

Cụ Nguyễn Văn Bách, năm nay 95 tuổi, là nhà thư pháp nổi tiếng hiện nay kể rằng; Từ tuổi lên 11-12 cụ đã theo cha từ quê Gia Lộc xuống thị xã Hải Dương viết chữ Tết. Bắt đầu từ Rằm tháng Chạp cho đến 29 Tết mới về. Trong những ngày đó cha con trải chiếu ở chợ tỉnh, cùng nhiều ông đồ khác, vừa viết những câu có sẵn để bán, vừa viết theo yêu cầu của những khách hàng khó tính. Vì đã có tiếng nên chiếu lúc nào cũng có khách, nhiều ngày mài mực cho cha mỏi rã cánh tay… Bù lại, cuối năm hai cha con về ăn Tết với món tiền nhuận bút kha khá.

Sau nhiều năm gián đoạn, thú chơi chữ ngày Xuân đã trở lại, tiêu biểu nhất là chợ chữ Văn Miếu Hà Nội. Nhưng chơi chữ nay đã khác xưa ở chỗ chữ Nho không còn là thứ chữ thông dụng, người biết chữ Nho ngày càng hiếm, nên đa số chỉ xin chữ về treo để trang trí, người viết chữ cũng không nhiều người giỏi, nên chữ được, chữ kém, chữ đúng, chữ sai… nhưng ngày Tết miễn mọi người thấy vui là được, đâu có nhiều người biết để thẩm định chữ nghĩa như xưa.

Có một tục mới du nhập vào Việt Nam là dán chữ Phúc ngược do Trung Quốc in sẵn. Người ta bảo do Phúc ngược là Phúc đảo, đảo gần âm đáo là đến nên Phúc đảo cũng là Phúc đến vậy. Thế là đua nhau mua…

Thật ra, dán chữ ngược xảy ra khắp nơi, chả riêng gì Trung Quốc. Việt Nam cho đến nay đám cưới dán Song Hỷ ngược là thường, nhưng Trung Quốc có tài biến những chuyện bình thường thành giai thoại, với một nghệ thuật PR đẳng cấp.

Tản mạn Tết xưa, Tết nay... ảnh 5

Xưa ít nói đi chúc Tết mà thường nói đi “lễ Tết”. Chiều Ba mươi, những người con gái đã đi lấy chồng, cháu ngoại khi mẹ đã không còn, các em đã ở riêng phải mang lễ tết đến nhà cha mẹ, nhà ông bà ngoại, nhà anh trưởng. Lễ Tết thường là cặp bánh chưng, lạt vàng, chai rượu, thẻ hương. Gửi lễ trước để hôm sau sáng mùng Một đến thắp hương lễ tổ tiên và chúc tết. Nếu con cháu xa hơn thì không mang lễ từ chiều Ba mươi.

Tản mạn Tết xưa, Tết nay... ảnh 6

Bây giờ phong tục khác xưa, con gái có khi cũng sáng mùng Một Tết mới mang lễ vật về nhà cha mẹ nhưng cũng không ai lấy thế làm phiền. Ngoài việc lễ Tết tổ tiên nội ngoại, mọi người còn đi lễ Tết thầy học, nhà thông gia, những gia đình có ruộng mà mồ mả tổ tiên mình táng ở đó, hàng xóm, những người có quan hệ buôn bán, làm ăn thân thiết…

Ông bác tôi sinh năm 1924 kể rằng: “Là con trai lớn trong nhà nên từ năm 9 - 10 tuổi, tôi luôn ôm tráp theo thầy tôi đi lễ Tết. Tráp là cái hộp gỗ sơn then hình chữ nhật, cao và rộng chừng 30 phân, rộng 40 phân, mở ra có vẽ trúc mai ở mặt trong của nắp hộp. Tôi cũng mặc áo the dài, quần trắng và đầu phải quấn khăn nhiễu tím, giầy Chí Long thật trịnh trọng. Cái tráp ấy đựng bánh mứt, cau trầu và hương. Đầu tiên, là đến nhà bác Tú, lễ cụ Giải nguyên rồi sang bên ngoại, hai chỗ này tôi đã được giao mang lễ đến từ chiều Ba mươi Tết”.

Ký ức dẫn cụ trở về tuổi thơ: “Sau hai chỗ ấy, hai cha con đến lễ Tết cụ Thiếu bảo Đại học sĩ, vị Thượng thư hồi hưu mà thầy tôi gọi là cậu ruột. Dù là con cháu trong nhà nhưng đến đó lúc nào tôi cũng thấy rất trịnh trọng. Trông thấy cha con tôi đến là cụ vui lắm, vui vẻ mời ngồi uống trà, tôi thì vội theo cha chắp tay “Lạy ông lớn ạ” rồi ra thắp hương, lễ trước bàn thờ, sau đó mới ngồi xuống tràng kỷ, hầu trà cụ.

Tản mạn Tết xưa, Tết nay... ảnh 7

Cụ Thượng mặc áo gấm đỏ, trên gương mặt đôn hậu có những chấm đồi mồi. Sau những lời chúc tụng, cụ thường mừng tuổi cho tôi một đồng 2 xu dày. Hai xu bằng bốn chinh, có thể mua được cái bánh chưng, nhưng đồng 2 xu dày này còn quý ở chỗ đánh đáo thích lắm. Tôi để đồng tiền trong túi áo mà thỉnh thoảng lại nắn xem nó có ở yên đó không...

Đi lễ Tết rất mỏi chân, nhưng thật là vui vì có nhiều tiền mừng tuổi. Nhà cô nghèo thì cho một chinh, nhưng đến nhà một thương gia từ Nam Định về ăn Tết thì năm nào tôi cũng được mừng tuổi 1 hào... 1 hào đó là cả gia tài của tuổi thơ. Dọc đường làng, người đi lại tấp nập, ai cũng mặc đẹp, nhất là những người đi làm ăn, buôn bán các nơi, các vị quan chức về quê ăn Tết. Các cụ gặp nhau đều vái chào và chúc tụng, cười nói râm ran, trên đường đầy xác pháo như những bông hoa”.

Ngày nay, ngoài con cháu lễ tổ tiên, không mấy người khi đi chúc Tết còn giữ phong tục vái bàn thờ tổ tiên gia chủ nữa. Và dường như đi đến nhà nhau chúc Tết cũng đã thưa hơn.

TIN LIÊN QUAN
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
Ông Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
(Ngày Nay) - Chiều 22/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc điều động, phân công, bổ nhiệm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
Miễn vé tham quan Thành nhà Hồ trong Ngày Di sản văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) cho biết, nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), Trung tâm sẽ miễn vé cho du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại di sản Thành nhà Hồ.
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
Kháng thuốc tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong
(Ngày Nay) - Ngày 22/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế tổ chức mít tinh hưởng ứng “Tuần lễ Thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc” từ ngày 18-24/11/2024 và Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc lĩnh vực y tế giai đoạn 2024 – 2025.
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.